TS Lê Trường Tùng: Nhà nước cần ưu đãi với trường tư để hưởng thành quả công ích

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Mới đây, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo bàn về chính sách thuế của nhà nước đối với hệ thống giáo dục ngoài công lập. 
TS Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT.
TS Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT.

Để làm rõ vấn đề, PV VietTimes đã thực hiện cuộc phỏng vấn TS Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường của Đại học FPT.

PV: Trước hết, xin ông cho biết giữa trường công và trường tư có sự khác nhau như thế nào về vấn đề thuế?

TS Lê Trường Tùng: Trong lĩnh vực giáo dục, trường công và trường tư tương đối khác nhau và không giống như các lĩnh vực dịch vụ khác. Ở đây có khái niệm xã hội hoá - hiểu theo nghĩa đây là lĩnh vực nhà nước chịu trách nhiệm là chính, nhưng có sự tham gia của các thêm thành phần kinh tế xã hội khác. Với đa số các lĩnh vực khác thì không có khái niệm xã hội hoá. Ví dụ như cung cấp dịch vụ Internet thì không có khái niệm này. Có thể có doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước khác nhau về nguồn đầu tư, về chủ sở hữu - còn khi đã hoạt động thì bình đẳng với nhau trên tất cả mọi phương diện.

Tuy nhiên, với giáo dục thì không phải như vậy. Chẳng hạn các trường công, ngoài cơ sở vật chất nhà nước đầu tư, còn được cấp kinh phí trong quá trình hoạt động. Kinh phí được cấp đó là bù thêm cho chi phí để đào tạo người học. Khi đó cùng một mức học phí thì trường công sẽ cung cấp được dịch vụ tốt hơn do có thêm người “bù giá”, và cùng một mức chất lượng thì trường tư sẽ phải thu học phí cao hơn. Vấn đề bất bình đẳng là như vậy. Hiện nay sinh viên các trường ngoài công lập hiện chỉ chiếm khoảng 15% tổng số sinh viên toàn quốc.

Và đã là trường tư thì có liên quan là vấn đề thuế (trường công không phải đóng thuế). Các cơ sở giáo dục xã hội hoá có một số ưu đãi. Thứ nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, với các doanh nghiệp thì phải đóng 20% còn các trường chỉ phải đóng 10%. Thứ hai là các trường được miễn giảm thuế các năm đầu, cụ thể là trong thời gian 4 năm kể từ khi thành lập thì được miễn thuế, sau đó 5 năm tiếp theo thì chỉ đóng một nửa số thuế phải nộp. Tuy nhiên, vấn đề là muốn được ưu đãi thuế thì phải có điều kiện không phải trường tư nào cũng đáp ứng được. Khi không đáp ứng được các tiêu chí – trong đó có tiêu chí rất khắt khe như phải đảm bảo 55 mét vuông đất một sinh viên - thì các trường tư sẽ bị truy thu thuế.

Rất ít trường tư đáp ứng được danh mục để được ưu đãi về thuế. Do đó, đến năm 2014, chính phủ quyết định tạm dừng chưa thực hiện để xem xét lại và ban hành danh mục mới cho phù hợp hơn. Đã 6 năm trôi qua vẫn chưa có danh mục mới, và đột nhiên năm 2020 chính phủ ra nghị quyết truy thu thuế các trường tư sau một thời gian dài tạm ngưng. Bộ Tài chính được giao xây dựng thông tư thực hiện chủ trương truy thu này. Căn cứ vào đó, Bộ Tài chính đã soạn dự thảo Thông tư, nếu thông tư được ban hành thì các trường 45 ngày để tự khai báo và nộp thuế, sau thời hạn này ngoài thuế sẽ bị phạt chậm nộp thuế.

PV: Như ông đã biết, Đại học Tôn Đức Thắng ở TPHCM vốn dĩ là trường tư nhưng hiện đã là trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Và trường này vẫn phải nộp doanh thu cho chủ quản này. Xin ông cho biết, điều đó có là hợp lý?

TS Lê Trường Tùng: Về nguyên tắc, mỗi trường đại học đều có lịch sử phát triển riêng. Hiện tại Đại học Tôn Đức Thắng là trường công. Vì thế, trường này phải thực hiện các quy định với trường công. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan quản lý trực tiếp của Đại học Tôn Đức Thắng, có quy định là các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm hàng năm đóng góp tối đa 30% lợi nhuận, giữ lại trên 70% để thực hiện chính sách chế độ cho cán bộ nhân viên và phát triển đơn vị mình. Con số nêu ra là không quá 30%, tức từ 0 đến 30%, còn cụ thể là bao nhiêu với Đại học Tôn Đức Thắng thì tôi không rõ, và dường như vẫn chưa thu.

Còn đối với trường tư thì nếu không được ưu đãi thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% lợi nhuận. Ngoài ra, còn phải trích tối thiểu 25% để lại cho đầu tư phát triển, phần còn lại chi trả cho cổ đông, và cổ đông nhận cổ tức thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân có thể lên đến 35% - cũng nhiều phết.

PV: Vậy xin ông cho biết thực tế về vấn thuế với các trường tư ở nước ngoài.

TS Lê Trường Tùng: Thực ra ở Việt Nam, chính sách của Nhà nước cũng rất nhân văn. Đó là nếu tiền lãi được chia cho cổ đông thì mới tính thuế, còn giữ lại để đầu tư thì được miễn thuế. Như vậy, phần lợi nhuận không chia sẽ không bị thu thuế.

