Chương trình được Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Y Hà Nội cùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K02) và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp tổ chức nhằm tri ân mảnh đất từng làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).
Trong những ngày cuối tuần qua, hơn 70 thầy thuốc là cựu chiến binh và nhân viên y tế của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khám, chữa bệnh cho những người đồng đội, đồng chí và gia đình đồng đội ở mảnh đất anh hùng. Mặc dù là hoạt động dã chiến, nhưng đoàn công tác vẫn tổ chức đầy đủ các chuyên khoa như khám nội, khám ngoại, nội soi tai mũi họng, khám răng hàm mặt, siêu âm, điện tim…
Đoàn công tác còn trao tặng thuốc men và những phần quà ý nghĩa cho Trạm y tế phường Him Lam và đơn vị y tế Cảnh sát cơ động tỉnh Điện Biên. Riêng Trường THCS Mường Pồn, huyện Điện Biên, ngoài thuốc dự phòng và thiết bị điện chiếu sáng cho nhà trường, đoàn công tác còn tặng sữa cho các cháu học sinh dân tộc.
Đặc biệt, đoàn công tác đã đến thăm cựu chiến binh Lê Xuân Chinh đang sống tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên.
Ông Lê Xuân Chinh nguyên là chiến sĩ của đại đội 18 thông tin liên lạc thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B chiến trường Thành cổ Quảng Trị) là nhân vật trong tấm ảnh “Nụ cười chiến thắng” của tác giả Đoàn Công Tính - nguyên phóng viên báo Quân đội Nhân dân chụp dưới chân Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Câu chuyện về những ngày tháng gian khổ, khốc liệt tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị và hoàn cảnh ra đời của bức ảnh được cựu chiến binh Lê Xuân Chinh kể lại. Đó là những bài học lịch sử và lòng yêu nước vô cùng giá trị với các thầy thuốc, đặc biệt là các thầy thuốc trẻ.
Theo GS. Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng đoàn công tác - hành trình về với Điện Biên của những thầy thuốc là cựu binh ở Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng với các chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động là sự biết ơn sâu sắc dành cho mảnh đất anh hùng, góp phần san sẻ những khó khăn, mang niềm vui đến với các thương binh bệnh binh, gia đình chính sách và bà con dân tộc ở Điện Biên.
“Hoạt động trở lại chiến trường xưa còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và tình yêu thương trong cộng đồng, đặc biệt là góp phần bồi đắp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các thầy thuốc trẻ tham gia trong đoàn khám thiện nguyện”, GS. Văn nhấn mạnh.