|
Ảnh minh họa |
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến đến TAND cấp huyện nhằm mở rộng phạm vi, khai thác triệt để các tiện ích, công năng của hệ thống truyền hình hội nghị phục vụ công tác của TAND các cấp; giúp cán bộ tòa án ở địa phương trên toàn quốc có thể tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo ngành, đồng thời, lắng nghe ý kiến tham luận của đại biểu tại hội nghị. Sử dụng hệ thống này ngoài phục vụ cho việc giao ban định kỳ, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm có thể áp dụng trong đào tạo, giúp các giảng viên, sinh viên của Học viện Tòa án ngồi tại trường để theo dõi các phiên tòa.
Thực hiện Chỉ thị số 21- CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc “Hạn chế tối đa các hội nghị tập trung có quy mô toàn quốc... và tăng cường ứng dụng CNTT để tổ chức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc”, Năm 2014, TANDTC đã đầu tư xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến 63 TAND cấp tỉnh, 710 TAND cấp huyện và đã tổ chức nhiều hội nghị có quy mô toàn quốc bằng hình thức này.
Nhằm mở rộng phạm vi tổ chức hội nghị trực tuyến, khai thác triệt để các tiện ích, công năng của hệ thống truyền hình hội nghị phục vụ công tác của TAND các cấp. Năm 2016 TANDTC đã tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống truyền hình hội nghị đến Tòa án quân sự Trung ương và 710 TAND cấp huyện với sự giúp đỡ của Tập đoàn VNPT - một trong những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, có nhiều năng lực, kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến chất lượng cao trên nền tảng công nghệ ổn định và an toàn.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đã khẳng định VNPT cam kết tập trung nguồn lực để phối hợp với các đơn vị thuộc TANDTC, TAND cao cấp tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và các TAND các tỉnh/thành phố triển khai có hiệu quả Hệ thống.
Có thể nói, việc đưa mạng lưới truyền hình hội nghị đến 710 TAND cấp huyện có ý nghĩa rất lớn trong việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của hệ thống Tòa án; xóa bỏ khoảng cách địa lý, giúp lãnh đạo TANDTC tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đến TAND các cấp, đặc biệt là các Tòa án vùng sâu, vùng xa; cập nhật kiến thức pháp luật thông qua việc mở rộng phạm vi tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến…; góp phần tiết kiệm thời gian và kinh phí cho các cuộc họp, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước.
Hiện VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Viễn thông - CNTT giai đoạn 2016-2020 với 51 UBND tỉnh, thành phố và nhiều bộ ngành, doanh nghiệp. Bộ giải pháp chính quyền điện tử kết nối liên thông 4 cấp từ xã phường tới trung ương của VNPT hiện diện tại 61 tỉnh, thành phố. Cũng trong năm 2016, VNPT đã xây dựng giải pháp thành phố thông minh như một nền tảng liên kết tích hợp dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp và chính quyền tại 5 thành phố lớn trên cả nước.