TS Lê Xuân Nghĩa: “Nguồn cung nhà ở xã hội tăng, giá nhà cũng không thể giảm”

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết giá nhà ở Việt Nam đã gấp khoảng 60 năm thu nhập của một công nhân. Nếu nguồn cung tăng, trong đó có nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ thì giá nhà sẽ tăng chậm lại chứ không thể giảm.
TS Lê Xuân Nghĩa

Giá nhà sẽ tăng chậm chứ không thể giảm

Tại diễn đàn “Bất động sản Việt Nam 2025”, chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa cho biết theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nhà không được gấp quá 30 năm thu nhập của một công nhân. Nếu quá mức này, dấu hiệu bong bóng bất động sản xuất hiện. Tuy nhiên, giá nhà ở Việt Nam đã gấp khoảng 60 năm, tốc độ tăng giá bất động sản chóng mặt.

Về thực trạng này, TS Lê Xuân Nghĩa đã chỉ ra 2 lý do. Thứ nhất là do nguồn cung quá hạn hẹp. Thứ hai, tổng cung tiền hàng năm của Việt Nam tăng cao hơn cả GDP cộng với lạm phát, tức là tổng GDP và lạm phát khoảng 10%, nhưng tổng cung tiền đã tăng tới 14-15%. Một lượng tiền lớn đã đi vào bất động sản khiến giá bất động sản tăng cao.

Trước câu hỏi liệu giá nhà Việt Nam có giảm? ông Nghĩa nói: “Chúng tôi đã khảo sát rất nhiều chuyên gia và nhận thấy rằng một nửa trong số đó nhận định giá nhà khó giảm, thậm chí vẫn tăng. Họ cũng đồng tình với ý kiến, nếu nguồn cung tăng, trong đó có nhà ở xã hội và nhà giá rẻ thì giá nhà sẽ tăng chậm lại chứ không thể giảm”.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, ở là nhu cầu thiết yếu mà giờ đây người dân còn không dám nghĩ tới. Về dài hạn, đây là vấn đề rất lớn.

Chuyên gia cho rằng giá nhà sẽ tăng chậm chứ không thể giảm

Giá tăng quá cao, người dân mong chờ giá giảm để mua

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng cho biết một khảo sát mới nhất của một tổ chức chuyên nghiên cứu về bất động sản cho thấy giá bất động sản ở Việt Nam so với thu nhập trung bình của người dân phải mất khoảng 23,5 năm thu nhập mới mua được một căn nhà giá trung bình, so với bình quân của thế giới là 14,5 năm.

“Như vậy, giá nhà tại Việt Nam gần như gấp đôi so với trung bình của thế giới, chưa nói đến sức mua. Ngoài ra, chỉ số tăng giá bất động sản trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2019 đến nay), theo như Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thông tin là tăng nhanh nhất khu vực, đặc biệt là nhà ở và đất nền tăng đến 60-70%”, ông Lực nói.

Mặc dù nguồn cung thiếu, nhu cầu thực nhiều nhưng giao dịch thời gian qua đang chững lại. Có ý kiến cho rằng là do thiếu nguồn vốn, tuy nhiên ông Lực khẳng định nguồn vốn để cung cấp cho thị trường bất động sản không thiếu. Vấn đề mấu chốt ở đây là giá tăng quá cao, người dân mong chờ giá giảm để mua.

TS Lực cho biết thêm nguồn vốn ngân hàng cho bất động sản vẫn tăng 9,1% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn so với bình quân toàn thị trường. Trong đó, cho vay chủ đầu tư tăng 16%, cho vay mua nhà chỉ tăng 4,6%, điều này có nghĩa là người dân chưa vay tiền để đi mua nhà.

Từ thực tế này, ông Lực nhấn mạnh một trong những giải pháp tốt nhất là cần phải tăng nguồn cung.

“Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sớm đưa gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị, bước đầu khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó Trung ương là 30.000 tỷ đồng, chủ yếu dưới dạng phát hành trái phiếu của Chính phủ. Còn địa phương khoảng 30.000 tỷ đồng”, ông thông tin.

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần tháo gỡ, giải quyết nhanh các dự án bất động sản, đất đai còn vướng mắc, tồn đọng hoặc bỏ hoang trong nhiều năm qua. Sơ bộ các dự án này có giá trị lên tới hàng chục tỷ USD. Nếu giải tỏa được, nguồn cung cực kỳ lớn, chủ đầu tư cũng sẵn sàng bán với giá hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia kiến nghị phải sớm thiết lập một cơ sở dữ liệu về đất đai, bất động sản, nhà ở đồng bộ, vì hiện tại, có nhiều thông tin, số liệu khác nhau về bất động sản.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Tổ công tác của Chính phủ đã tháo gỡ được 129 dự án vướng mắc trên tổng số 750 dự án. Quá trình rà soát, tháo gỡ cho thấy các điểm còn vướng mắc liên quan đến tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án đầu tư, quy hoạch...

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2024, nguồn cung về nhà ở tại các dự án thương mại đã tăng 8,6% so với năm 2023. Nhiều dự án ách tắc đã được các địa phương tháo gỡ khó khăn, cấp phép xây dựng, đây là tín hiệu tốt khi có các luật mới.

Liên quan đến nhà ở xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay trên cả nước đã triển khai 644 dự án nhà ở xã hội, quy mô 580.000 căn hộ. Trong đó, đã hoàn thành bàn giao cho người dân khoảng 57.000 căn hộ. Hiện có khoảng 133 dự án triển khai, sắp hoàn thành, quy mô 110.000 căn nhà. Hơn 400.000 căn hộ đang thực hiện các thủ tục đầu tư và sẽ triển khai trong năm 2025.