Trungnam Group mạnh cỡ nào?

VietTimes – Sở hữu “hệ sinh thái” với hơn chục công ty thành viên, quy mô vốn của hầu hết các pháp nhân chủ chốt thuộc Trungnam Group đều là những con số nghìn tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trungnam Group (Nguồn: Trungnam Group)

Nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, Trungnam Group của Chủ tịch Nguyễn Tâm Thịnh (SN 1973) đang cho thấy năng lực tài chính cũng như năng lực thu xếp tài chính ấn tượng ở hàng loạt dự án mang tầm cỡ quốc gia đã và đang triển khai.

Trước khi làm điện mặt trời, Trungnam Group tích luỹ được nhiều kinh nghiệm khi đảm nhiệm vai trò chủ thầu của nhiều dự án năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản.

Trải qua hơn 16 năm hoạt động, Trungnam Group đã xây dựng “hệ sinh thái” lên đến hàng chục công ty thành viên, mở rộng quy mô hoạt động trải dài từ Bắc vào Nam. Trong đó, đóng vai trò hạt nhân là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group).

Theo tìm hiểu của VietTimes, Trungnam Group được thành lập vào tháng 11/2004, trụ sở chính hiện đặt tại số 7A/68 Thành Thái, quận 10, TP. HCM (Toà nhà Trung Nam). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh.

Cập nhật đến ngày 27/6/2019, Trungnam Group có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu riêng lẻ của Trungnam Group luôn đạt hàng nghìn tỉ đồng. Đáng chú ý, năm 2019, doanh thu thuần của Trungnam Group đạt 6.480 tỉ đồng, cao gấp hơn 7 lần so với năm 2018; lãi thuần cũng tăng gấp 5,7 lần lên mức 123,8 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Trungnam Group đạt 8.831 tỉ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng trưởng 24,6% lên mức 4.406 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất, kết niên 2019, Trungnam Group ghi nhận tổng tài sản hợp nhất đạt 33.728 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 7.167 tỉ đồng. Có thể thấy, tiềm lực tài chính các công ty thành viên của Trungnam Group là rất lớn.

Ông trùm năng lượng

Trungnam Group bắt đầu đầu tư vào điện mặt trời từ tháng 7/2018, khi khởi công xây dựng “siêu dự án” Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận với diện tích 264 ha, tổng mức đầu tư 5.000 tỉ đồng. Dự án này có công suất thiết kế 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm.

Được biết, chủ đầu tư là CTCP Điện mặt trời Trung Nam (TN Solar Power) – một thành viên của Trungnam Group.

Theo tìm hiểu của VietTimes, TN Solar Power được thành lập vào ngày 28/6/2017, với vốn điều lệ ban đầu đạt 10 tỉ đồng, trong đó Trungnam Group góp 7 tỉ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 70% vốn. Phần vốn còn lại được chia đều cho 2 pháp nhân thành viên khác là CTCP Thuỷ điện Trung Nam Krông Nô và CTCP Thuỷ điện Trung Nam, mỗi pháp nhân nắm giữ 15% vốn.

Đến ngày 18/6/2018, TN Solar Power nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không thay đổi. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, TN Solar Power chỉ mới pháp sinh doanh thu vào năm 2019, tuy nhiên kết quả mang lại lại rất ấn tượng. Cụ thể, năm 2019, TN Solar Power ghi nhận doanh thu thuần đạt 501,5 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 131 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận hơn 26%, hay cứ khoảng 4 đồng doanh thu lại thu về 1 đồng lãi.

Với mức lợi nhuận “khủng” có được chỉ sau ít tháng khởi công xây dựng, có thể thấy hấp lực lớn khiến hàng loạt tập đoàn lớn hiện nay đã đổ xô làm điện mặt trời.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của TN Solar Power đạt 4.840 tỉ đồng, cao gấp 2,8 lần so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ từ 1.000 tỉ đồng lên mức 1.131 tỉ đồng. Có thể hiểu sự gia tăng vốn chủ này được bồi đắp từ khoản lợi nhuận chưa phân phối của năm 2019.

Dự án điện mặt trời tiếp theo của Trungnam Group là Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Trà Vinh được khởi công vào ngày 19/1/2019 tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với quy mô 171,17 ha. Dự án này có công suất thiết kế 140 MW, sản lượng điện trung bình dự kiến đạt 250 triệu kWh/năm.

Đến ngày 15/5/2020, Trungnam Group tiếp tục khởi công dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với quy mô 557 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng.

Cập nhật số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ cuối tháng 5/2020 đến nay, đã có tổng cộng 5.300 tỉ đồng trái phiếu chảy về dự án này thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam. Tất cả đều được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán MB và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).

Trước khi làm điện mặt trời, Trungnam Group đã từng đầu tư xây dựng hàng loạt dự án nhà máy thuỷ điện như: Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 2 (có công suất 70 MW, diện tích hồ chứa rộng 1.065,9 ha tại tỉnh Lâm Đồng); Nhà máy thuỷ điện Krông Nô 2 (công suất 30 MW, diện tích hồ chứa rộng 108 ha tại tỉnh Đắk Lắk); Nhà máy thuỷ điện K rông Nô 3 (công suất 18 MW, diện tích hồ chứa rộng 198 ha tại tỉnh Đắk Lắk).

Trong đó, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Đồng Nai 2 là CTCP Thuỷ điện Trung Nam (Trungnam Power). Công ty này được thành lập vào tháng 8/2007, gồm 8 cổ đông sáng lập. Tại ngày 28/7/2014, Trungnam Power có vốn điều lệ đạt gần 1.300 tỉ đồng, trong đó Trungnam Group nắm giữ 96,49% vốn. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Công Chuẩn (SN 1974). Ông Chuẩn còn đang đứng tên cho 2 pháp nhân khác là Công ty Tua-Bin nước Trung Khánh và Công ty TNHH Trung Nam BT 1547.

