TS. Hồ Quốc Tuấn: Cần giải pháp căn cơ hơn để 'chữa bệnh' cho thị trường trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh), cho biết như vậy về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong chương trình Talk Show Phố Tài Chính.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, những giải pháp trong Nghị định 08 vừa ban hành mới chỉ giải quyết được những khó khăn trước mắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chứ chưa tháo gỡ được những vấn đề dài hạn.

“Có thể hình dung thị trường TPDN như một bệnh nhân cần cấp cứu thì những chính sách đưa ra đóng vai trò là một bác sĩ. Lúc này, bệnh nhân mới chỉ được cứu sống chứ chưa được chữa trị dứt điểm, căn bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào. Đồng nghĩa, khi TPDN đáo hạn và thanh khoản thị trường kém thì những vấn đề đó có thể lại xảy ra”, ông Tuấn cho biết.

Vị chuyên gia đánh giá, Nghị định 08 đã tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp phát hành có thể đàm phán lại trong trường hợp không thể trả được nợ trái phiếu. Với hành lang pháp lý mới, nhà đầu tư cũng được bảo vệ hơn khi vẫn được quyền yêu cầu thanh toán nếu không chấp thuận phương án của doanh nghiệp đưa ra.

“Có thể nói, Nghị định 08 có thể đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường trước mắt, nhưng về dài hạn thì chúng ta vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn”, ông chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect, trong năm 2023 sẽ có khoảng hơn 250.000 tỉ đồng TPDN đáo hạn, 63% trong số đó sẽ đáo hạn trong quý II và quý III/2023.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tự đàm phán với trái chủ. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nên việc đàm phán diễn ra khá khó khăn. Việc ban hành Nghị định 08 ở thời điểm này khá cấp thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ một số vướng mắc hiện hữu trên thị trường.

Bà Hiền đánh giá, trong ngắn hạn, Nghị định 08 sẽ giúp bình ổn tâm lý cho nhà đầu tư trên thị trường. Nhưng về dài hạn, bà cho rằng doanh nghiệp cần có những giải pháp quyết liệt hơn.

Chẳng hạn như doanh nghiệp cần công bố thông tin minh bạch, rõ ràng hơn, đưa ra lộ trình cụ thể về tái cấu trúc doanh nghiệp để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư,

Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh tháo gỡ những vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản đang bị đình chỉ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng xử lý hàng tồn kho để thu tiền về.

Ngoài ra, tiếp thu các bài học từ cuộc khủng hoảng TPDN tại Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.

Cùng quan điểm, ông Tuấn cho rằng để giải cứu thị trường TPDN và tháo gỡ những tắc nghẽn trên thị trường vốn thì việc xử lý các vấn đề của thị trường bất động sản rất quan trọng.

Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của tất cả các nước. Do đó, chúng ta cần nguồn vốn thứ hai để kích thích nền kinh tế, đó chính là đầu tư công. Song, việc giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam còn rất chậm.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải sa thải công nhân do đơn hàng mới sụt giảm. Liệu doanh nghiệp chống chịu được đến khi có đơn hàng mới hay không?

"Vì vậy, cần có chính sách riêng với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu và đây cũng nên được xem là một chính sách hỗ trợ đối với nền kinh tế", vị giáo sư đề xuất./.