Trước đại dịch, dữ liệu cá nhân sẽ không còn riêng tư

Những chính khách ủng hộ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân đã buộc phải thay đổi quan điểm khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên khắp thế giới.

Khi đại dịch Covid-19 do virus corona gây ra đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều quốc gia đã xem xét việc gỡ bỏ các hạn chế trong khâu quản lý dữ liệu, giúp quan chức y tế có thể theo dõi một cách sát sao hơn.

Đánh giá về sự thay đổi trên toàn thế giới cho thấy các cơ quan chức năng đang ưu tiên sức khỏe hơn vấn đề riêng tư, và điều này có thể báo hiệu sự thay đổi về cách nhìn nhận dữ liệu trong tương lai.

Sức khỏe là quan trọng nhất

Các quốc gia châu Á là những nơi đầu tiên tích hợp công nghệ để theo dõi ca nhiễm bệnh, nhằm cách ly triệt để nhất. Trung Quốc đã ra mắt ứng dụng quản lý người dân bằng mã QR để xác định xem họ có cần phải đi cách ly hay không. Tại Hong Kong, thành phố cho biết họ sẽ đồng ý để các cơ sở y tế theo dõi những người cách ly qua một ứng dụng trên điện thoại di động nếu được phép.

Tương tự Hong Kong, Singapore cũng phát hành ứng dụng cho phép theo dõi, nhận diện người nghi nhiễm. Ứng dụng này còn có tính năng ghi lại trạng thái 2 người tiếp xúc cách nhau 2 m trong vòng 30 phút, sử dụng công nghệ Bluetooth.

Trước tình hình phức tạp, các giải pháp theo dõi đường đi của cá nhân được sử dụng trong thời dịch bệnh để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ảnh: Cnet.

Ứng dụng TraceTogether của Singapore có thêm tính năng lưu lại trạng thái khi 2 người đứng gần nhau dưới 2 m, trong vòng 30 phút. Ảnh: Cnet.

"Lần theo quá trình tiếp xúc là một trong những chiến lược quan trọng nhất của chúng tôi để giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng, và quá trình này cần được xử lý nhanh nhất có thể. Tìm ra được những người tiếp xúc càng nhanh thì càng giảm thiểu số người có nguy cơ nhiễm", ông Janil Puthucheary, Bộ trưởng Bộ công nghệ Singapore nhận định.

Theo Hiệp hội Bảo mật Toàn cầu (GPA), tổ chức quy tụ hơn 130 cơ quan bảo vệ dữ liệu, ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nới lỏng những quy định xung quanh quyền riêng tư.

"Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ dữ liệu vào thời điểm này là một quyết định đúng đắn. Các nguyên tắc và quy định bảo vệ dữ liệu của chúng tôi cho phép sử dụng dữ liệu với mục đích công cộng nhưng vẫn được đặt dưới sự bảo mật nhất định", ủy ban điều hành của GPA cho biết.

Những tranh cãi về quyền riêng tư

Rõ ràng, việc chia sẻ dữ liệu giúp các nhân viên y tế vào thời điểm này thu lại được những kết quả khả quan. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã ca ngợi Trung Quốc và Hàn Quốc về những nỗ lực nhằm ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh. Một phần thành công của 2 quốc gia này đến từ việc họ theo dõi các ca nhiễm bệnh kỹ lưỡng.

Tại cuộc họp báo ngày 16/3, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng cần sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ hơn để theo dõi sự lây lan của virus corona.

"Chúng tôi vẫn chưa nhận thấy đủ nỗ lực trong việc xét nghiệm, cách ly và theo dõi tiếp xúc. Chúng ta không thể bịt mắt mà cứu hỏa, cũng như không thể ngăn chặn đại dịch này nếu không biết ai bị nhiễm bệnh", ông Ghebreyesus chia sẻ.

Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo quyền riêng tư là bài toán khó của các quốc gia như Mỹ hay châu Âu. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, việc chia sẻ dữ liệu cũng mang đến nhiều rủi ro khi nó có thể ảnh hưởng và xâm phạm đến đời sống cá nhân của mỗi người. Tại châu Âu, những biện pháp theo dõi mới bắt đầu được áp dụng. Vodafone, nhà mạng lớn tại châu Âu cho biết họ đang xây dựng bản đồ dịch bệnh tại vùng Lombardy, Italy vì "muốn giúp các chính phủ có cái nhìn rõ hơn từ tập dữ liệu ẩn danh".

Trong khi đó, Wired cho biết Facebook cũng cung cấp thông tin di chuyển ẩn danh cho đại học Pavia, Italy để xây dựng nên bản đồ dịch.

Bộ luật bảo vệ dữ liệu riêng tư (GDPR) của châu Âu có những giới hạn rõ ràng về quyền riêng tư, nhưng cho phép các quan chức y tế có thể thu thập dữ liệu khi đối phó với các đại dịch.

Tại Mỹ, nước này đang xem xét các biện pháp tương tự và có thể dựa vào dữ liệu do Facebook, Google và các công ty khác thu thập. Điều này đã gây lo ngại cho một số nhà lập pháp, bao gồm thượng nghị sĩ Ed Markey, một thành viên của đảng Dân chủ từ Massachusetts.

Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ nước này đang cân nhắc thay đổi quy định do sự lây lan nhanh chóng của virus corona. Hôm thứ ba vừa qua, Bộ Y tế Mỹ cho biết họ đang nới lỏng các khung hình phạt về quyền bảo mật dữ liệu sức khỏe, nhằm cho phép các bác sĩ có thể trò chuyện video với bệnh nhân.

Theo Zing