Truyền hình tính chuyện khai thác kinh doanh trên môi trường số

Một số đơn vị truyền hình của Việt Nam như VTC, VTVcab, K+, SCTV đang chuyển dịch mạnh mẽ sang cung cấp nội dung và khai thác kinh doanh trên môi trường số.

Chuyển đổi số là cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số, đối với ngành truyền hình thì việc đưa nội dung trên nền tảng Internet, phát triển dịch vụ OTT là xu thế đã được nói đến từ 5 năm trước đây, sau vài năm chuyển dịch chậm chạp, đến thời điểm hiện tại, một số đơn vị truyền hình của Việt Nam bắt đầu chuyển dịch mạnh mẽ sang cung cấp nội dung và khai thác kinh doanh trên môi trường số.

Theo nguồn tin từ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, trong chiến lược phát triển, Đài VTC định hướng sẽ chuyển dần sang môi trường số. Riêng Trung tâm Nội dung số (thuộc Đài VTC) thì đã có ba mục tiêu chuyển đổi, đó là xây dựng hạ tầng và cộng đồng số đủ mạnh, hai là chuyển đổi mô hình sản xuất và thiết bị sản xuất sang phục vụ online, ba là chuyển đổi mô hình kinh doanh sang môi trường số.

Ông Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số cho biết, bám sát mục tiêu chuyển đổi số, Trung tâm Nội dung số đang phải thay đổi dần cả cách sản xuất và dần các thiết bị truyền hình ở riêng Trung tâm Nội dung số. Ví dụ gần đây, một số sản phẩm âm nhạc đã thực hiện ghi hình bằng điện thoại.

Đối với việc khai thác kinh doanh trên môi trường số, có một đặc điểm khác giữa Đài VTC và các đơn vị kinh doanh số đơn thuần là Đài sẽ xây dựng các gói combo cả ở trên truyền hình và cả trên online.

Ứng dụng VTC Now đã đạt con số hơn 1,3 triệu lượt tải sau hơn 4 tháng ra mắt, do sức hút khán giả trong kỳ ASIAD 2018 mà Đài VTC mua bản quyền đủ thấy sức hấp dẫn khi phát các sự kiện thể thao trên môi trường số. Ông Lê Tân cho biết, trong năm đầu tiên VTC Now xác định phát triển hạ tầng và cộng đồng là chủ yếu, trong năm tiếp theo bắt đầu tham gia kinh doanh.

Ứng dụng VTC Now đã tính chuyện khai thác kinh doanh sau 1 năm phát triển cộng đồng trên Internet.

Dự kiến từ tháng 4/2019 sẽ bắt đầu xuất hiện quảng cáo trên VTC Now. Trên môi trường số sẽ có 4 mũi nhọn kinh doanh là: Quảng cáo, tài trợ (xây dựng các combo cả online và truyền hình), kinh doanh dịch vụ nội dung trên di động, cung cấp thiết bị và các dịch vụ số.

Đầu năm 2019, VTC Now đã phát triển box Android VTC Now cung cấp dịch vụ đa phương tiện trên Internet. Nội dung của Đài VTC đã được hiện diện trên website, trên truyền hình, trên ứng dụng di động và trên Adroid TV Box.

Trong cuộc chạy đua đưa tin tức về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/2, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC nhanh nhạy hơn VTV khi đã tổ chức phát trực tiếp bản tin tiếng Việt trên App VTC Now, bản tin tiếng Anh trên kênh YouTube của VTC trong hai ngày 27 và 28/2, VTC tổ chức làm trực tiếp tại hiện trường và các bản tin phát lên mạng đan xen. Số lượng người xem vào ngày 27/2 khá nhiều, trên kênh YouTube có tin đạt 56.000 lượt xem cùng lúc, lượt xem lại đạt tới hơn 3 triệu trong vòng 48h, chủ yếu người xem ở Mỹ. Nhưng VTC ưu tiên thu hút người dùng Việt Nam xem tin tức trên App VTC Now hơn, bản tin tiếng Anh trên YouTube chủ yếu phục vụ người xem ở nước ngoài.

Một số đơn vị truyền hình trả tiền như Truyền hình VTVcab, hay K+, SCTV, HCTV trước đây chỉ đơn thuần khai thác kinh doanh truyền thống bằng cách bán thuê bao, sản xuất nội dung và thu hút quảng cáo, thì trong 1 năm gần đây đã chuyển dịch mạnh hơn khi đã phát triển các app xem nội dung trên di động và Internet. VTVcab còn phát triển các app xem truyền hình miễn phí như Onme, VieOn với chính sách kết hợp với nhà mạng miễn, giảm cước data thu hút người xem nội dung trên di động.

Tuy nhiên có một hạn chế mà hầu hết các app đều phải khắc phục đó là xử lý được tình trạng mạng chậm, bị lag hoặc nghẽn khi có nhiều người xem cùng lúc. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số cũng đang diễn ra rất nhức nhối gây thiệt hại rất lớn cho các đài truyền hình.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược. Đây là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bây giờ là lúc cần có sự dẫn dắt của Chính phủ, cần có một Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số. Trong ASEAN thì Việt Nam đi chậm nhất về kinh tế số, Thái Lan đã đổi tên bộ Viễn thông - CNTT thành Bộ Kinh tế số, xã hội số được 3 năm. Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao Bộ TT-TT xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia và trình Thủ Tướng ban hành trong năm 2019. Đề án này chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, ai phải làm gì, trong bao lâu và bằng cách nào để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số trên phạm vi cả nước và trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng chỉ ra rằng, cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Ai sẽ làm việc này? Đó là các doanh nghiệp công nghệ số. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh.

Theo ICT News

https://ictnews.vn/cntt/chuyen-doi-so/truyen-hinh-tinh-chuyen-khai-thac-kinh-doanh-tren-moi-truong-so-179607.ict
Theo ICTNews