Đây chính là nhận định của nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm cách mạng công nghiệp 4.0 cơ hội, thách thức trong ngành giao thông vận tải do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 24/11, tại Hà Nội.
Áp lực từ CMCN 4.0
Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT), ngành giao thông vận tải của Việt Nam hiện nay nằm chung trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0.
"Dẫn chứng đó là theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, dự đoán đến năm 2025 sẽ có 21 điểm “bùng nổ” là những biến đổi công nghệ cụ thể sẽ định hình thế giới kỹ thuật số và siêu kết nối", ông Hà cho biết.
Trong đó, có thể kể đến các thay đổi mạnh mẽ liên quan đến ngành như 84,1% khả năng có thể xảy ra là chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; 79% khả năng có thể xảy ra là có 10% tổng lượng xe hơi lưu thông trên toàn cầu là xe không người lái, 67% khả năng có thể xảy ra các chuyến đi du lịch/công tác trên toàn cầu thực hiện thông qua việc chia sẻ phương tiện nhiều hơn so với dùng xe riêng; công nghệ vật liệu mới tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong xây dựng và kiến trúc như bê tông tự khôi phục, vật liệu nano, pin năng lượng mặt trời, vật liệu xanh…
"Gần nhất, mô hình Uber, Grab đã cho thấy hiện nay việc kết nối vạn vật đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực vận tải đường bộ tại Việt Nam", ông Hà khẳng định, chỉ vài năm trước đây, người dân Việt Nam khó ai tin được vận tải hành khách công cộng Uber, Grab lại phục vụ được con người thay vì “vẫy” taxi.
Giải pháp đến từ nâng cao nguồn lực
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ cũng nhìn nhận một thực tế, đó là do hạn chế về nguồn lực và chưa có mô hình tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin nên các ứng dụng mới được phát triển trong phạm vi hẹp, nên mới chỉ đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ ở phạm vi toàn ngành.
Cũng theo ông Trần Quang Hà, CMCN 4.0 có thể giúp tiết kiệm được sức lao động thông qua công nghệ. Nhưng đối với ngành giao thông vận tải ở Việt Nam thì hậu quả của cuộc cách mạng này có thể gây ảnh hưởng đến người lao động do mất đi các cơ hội việc làm của nguồn nhân công giá rẻ. Dẫn chứng cụ thể nhất là phương thức sản xuất thay đổi như Uber, Grab đã tham gia thị trường vận tải của taxi truyền thống… dẫn đến "cuộc chiến"giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ (Uber, Grab).
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận, CMCN 4.0 đang tiến đến với Việt Nam hằng ngày, hằng giờ bởi đây là xu thế kết nối của toàn cầu, Việt Nam không thể đứng im mà "nếu có đứng im cũng sẽ bị xô ngã".
"Tôi có đọc nhiều tài liệu, có tìm hiểu nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng vẫn phần nào hoang mang. Chúng ta không thể đứng một chỗ được. Ra biển mà không biết "nhảy sóng" thì sẽ bị xô ngã. Giao thông là phần vô cùng quan trọng của cuộc cách mạng trong nền kinh tế nên giao thông phải di chuyển, không thể đứng im", phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Thứ trưởng cho rằng, Việt Nam cần phải chú trọng nhiều về tích hợp dữ liệu, chia sẻ thông tin và đặc biệt là công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực. Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, quản lý, tích hợp và chia sẻ dữ liệu là việc rất cần thiết nhưng chúng ta chưa làm được. "Bảo mật là một chuyện, nhưng vẫn cần phải chia sẻ dữ liệu giữa các ngành và ngay trong nội bộ ngành giao thông cũng đang làm việc này rất yếu, cần phải khắc phục trong thời gian tới" Thứ trưởng Đông cho biết.