Theo tìm hiểu của VietTimes, doanh nghiệp lõi trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Trung Nam là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group). Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2004, đăng ký địa chỉ trụ sở tại số 7A/68 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, Tp. HCM.
Vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm người đại diện pháp luật của Trungnam Group do ông Nguyễn Tâm Thịnh (sinh năm 1973) đảm nhiệm.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 10/2015 đến tháng 6/2019, Trungnam Group nhiều lần gia tăng quy mô vốn điều lệ, từ mức 1.490 tỷ đồng lên mức 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc gia tăng quy mô vốn, sau nhiều năm hoạt động, Tập đoàn Trung Nam đã phát triển “hệ sinh thái” gồm 14 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính, bao gồm: năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản.
Theo những thông tin được công bố trên website của tập đoàn, Trungnam Group đang thực hiện nhiều dự án. Trong đó, một số dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Dấu ấn của Trungnam Group
Đáng chú ý nhất trong số các dự án bất động sản của Trungnam Group phải kể tới dự án Golden Hills tọa lạc tại Phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Quận Liên Chiểu và xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng (Golden Hills City).
Dự án này do một công ty thành viên của Trungnam Group là CTCP Trung Nam (hay còn gọi là Trungnam Land) làm chủ đầu tư, rộng 350 ha, được khởi công xây dựng từ năm 2011 và có tổng mức đầu tư lên tới 1,67 tỷ USD (tương đương 38.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo ghi nhận của truyền thông trong nước, sau khi xây dựng xong phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại của dự án lại đình trệ suốt nhiều năm. Điều này khiến cho dự án Golden Hills City liên tục lỗi hẹn về tiến độ.
Để hồi sinh dự án này, vào giữa năm 2017, Trungnam Land đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội (Thịnh Phát Hà Nội).
Theo tìm hiểu của VietTimes, Thịnh Phát Hà Nội được thành lập từ năm 1998, do ông Nguyễn Đình Tuấn (sinh năm 1967) làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Tính tới tháng 7/2017, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên mức 250 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Đình Tuấn góp 242,75 tỷ đồng, sở hữu 97,1% vốn điều lệ của Thịnh Phát Hà Nội.
Mặt bằng phân khu dự án Golden Hills City tại Đà Nẵng (Ảnh: Internet)
|
Trungnam Land còn là chủ đầu tư của dự án Công trình văn phòng và Trung tâm thương mại DITP tại thửa đất số 84, tờ bản đồ số 188, Khu A2-19, Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài – Khu vực tiếp giáp về phía Tây Bắc đường Nguyễn Lương Bằng đến cầu Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng (dự án Vệt 50m).
Ít ai biết rằng, Trungnam Land thậm chí có “tuổi đời” lâu hơn cả doanh nghiệp lõi của Tập đoàn Trung Nam, khi được thành lập từ cuối năm 2001.
Tại Đà Nẵng, Trungnam Group còn là chủ đầu tư Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) có quy mô 341 ha, với tham vọng xây dựng theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ, đạt tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin mang tầm cỡ quốc tế.
Mối quan hệ giữa Trungnam Group và chính quyền Đà Nẵng cũng có lúc không được suôn sẻ.
Bởi lẽ, tập đoàn của ông Nguyễn Tâm Thịnh từng khởi kiện đòi UBND Tp. Đà Nẵng hơn 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ việc UBND Tp. Đà Nẵng công bố danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, trong đó cho biết Trungnam Group nợ gần 300 tỷ đồng tiền thuê đất tại dự án Golden Hills City và dự án Vệt 50m.
Ngoài ra, Trungnam Group còn tham gia nhiều dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư.
Được biết, tập đoàn này tham gia liên danh cùng với SE Corp - CIENCO 1 - Cường Thịnh Thi - Cái Mép - Phúc Lộc - Công Thành - Phương Thành làm chủ đầu tư dự án Cầu Bạch Đằng, nối liền Tp. Hạ Long với hệ thống đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án này được đầu tư theo hình thức BOT, khởi công từ tháng 2/2015 và khánh thành vào tháng 9/2018.
Bên cạnh đó, Trungnam Group còn là chủ đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – Giai đoạn 1”. Dự án này được đầu tư theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2019, dự án này đã đạt 77% khối lượng thi công.
Phối cảnh cống ngăn triều Tân Thuận, Tp. HCM
|
Huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu
Theo ghi nhận của VietTimes, trong nửa cuối năm 2019, một số công ty thành viên của Trungnam Group đã tìm đến kênh huy động vốn qua trái phiếu với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 26/8/2019, Trungnam Land đã phát hành thành công 988 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có kỳ hạn 5 năm.
Mức lãi suất cho năm đầu tiên cố định là 10,5%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 24 tháng của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cộng với biên độ 3,8%/năm. Danh tính trái chủ là nhà đầu tư tổ chức không được tiết lộ nhưng với lãi suất neo vào MBBank thì không loại trừ khả năng dòng tiền đầu tư có gốc từ nhà băng này.
Cùng ngày, CTCP Điện Mặt trời Trung Nam (TN Solar Power) - một doanh nghiệp thành lập năm 2017, do Trungnam Group trực tiếp sở hữu 70% vốn - đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 9 năm cho nhà đầu tư tổ chức. Lô trái phiếu này cũng được áp dụng mức lãi suất tương tự như của Trungnam Land.
Trong giai đoạn từ 3/12 - 6/12/2019, TN Solar Power tiếp tục thực hiện thành công 4 đợt phát hành trái phiếu (kỳ hạn 4 năm) huy động tổng cộng 1.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, trái chủ mua vào toàn bộ số trái phiếu này là MBBank.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là toàn bộ quyền tài sản và tài sản trên đất hình thành trong tương lai gắn liền với dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (tại tỉnh Ninh Thuận), toàn bộ số cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại TN Solar Power.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (Ảnh: trungnamgroup.com.vn)
|
Bên cạnh đó, thành viên của Trungnam Group còn sử dụng các tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền sử dụng đất, các quyền gắn liền hoặc phát sinh trong tương lai từ việc khai thác/thụ hưởng các nguồn thu từ việc kinh doanh các lô đất của dự án Golden Hills City (không bao gồm các phần đất đã chuyển nhượng cho CTCP Tập đoàn Thế Kỷ - Cen Group mua lại và chịu trách nhiệm thanh toán cho Thịnh Phát Hà Nội) và dự án Vệt 50m tại Đà Nẵng.
Nhiều khả năng MBBank sẽ không nắm giữ số trái phiếu trên đến ngày đáo hạn. TN Solar Power cho biết tổ chức phát hành sẽ thực hiện mua lại trái phiếu theo đề nghị của người sở hữu trái phiếu và đảm bảo theo một lịch trình cụ thể với thời điểm mua lại sau cùng là ngày 5/7/2023.
Theo tìm hiểu của VietTimes, MBBank là đối tác tín dụng lâu năm của Trungnam Group. Ở trong các thương vụ phát hành trái phiếu của Trungnam Group, nhà băng này thương đóng vai trò đại lý lưu ký và quản lý tài sản bảo đảm.
Gần đây, truyền thông trong nước đưa tin cho hay, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND Tp. Đà Nẵng rà soát, kiểm tra cụ thể 800 lô đất tại khu vực có diện tích 12,77ha ở khu B và C thuộc dự án Golden Hills City của Trungnam Group./.