Đăng đàn đầu tiên tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 diễn ra sáng nay (21/4), ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam trình bày tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2015.
Bên cạnh các vấn đề về tăng trưởng, đầu tư, xuất nhập khẩu… thì nợ xấu cũng là một trong những nội dung quan trọng trong phần trình bày của PGS.TS Trần Đình Thiên tại diễn đàn sáng nay. Theo ông Thiên, ngoài những điểm nhấn về sự ổn định thị trường, khó khăn nói chung vẫn nằm ở khâu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Cụ thể, ông Thiên dẫn số liệu, từ giữa năm 2013, sự ra đời của VAMC và hoạt động mua nợ xấu của các Ngân hàng thương mại đã giúp tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 3,6%. Đến tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 4,11%. Đến tháng 11/2014, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đã giảm còn 3,8%.
Theo ông Thiên, cơ chế hoạt động của tổ chức VAMC tại Việt Nam có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu. VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, được mang giao dịch với Ngân hành Nhà nước để vay tiền; bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đòi nợ và mỗi năm, trích dự phòng rủi ro bằng 20% tổng giá trị tờ giấy cầm. Hiện VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá.
Trong khi đó, cơ chế hoạt động của một tổ chức tương tự như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian. Sau đó, khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra thị trường.
Ông Thiên nhấn mạnh, nền tảng phục hồi của nền kinh tế còn yếu. Nợ xấu bị “xích” lại gần hết, nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường.
"Lấy 500 tỷ đồng, thậm chí 2.000 tỷ đồng vốn của VAMC có phá tan được “cục máu đông” 150.000 - 200.000 tỷ? 80.000 tỷ vốn trái phiếu của VAMC có đủ là nguồn lực thị trường để mua bán sòng phẳng nợ xấu? Đến lúc nợ xấu “thoát xích” thì hệ quả sẽ ra sao. "Xích" được nợ xấu thì phải "thịt" được, nếu để nó sổng thì gay” – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam băn khoăn.
Cũng liên quan đến vấn đề nợ xấu, TS. Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, hiện nay vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được quan tâm nhưng tốc độ còn chậm.
Ông Tuấn đánh giá, sau ba năm thực hiện tái cơ cấu, hệ thống Tổ chức tín dụng (TCTD) đã có những dấu hiệu tích cực như thanh khoản ngân hàng ổn định, lãi suất có xu hướng giảm; tỉ giá tiếp tục được duy trì ổn định; tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng khá trở lại.
Nợ xấu từng bước được xử lý qua nhiều hình thức như: sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC, phát mại tài sản bảo đảm,... theo đó chất lượng tài sản đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, tỉ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu 3% của đề án tái cơ cấu. Các TCTD yếu kém tuy đã được khu biệt và xử lý nhưng tiến độ vẫn chậm. Để hoàn thành kết quả Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD, đưa tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống TCTD xuống dưới 3% thì cả hệ thống cần phải nỗ lực hơn nữa.
Theo Trí thức trẻ