Theo dữ liệu của VietTimes, 4 năm gần đây, Trungnam Power luôn duy trì doanh thu trên mức 300 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2017, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 655 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 322,8 tỉ đồng – tức cứ 2 đồng doanh thu, Trungnam Power lại thu về 1 đồng lãi.

Ngoài các dự án kể trên, tháng 8/2016, Trungnam Group còn thông qua thành viên CTCP Điện gió Trung Nam (Trungnam Wind Power) nhằm phát triển dự án Nhà máy điện gió Trung Nam có công suất gần 152 MW, tại xã Lợi Hải và Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Trái ngược với thuỷ điện và điện mặt trời, dữ liệu của VietTimes cho thấy, tuy đã phát sinh doanh thu nhưng Trungnam Wind Power lại báo lỗ. Cụ thể, năm 2019, Trungnam Wind Power ghi nhận doanh thu thuần đạt 120,5 tỉ đồng, báo lỗ thuần ở mức 17,55 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Trungnam Wind Power đạt 3.184 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.110 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 146% và 58% so với thời điểm đầu năm.

Tiềm lực từ bất động sản

Nhắc đến Trungnam Group mà không nhắc đến bất động sản hẳn sẽ là một thiếu sót. Trong hàng loạt công trình địa ốc của Trungnam Group, trước hết phải kể đến dự án Golden Hills tọa lạc tại phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu và xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng (Golden Hills City).

Golden Hills City được khởi công xây dựng từ năm 2011 nhưng lại rơi vào tình trạng đình trệ nhiều năm. Để hồi sinh dự án này, ngày 5/7/2017, Trungnam Land đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội (Thịnh Phát Hà Nội).

Tuy nhiên, đến ngày 28/2/2019, Thịnh Phát Hà Nội đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ để hợp tác phát triển dự án Golden Hills City với CTCP Kita Land - thành viên của tập đoàn Kita Group.

Dự án này có quy mô 351 ha, tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 1,67 tỉ USD (tương đương hơn 38.000 tỉ đồng). Chủ đầu tư là CTCP Trung Nam (Trungnam Land) – một thành viên của Trungnam Group.

Như VietTimes từng đề cập, Trungnam Land thậm chí còn có “tuổi đời” lâu hơn cả pháp nhân lõi Trungnam Group, khi được thành lập từ cuối năm 2001, trụ sở chính đặt tại tầng 3 toà nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Về kết quả kinh doanh, trong 4 năm trở lại đây, Trungnam Land đều đặn thu về trên dưới 200 tỉ đồng tiền doanh thu, báo lãi thuần vài tỉ cho đến đến vài chục tỉ đồng mỗi năm. Gần nhất là năm 2019, Trungnam Land ghi nhận doanh thu thuần đạt 280,9 tỉ đồng, tăng 38% so với năm trước; lãi thuần ở mức 24 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lãi 2,8 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Trungnam Land đạt 4.814 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 725,8 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 1,5% và 3,4% so với thời điểm đầu năm.

Ngoài Golden Hills, Trungnam Group còn đầu tư xây dựng hàng loạt công trình địa ốc khác như: Toà nhà văn phòng Trung Nam (quy mô 9 tầng cao và 1 sân thượng – 1 tầng hầm, tại 30 nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP. HCM); Toà nhà Trung Nam (11 tầng cao – 1 tầng hầm, tịa 7A/68 Thành Thái, quận 10, TP. HCM); Toà nhà DITP (18 tầng, tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Bên cạnh đó, tập đoàn này còn sở hữu dự án Khu công viên văn hoá và đô thị Đà Lạt – Golf Valley có quy mô 19,71 ha gồm 90 biệt thự đơn lập và song lập, 16 nhà phố liền kể, 415 căn hộ cao cấp và 3 khách sạn từ 3 đến 5 sao đạt chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, Trungnam Group còn tham gia phát triển nhiều dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư.

Được biết, tập đoàn này tham gia liên danh cùng với SE Corp - CIENCO 1 - Cường Thịnh Thi - Cái Mép - Phúc Lộc - Công Thành - Phương Thành làm chủ đầu tư dự án Cầu Bạch Đằng, nối liền TP. Hạ Long với hệ thống đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Dự án này được đầu tư theo hình thức BOT, khởi công từ tháng 2/2015 và khánh thành vào tháng 9/2018.

Vài năm gần đây, BOT Cầu Bạch Đằng liên tục báo lỗ, thậm chí doanh nghiệp này đã phải phải kêu cứu lên Thủ tướng trước nguy cơ phá sản do doanh thu thấp hơn nhiều so với dự kiến. Cụ thể, năm 2019, BOT Cầu Bạch Đằng ghi nhận doanh thu thuần đạt 188,5 tỉ đồng, cao gấp hơn 5 lần so với năm trước; báo lỗ thuần ở mức 355,7 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lỗ gần 134 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Trungnam Group còn là chủ đầu tư dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1). Dự án này được đầu tư theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỉ đồng.

Ngoài các pháp nhân kể trên, “hệ sinh thái” Trungnam Group còn một số thành viên khác như: CTCP Thuỷ điện Trung Nam Bác Ái, CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C), CTCP Xây dựng Trung Nam 18 E&C, CTCP Địa ốc Trung Nam Đà Lạt, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, Công ty TNHH BT Ngã ba Huế Trung Nam, CTCP Cơ giới Trung Nam Miền Nam,.../.