Còn ở nước ngoài thì mỗi nước lại có chính sách thuế riêng, nhưng đều có chính sách hỗ trợ để giáo dục phát triển. Ví dụ ở Úc, mỗi trường đại học đều được cấp trên 50% kinh phí hoạt động. Việc nhà hỗ trợ cho các trường đại học cả công và tư có thể xem như là nghĩa vụ của nhà nước chứ không đơn thuần chỉ là một dạng ưu ái. Lý do ở đây là do giáo dục là một dịch vụ đặc biệt, vừa mang lại lợi ích cho người học, vừa mang lợi ích cho xã hội (nhà nước sẽ có được lực lượng lao động cao cấp để phát triển kinh tế xã hội, sau sẽ nộp nhiều thuế, và những người được đào tạo thì sẽ ít gây ra những vấn đề xã hội mà Nhà nước phải tốn nguồn lực để giải quyết).

Tuỳ từng nước mà Nhà nước sẽ đầu tư theo nhiều hình thức khác nhau. Với trường công, nhà nước đầu tư lớn ban đầu cùng kinh phí đảm bảo hàng năm. Còn với trường tư, có thể là ưu đãi về đất xây trường - xem như đây là đóng góp của nhà nước, cùng với đó là những ưu đãi về thuế. Những ưu đãi của nhà nước với trường tư chính là nghĩa vụ mà nhà nước phải thực hiện để được hưởng về những thành quả công ích.

PV: Vậy Thông tư mới của Bộ Tài chính cho vấn đề này là như thế nào?

TS Lê Trường Tùng: Dự thảo Thông tư mới của Bộ Tài chính hiện đang xin ý kiến đóng góp và đưa liên website theo quy định. Và trên cơ sở các ý kiến đóng góp thì Bộ Tài chính sẽ xem xét xử lý.

Hiện tại, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đang soạn văn bản kiến nghị để gửi cho Bộ Tài chính và chỉnh phủ. Nội dung của văn bản cũng chỉ đơn giản thế này: cách đây 6 năm khi tạm dừng truy thu thuế đối với các trường chưa đảm bảo danh mục về tiêu chí là để xây dựng và ban hành danh mục mới. Tuy nhiên, đến bây giờ thì danh mục này vẫn chưa có và Hiệp hội đề nghị thực hiện theo chủ trương của chính phủ trước đây - tức là phải có danh mục mới rồi mới quyết định truy thu như thế nào, và khi truy thu thì áp dụng danh mục mới cho những gì tồn đọng trước đó. Như thế, việc đầu tiên phải làm là ban hành danh mục mới chứ không phải là ban hành Thông tư hướng dẫn truy thu dựa theo các danh mục cũ, mà theo danh mục cũ thì bình quân mỗi sinh viên phải được có 55m2 đất. Như thế, 1 ha được phép đào tạo chưa đến 200 sinh viên. Nếu như áp dụng tiêu chí đó thì hầu hết các trường công và tư đều không đạt được.

Đại học FPT đón tân sinh viên. Ảnh: Đại học FPT cung cấp.

Đại học FPT đón tân sinh viên. Ảnh: Đại học FPT cung cấp.

Kiến nghị thứ hai mạnh hơn - là nên coi giáo dục đại học là lĩnh vực mặc nhiên được hưởng ưu đãi không cần điều kiện. Lý do là khi cho một trường thành lập, hoạt động và tuyển sinh thì đều đã có những chỉ tiêu rất rõ ràng về giảng viên, về cơ sở vất chất đảm bảo chất lượng đào tạo. Khi mặc nhiên được hưởng ưu đãi thì không nên truy thu thuế.

PV: Cuối cùng, xin được hỏi với giáo dục trực tuyến và từ xa thì về cơ bản, sinh viên không cần phải lên lớp. Đây liệu có phải là mâu thuẫn với quy định về diện tích trên đầu sinh viên?

TS Lê Trường Tùng: Với những thay đổi của giáo dục hiện nay, mô hình giáo dục tương lai sẽ ứng dụng công nghệ rất nhiều – mô hình lý tưởng là kết hợp giữa học tập trực tuyến và trực tiếp trên lớp học. Khi đó thì yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy phải khác đi, và tiêu chí phải được điều chỉnh cho phù hợp. Trước đây định mức là 1 giảng viên/20 sinh viên thì bây giờ có thể là 1/30 sinh viên. Bởi vì 1/3 chương trình học đã ứng dụng công nghệ, và khi đưa công nghệ vào thì năng suất phải cao hơn. Giáo dục là lĩnh vực tập trung tri thức nhiều nhất, cần hiểu rõ bài học về mối liên quan giữa năng suất và chất lượng – không nên hiểu thô thiển là để có chất lượng cao cần duy trì năng suất thấp.

Giáo dục trực tuyến liên quan đến cơ sở vật chất của các trường vì sinh viên có thể tự học một số học phần mà không phải lên lớp. Nếu như xây dựng quá nhiều mà không dùng tới là lãng phí. Tuyển quá nhiều giảng viên mà không bố trí đủ giờ dạy cũng là lãng phí. Và tất cả những sự lãng phí đó sẽ tính hết vào học phí của người học. Do đó, Nhà nước phải tỉnh táo để hỗ trợ người học để không phải đóng tiền cho những khoản chi phí vô lý.

PV: Xin cám ơn ông!