Tuy nhiên, thời gian gần đây những dư luận nghi ngờ về hiệu quả của viện trợ quân sự cho Ukraine đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các cơ quan truyền thông phương Tây. Có điều gì đang ẩn chứa trong đó chăng?
Tờ Defense News của Mỹ ngày 9/6 viết, với việc quân đội Ukraine tiêu thụ một lượng khổng lồ vũ khí từ thời Liên Xô, theo yêu cầu khẩn cấp của Kyiv, NATO bắt đầu cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn vũ khí hệ phương Tây với tầm bắn xa hơn và uy lực lớn hơn. Nhưng cùng với việc này, ở phương Tây ngày càng có nhiều lo ngại rò rỉ bí mật về những vũ khí tiên tiến này.
Một quan chức Đại sứ quán Anh tại Mỹ tiết lộ rằng bất kỳ vũ khí nào có đầu dẫn hoặc các linh kiện liên quan, cũng như vũ khí được trang bị thuật toán mã hóa, đều có thể bị quân đội Nga lần theo manh mối để tìm hiểu cách thức hoạt động của những vũ khí này và thậm chí có thể tìm ra các phương pháp đối phó.
Mỹ đã cho tháo hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số (trong vòng tròn đỏ) trên lựu pháo M777 khi viện trợ cho Ukraine vì sợ rơi vào tay Nga. |
Defense News nhấn mạnh, Vương quốc Anh đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Vì vậy, những lo ngại của phía Anh rất tiêu biểu cho thái độ chung của NATO. Trong chiến tranh hiện đại, thường xảy ra trường hợp thu được chiến lợi phẩm của đối phương. Trước đây đã nhiều lần có thông tin nói rằng quân đội Ukraine đã tháo dỡ vũ khí Nga thu giữ được trên chiến trường và biết được trình độ thực sự của các loại vũ khí tối tân của quân đội Nga; thậm chí có cả tên lửa hành trình tàng hình KH-101 và trực thăng vũ trang Ka-52 là những trang bị hàng đầu của quân đội Nga mà hiếm khi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp trong thời bình.
Nhưng thời thế đã thay đổi, với việc các vũ khí tối tân do NATO viện trợ cho Ukraine cũng được đưa ra tiền tuyến, phương Tây bắt đầu lo lắng về nguy cơ chúng rơi vào tay quân đội Nga.
Một quan chức khác của Đại sứ quán Anh khi đề cập đến vũ khí thời Liên Xô được tiêu thụ trong chiến tranh Nga-Ukraine, đã nói: "Không có thứ gì là vô hạn". Để kìm bước tiến công của Quân đội Nga ở Donbass, Quân đội Ukraine mỗi ngày phải tiêu hao một số lượng đạn dược rất lớn. Vì vậy, phương Tây buộc phải tăng số lượng vũ khí bổ sung cho Ukraine.
Defence News viết về việc phương Tây lo ngại rò rỉ bí mật công nghệ. |
Trước đây đã có thông tin đề cập việc một số lượng lớn vũ khí chống tăng của NATO trang bị cho quân đội Ukraine, trong đó có cả tên lửa Javelin của Mỹ và tên lửa NLAW của Anh, đã bị quân đội Nga thu giữ, nhưng hàm lượng công nghệ của những vũ khí cá nhân này tương đối thấp, tình trạng rò rỉ vẫn chưa nghiêm trọng.
Tuy nhiên, với việc cung cấp các loại vũ khí hạng nặng từ phương Tây cho Ukraine, nguy cơ rò rỉ bí mật đang gia tăng nhanh chóng. Khi Mỹ cung cấp lựu pháo M777 cho Ukraine trước đây, họ đã cố tình tháo dỡ hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số đi kèm, để ngăn chặn thông tin cơ bản về chiến tranh kỹ thuật số của quân đội Mỹ bị rò rỉ sau khi chúng rơi vào tay quân đội Nga. Tuy nhiên, do tình hình ở Donbass ngày càng xấu đi, để kìm hãm ưu thế của pháo binh Nga, lô lựu pháo M777 mới đã được lắp đặt lại hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số.
Bài báo đề cập đến việc các nhà lãnh đạo của Anh và Mỹ gần đây đã tuyên bố rằng họ phải cung cấp cho Ukraine nhiều bệ phóng tên lửa M270 và HIMARS, tất cả đều được tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số trong hệ thống để đảm bảo ưu thế của việc "đánh nhanh, rút nhanh”.
