Truyền thông thế giới và cuộc chiến ngăn chặn tin giả mạo về nCoV

Truyền thông thế giới đang nỗ lực dập tắt những đồn đoán và những thông tin gây hoang mang để cung cấp cho dư luận một bức tranh thực tế về dịch bệnh nCoV giúp giải tỏa tâm lý lo lắng trong cộng đồng.
Bệnh nhân nhiễm virus corona (trái) được xuất viện sau khi điều trị tại bệnh viện ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 30/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bệnh nhân nhiễm virus corona (trái) được xuất viện sau khi điều trị tại bệnh viện ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 30/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thời gian qua, thông tin sai sự thực, tin giả về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (2019-nCoV) đã xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội và làm gia tăng tâm lý sợ hãi trong người dân Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Trong nỗ lực nhằm cải chính những thông tin này, các hãng truyền thông tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đăng tải những thông tin đáng tin cậy, dập tắt những đồn đoán và những thông tin gây hoang mang, để cung cấp cho dư luận một bức tranh thực tế về dịch bệnh và giúp giải tỏa tâm lý lo lắng trong cộng đồng.

Sau khi dịch bệnh do virus nCoV bùng phát tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019, một video ghi lại cảnh một nhân vật có ảnh hưởng người Trung Quốc ăn một bát súp chế biến từ dơi, đã được lan truyền chóng mặt trên mạng Internet.

Một số đơn vị tin tức còn đăng tải những tin tức sai lệch cho rằng chủng virus mới xuất hiện có liên quan tới món súp dơi.

Tuy nhiên, hãng tin BBC (Anh) đã đăng tải thông tin cải chính khẳng định video kể trên không hề được ghi hình tại Vũ Hán hay địa phương nào khác ở Trung Quốc.

Theo BBC, đoạn video đó được sản xuất từ năm 2016, trong đó ghi lại hình ảnh blogger và người dẫn các chương trình du lịch nổi tiếng Mengyun Wang trong chuyến du lịch tới quần đảo Palau, ở Tây Thái Bình Dương.

BBC cũng cho biết chủng virus corona mới được cho là xuất hiện đầu tiên tại một khu chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi tồn tại tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Dù giới chuyên gia Trung Quốc trong nghiên cứu gần đây cho rằng loài dơi có khả năng là một nguồn phát tán virus nCoV nhưng món soup dơi thực sự không phải là món phổ biến tại quốc gia này và giới chức Trung Quốc hiện vẫn đang điều tra về nguồn gốc dịch bệnh.

Theo một cuộc khảo sát do báo Guardian công bố hôm 1/2 vừa qua, đoạn video "tin vịt" kể trên là một ví dụ điển hình của thông tin sai sự thực.

Theo báo này, việc video một blogger du lịch nổi tiếng Trung Quốc ghi lại từ năm 2016 bị cắt ghép và gắn vào một bối cảnh dịch bệnh của 4 năm sau, qua đó lan truyền thông tin rằng dịch bệnh xuất phát từ món ăn "hoang dã" của người bản địa, đã thu hút được bộ phận dư luận phương Tây vốn có tâm lý kỳ thị với khẩu vị của người Trung Quốc.

Tại Australia, một cảnh báo mạo danh chính quyền bang Queensland đã được lan truyền, trong đó khuyến cáo người dân địa phương tránh xa những khu vực tập trung đông dân gốc Trung Quốc.

Duncan Pegg, một thành viên cơ quan lập pháp của bang này đã lập tức đăng tải cảnh báo tin giả trên tài khoản Twitter cá nhân để khẳng định đây là thông tin sai sự thực 100%.

Báo Washington Times hôm 26/1 cũng đăng tải một thông tin hoàn toàn vô căn cứ rằng virus "có thể có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, liên quan tới một chương trình phát triển vũ khí sinh học bí mật của Trung Quốc."

Thông tin được cho là dẫn lời cựu nhân viên tình báo quân sự Israel Dany Shoham sau đó được lan truyền rộng rãi trên mạng trước khi tạp chí Foreign Policy của Mỹ đăng tải bài viết tiêu đề "Virus ở Vũ Hán không phải là một vũ khí sinh học trong phòng thí nghiệm."

Bài viết cho rằng thông tin giả mạo này thậm chí còn được lan truyền với tốc độ nhanh hơn cả tốc độ lây lan dịch bệnh do chủng virus corona mới gây ra.

Foreign Policy khẳng định bản thân quan chức tình báo Shoham khẳng định chưa bao giờ đồng tình với nội dung câu chuyện nhưng nhiều cơ quan tin tức lại đăng tải tràn lan thông tin này.

BBC cũng đưa tin không có bằng chứng nào xác thực cho tuyên bố trên.

Một thông tin khác thì cho rằng ngành dược phẩm Trung Quốc có tình gây ra đợt bùng phát dịch bệnh để bán các loại vắcxin.

Theo BBC, một trong những người đầu tiên đưa ra loạt cáo buộc này là YouTuber- người sở hữu một kênh riêng trên mạng chia sẻ video YouTube- Jordan Sather.

Trong dòng trạng thái đăng tải trên Twitter, Sather thậm chí còn chia sẻ một đường link về hồ sơ đăng ký bản quyền từ năm 2015 của Viện Pirbright (Anh) về việc triển một chủng virus corona (đã bị làm suy yếu) để sử dụng trong điều chế vắcxin ngăn ngừa và điều trị các bệnh về đường hô hấp.

Tuy nhiên, chính Viện Purbright sau đó đã đăng một tuyên bố dài trên trang web của viện để làm rõ rằng nghiên cứu về virus corona của viện chỉ mở rộng sang các loại virus có ảnh hưởng tới gia cầm và lợn - chứ không phải là chủng mới xuất hiện ở người.

Người dẫn chương trình truyền thanh Hal Turner của Mỹ đã phóng đại thông tin về số ca tử vong và nhiễm bệnh do virus nCoV gây ra.

Trong một bài đăng trên website cá nhân hôm 23/1, Turner khẳng định đã có 112.000 người tử vong và 2,8 triệu người nhiễm chủng virus corona mới, dẫn các nguồn tin tình báo mà người này gọi là các cựu đồng nghiệp quen biết trong khoảng thời gian 15 năm làm việc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Tuy nhiên, thông tin này đã bị cơ quan chuyên kiểm duyệt thông số Lead Stories, hợp tác với mạng xã hội Facebook, khẳng định là "tin giả mạo."

Trên thực tế, giới chức y tế Trung Quốc cập nhận thông tin dịch bệnh hàng ngày. Theo Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHC), tính tới sáng 4/2 đã ghi nhận 20.438 ca nhiễm virus 2019-nCoV, 425 ca tử vong và 632 bệnh nhân được xuất viện ở Trung Quốc đại lục./.

Theo TTXVN/Vietnam+