Trường Đại học Y Hà Nội cử các chuyên gia xét nghiệm hàng đầu hỗ trợ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung

VietTimes – Trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19 ở một số tỉnh miền Trung, Trường Đại học Y Hà Nội đã cử các chuyên gia xét nghiệm COVID-19 vào Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung để hỗ trợ phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng Tổ công tác trước lúc lên đường vào vùng dịch
Lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng Tổ công tác trước lúc lên đường vào vùng dịch

Theo GS. TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung phòng, chống dịch, nhà trường đã lựa chọn một ekip về xét nghiệm, gồm đầy đủ các chuyên gia, từ lấy mẫu, mã hóa đến xử lý mẫu, làm và chạy kết quả v.v… Các thành viên tham gia Tổ công tác là những cán bộ chủ chốt, có sức khỏe, có kinh nghiệm, đã thực hiện thành công gần 10.000 mẫu COVID-19 tại lab của trường trong giai đoạn trước.

“Chính phủ và Bộ Y tế đang tập trung vào chống dịch COVID-19 ở điểm nóng Đà Nẵng, Quảng Nam, vì thế, là đơn vị đào tạo ra hàng trăm thế hệ bác sĩ, chúng tôi mong muốn chung tay cùng Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ cho Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai trong vấn đề này. BV Bạch Mai lắp đặt trang thiết bị, chúng tôi đưa cán bộ vào để trực tiếp vận hành và đào tạo cho lực lượng cán bộ tại chỗ..." - GS. TS. Tạ Thành Văn cho biết.

1.	GS. TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội hy vọng các cán bộ của Trường sẽ góp phần vào khống chế dịch COVID-19
 GS. TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - tin tưởng Tổ công tác sẽ hỗ trợ địa phương hiệu quả, góp phần vào khống chế dịch COVID-19

Tại buổi trao quyết định cho Tổ công tác lên đường, Hiệu trưởng Tạ Thành Văn rất xúc động vì các thành viên Tổ công tác đều tình nguyện vào vùng dịch, vì thế, GS. Văn tin tưởng các chuyên gia sẽ khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa để Tổ công tác giúp địa phương xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19. Không chỉ trực tiếp làm việc, các chuyên gia còn quan tâm đến công tác đào tạo cho các cán bộ địa phương theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, để khi Tổ công tác rút, địa phương hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật với chất lượng cao. Vì thế, các chuyên gia cũng cần mang theo các tài liệu giảng dạy để đào tạo, cũng như tìm hiểu xem địa phương đang cần gì để mang vào hỗ trợ” - GS. Tạ Thành Văn nhấn mạnh.

GS. TS. Tạ Thành Văn (ngoài cùng bên trái) và PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu (ngoài cùng bên phải) trao quyết định cho Tổ công tác đi nhận nhiệm vụ tại vùng dịch
GS. TS. Tạ Thành Văn (ngoài cùng bên trái) và PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu (ngoài cùng bên phải) trao quyết định cho Tổ công tác đi nhận nhiệm vụ tại vùng dịch

GS. Văn cũng cho biết, Tổ công tác sẽ hỗ trợ cho Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung không ấn định thời gian trở về. Nhà trường sẽ trích Quỹ phòng, chống COVID-19 của trường để chuẩn bị cho cán cán bộ đi công tác với điều kiện tốt nhất có thể, từ trang bị bảo hộ, lương thực, thực phẩm vv...

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – bày tỏ niềm vinh dự khi Bệnh viện có 3 cán bộ tham gia vào Tổ công tác và nêu quan điểm  Bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ các cán bộ những gì cần thiết để có thể làm tốt nhất nhiệm vụ ở vùng dịch.

 
Các thành viên Tổ công tác hứa với lãnh đạo nhà trường sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Các thành viên Tổ công tác hứa với lãnh đạo nhà trường sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Được biết, nhà trường đã xây dựng chương trình đủ cho 2 đội làm việc tại vùng dịch. Rất nhiều cán bộ của trường xung phong vào miền Trung để hỗ trợ, nhưng đợt này, chỉ có 7 người được lựa chọn và 1 lãnh đạo nhà trường sẽ đi cùng để chỉ đạo trực tiếp. Trong đó, có duy nhất một nữ là CK1. Nguyễn Thúy Hà - Bộ môn Hóa sinh.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về lý do xung phong lên đường vào nơi mà ai cũng hiểu là không chỉ là thử thách mà còn có thể cả hy sinh, nhất là phải để lại đứa con nhỏ ở nhà cho chồng chăm sóc, chị Hà giải thích một cách giản dị: "Vì người dân và các đồng nghiệp ở miền Trung cần, nhà trường cũng cần, nên tôi đi. Trong đơn vị tôi, rất nhiều bạn cũng xung phong và tôi may mắn hơn họ nên được chọn. Chúng tôi không sợ lây bệnh, vì chúng tôi có kiến thức sâu về lĩnh vực này, lại được phòng hộ đầy đủ, cùng với kinh nghiệm đã làm hơn 7.000 mẫu COVID-19 an toàn và hiệu quả".

Chị Nguyễn Thúy Hà -- thành viên nữ duy nhất của Tổ công tác - cam kết sẽ không phụ lòng tin của lãnh đạo
Chị Nguyễn Thúy Hà - thành viên nữ duy nhất của Tổ công tác - cam kết sẽ không phụ lòng tin của lãnh đạo

Được biết, chị Hà may mắn có chồng từng làm ở Bệnh viện bệnh Nhiệt đới nên rất hiểu và thông cảm với vợ, sẵn sàng “chia lửa” để vợ làm tốt công việc. Còn bố chị, dù rất thương và lo cho con, nhưng từng chứng kiến chị làm việc ngày đêm trong thời gian trước, khi Trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai và CDC Hà Nội xét nghiệm COVID-19, ông luôn tin tưởng và động viên con.

Buổi tiễn Tổ công tác của Trường Đại học Y Hà Nội vào hỗ trợ ngành y tế Quảng Nam
Buổi tiễn Tổ công tác của Trường Đại học Y Hà Nội vào hỗ trợ ngành y tế Quảng Nam

“Khi trở về, nếu phải cách ly 14 ngày, xin nhà trường cho chúng tôi được cách ly tại lab, để chúng tôi có thể tiếp tục làm việc” – Chị Thúy Hà đề nghị tại buổi tiễn.