Anh đã cam kết viện trợ 3 hệ thống phóng tên lửa M270 cho Ukraine. |
Xét rằng những tên lửa này có tầm bắn 70-80 km và khoảng cách tuyến tiếp xúc đủ xa, nên tạm thời có thể không có nguy cơ bị quân đội Nga thu giữ và làm rò rỉ bí mật trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, giới chức Anh lo ngại tên lửa chống tăng "Brimstone" do Anh cung cấp cho Ukraine có công nghệ nhận dạng mục tiêu, được coi là loại vũ khí tối tân của phương Tây, nếu bị rơi vào tay Nga, dễ bị quân Nga nắm được và giải mã. Có thông tin hồi giữa tháng 5, những bức ảnh về việc quân đội Nga thu giữ được tên lửa "Brimstone" còn nguyên vẹn đã xuất hiện trên mạng xã hội, chứng tỏ lo ngại của Anh không phải là không có căn cứ.
Giới quan sát nhận thấy gần đây báo chí phương Tây đã đưa tin về ảnh hưởng tiêu cực của việc viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài Defense News, tờ The New York Times của Mỹ ngày 9/6 cũng vừa đăng một bài báo phê phán Ukraine dùng cách che giấu các chi tiết của hoạt động quân sự để duy trì sự hỗ trợ vũ khí của Mỹ cho Ukraine.
Hình ảnh quân Nga công bố thu được tên lửa tên lửa chống tăng "Brimstone" Anh cung cấp cho Ukraine có công nghệ nhận dạng mục tiêu, được coi là loại vũ khí tối tân của phương Tây. |
The New York Times viết: "Các quan chức Mỹ nói rằng chính phủ Ukraina hiếm khi cung cấp cho họ (Mỹ) các báo cáo mật hoặc chi tiết về kế hoạch hành động của họ, và các quan chức Ukraina cũng thừa nhận họ đã không nói cho người Mỹ biết mọi thứ". "Ukraine không muốn tạo ấn tượng rằng họ có thể không giành được chiến thắng; về bản chất, các quan chức Ukraine không muốn cung cấp thông tin có thể khiến Mỹ và các đối tác phương Tây khác trì hoãn việc cung cấp vũ khí cho họ".
Tờ The Guardian của Anh ngày 9/6 cho biết, quân đội Ukraine đã gần như cạn kiệt toàn bộ số lượng pháo và đạn dược. Tỷ lệ pháo Ukraine-Nga hiện tại chỉ là 1:10 đến 1:15, và quân đội Ukraine hiện đang sử dụng đạn 155mm tiêu chuẩn NATO sau khi đã hết sạch đạn 152mm và 122mm thời Liên Xô.
Ngoài ra, cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại các vũ khí do các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine cuối cùng sẽ chảy ra thị trường chợ đen và rơi vào tay các phần tử cực đoan. Ông Konstantin Gavrilov, người đứng đầu phái đoàn Nga tham dự các cuộc đàm phán về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí tại Vienna, cho biết hiện có nguy cơ các vũ khí hạng nhẹ tràn ra khỏi khu vực xung đột, đặc biệt là tên lửa chống tăng Javelin. Các vũ khí phương Tây viện trợ cho quân đội Ukraine hiện đã được bán trên thị trường chợ đen và được chuyển đến Trung Đông.
Quân đội Nga đang chiếm lợi thế ở mặt trận miền Đông Ukraine. |
Tờ The Independent của Anh ngày 9/6 đưa tin, thông tin tình báo mới cho thấy quân đội Ukraine đang chịu tổn thất lớn trên mặt trận do quân đội Nga có số lượng pháo nhiều gấp 20 lần và cơ số đạn gấp 40 lần. Báo này cho biết: “Thông tin tình báo mới này vẽ nên một bức tranh bi thảm và vô vọng về cuộc xung đột ở tiền tuyến”.
Qua xem xét quân đội Ukraine hiện đang ở thế bị động ở chiến trường miền Đông Ukraine, việc hàng loạt thông tin tiêu cực về viện trợ quân sự cho Ukraine xuất hiện trên các cơ quan truyền thông phương Tây liệu có phải chỉ là ngẫu nhiên? Hay đây là dấu hiệu các nước phương Tây nhận thấy tình hình Ukraine không ổn đang chuẩn bị trước về mặt dư luận để rút khỏi vũng lầy chiến tranh? Tình hình sắp tới sẽ cho thấy điều gì sẽ diễn ra.