|
Buổi tọa đàm "Trung Nam Investor Day 2022" do Trungnam Group tổ chức ngày 3/11 |
Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) vừa tổ chức buổi gặp gỡ chính thức lần đầu tiên đối với các tổ chức tài chính để chia sẻ về hoạt động kinh doanh và tham vọng chiếm lĩnh ngôi đầu trong ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Vị thế của Trungnam Group trong lĩnh vực năng lượng tái tạo được CEO Nguyễn Tâm Tiến ví như 'đạt được vương miện hoa hậu'. "Cái khó nhất là giữ được vị thế đó", ông Tiến nói.
Theo bà Đỗ Tú Anh – Phó Tổng giám đốc Trungnam Group, tổng công suất phát điện của tập đoàn này hiện ở mức 1,6GW và dự kiến sẽ tăng lên tới 4,8GW tới năm 2026.
Lãnh đạo Trungnam Group cho rằng những thành quả đạt được đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dựa trên kinh nghiệm xây dựng các dự án trước, lựa chọn công nghệ và giải pháp tài chính phù hợp.
Nhờ việc phát triển lĩnh vực thủy điện, Trungnam Group đã có những hiểu biết về thị trường điện, biết đàm phán giá FIT, hợp đồng mua bán điện (PPA). Trong khi đó, kinh nghiệm thi công các công trình thủy lợi đã giúp Trungnam Group triển khai các dự án điện gió trên biển.
Lãnh đạo Trungnam Group ước tính, để phát triển các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) theo Quy hoạch điện 8, ước tính cần tới 40 – 50 tỉ USD và các ngân hàng trong nước khó có thể đáp ứng được. Trungnam Group – với vị thế là 'tay chơi' hàng đầu trong lĩnh vực NLTT – cũng cần nhiều tỉ USD để phát triển các dự án mới.
Trong bối cảnh đó, Trungnam Group đã lên 3 phương án tài trợ vốn: (1) Trả chậm nhà thầu EPC và vay nước ngoài sau 2 năm; (2) vay nước ngoài từ đầu – cấu trúc ECA (hình thức hỗ trợ tín dụng xuất khẩu – PV); và (3) vay nước ngoài từ đầu - tài trợ dự án.
Theo bà Tú Anh, việc vay nợ nước ngoài có ưu điểm là cấu trúc lãi suất rất tốt, bằng SOFR (lãi suất tài trợ qua đêm có bảo đảm – PV) cộng với biên độ 1,5-2%/năm và các chi phí bảo lãnh khác. Tuy nhiên, rủi ro đối với các khoản vay này là biến động tỷ giá.
Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài thường rất quan tâm tới năng lực của chủ đầu tư. Lãnh đạo Trungnam Group cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tập đoàn này là nhà phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Đông Nam Á.
"Để có thể là nhà phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu, Trungnam Group không bỏ qua cơ hội nào để tối ưu hóa lợi nhuận, doanh thu, đảm bảo quyền lợi cho đối tác, nhân viên và cổ đông", bà Đỗ Tú Anh khẳng định.
Trái phiếu Trungnam Group – 'thỏi nam châm hút vốn'?
Theo ông Huỳnh Bửu Quang – Tổng Giám đốc Deutsche Bank Việt Nam, bất chấp những biến động về lãi suất và tỷ giá, dòng vốn tài trợ cho các dự án NLTT vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Trungnam Group hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, kể cả trong giai đoạn hiện nay", ông Quang nhấn mạnh.
Đối với ông Vương Hoàng Sơn – Giám đốc khối ngân hàng đầu tư CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect) – trái phiếu Trungnam Group có thể sẽ tạo sức hút trở lại trong dài hạn.
Theo đại diện VNDirect, có rất ít doanh nghiệp tại Việt Nam có quy mô đủ lớn để tiếp cận thị trường vốn, mà đa phần là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mang tính chu kỳ.
"VNDirect có cơ duyên được biết tới Trung Nam và nhận thấy doanh nghiệp này có điều kiện phù hợp để huy động vốn trên thị trường vốn trong nước", ông Sơn chia sẻ.
Theo đó, việc tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Trungnam Group đã mang lại dòng tiền ổn định, phù hợp với các sản phẩm nợ, kể như trái phiếu.
Ông Sơn cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường vốn ở Việt Nam, cụ thể là trái phiếu, sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của đại diện VNDirect, sau đợt 'thanh lọc' này, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại với thị trường trái phiếu.
"Nỗi sợ có thể là nhất thời, nhưng xu hướng thì không thể đảo ngược", ông Sơn nói. Ở đó, trái phiếu của các doanh nghiệp ổn định về dòng tiền sẽ trở thành 'nam châm' thu hút các nhà đầu tư.
"Trungnam Group vẫn chưa phải là doanh nghiệp niêm yết nên thông tin còn khá hạn chế", ông Sơn lưu ý./.