Trung Quốc xác nhận sắp hạ thủy tàu sân bay tự chế đầu tiên

VietTimes -- Tàu sân bay tự chế đầu tiên và tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đều thuộc tàu sân bay hạng trung, áp dụng phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu và sử dụng động cơ thông thường, nhưng Type 001A sẽ tiên tiến hơn Liêu Ninh
Đại tá Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Chinanews
Đại tá Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Chinanews

Chiều ngày 30/3, tại cuộc họp báo thường lệ, Phó Cục trưởng Cục Thông tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ngô Khiêm cho biết, tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc đang triển khai công tác lắp ráp, tiến triển rất thuận lợi. Thông tin hạ thủy tàu sân bay này sẽ không để báo giới phải đợi lâu.
Trước đó, tờ Liên hợp buổi sáng Singapore cho rằng tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc sẽ hạ thủy vào ngày 23/4/2017 - ngày thành lập Hải quân Trung Quốc. Trong tương lai, tàu sân bay này sẽ triển khai ở căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam, thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Lý Thần, Viện nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc, tàu sân bay tự chế đầu tiên và tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đều thuộc tàu sân bay hạng trung, áp dụng phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu và sử dụng động cơ thông thường, nhưng Type 001A sẽ tiên tiến hơn Liêu Ninh.
Về thiết kế, chế tạo, tàu sân bay mới có thể tận dụng kinh nghiệm thiết kế chế tạo, thử nghiệm, hoạt động đã tích lũy được từ tàu sân bay Liêu Ninh, tiến hành các cải tiến; đồng thời, rất nhiều hệ thống con của tàu sân bay mới cũng có thể áp dụng công nghệ mới và vật liệu mới hoàn thiện để nâng cao tính năng.
Đồng thời căn cứ vào phương hướng phát triển của công nghệ tiên tiến cũng như nhu cầu nhiệm vụ tương lai, tạo ra không gian mở cho cải tiến tiếp theo. Ngoài ra, những kinh nghiệm và nguồn nhân lực đã có cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ hình thành sức chiến đấu cho tàu sân bay mới.

Hình ảnh tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Hình ảnh tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Việc chế tạo và biên chế tàu sân bay mới sẽ đẩy nhanh hoàn thiện tàu sân bay - lực lượng tác chiến mới của Hải quân Trung Quốc. Giống như tàu Liêu Ninh, tàu sân bay mới sẽ đẩy nhanh hình thành và hoàn thiện lý luận tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc.
Phương pháp tác chiến và huấn luyện cũng có thể được nghiệm chứng, sửa đổi và hoàn thiện thông qua huấn luyện, diễn tập, làm cho tàu sân bay tiếp tục hòa nhập vào hệ thống tác chiến liên hợp.
Sau khi sở hữu hai tàu sân bay, nhu cầu triển khai thường xuyên và đa dạng biên đội tàu sân bay sẽ thúc đẩy cải cách phương thức biên chế lực lượng tác chiến của Hải quân Trung Quốc.
Ngoài ra, hai tàu sân bay được đồng thời sử dụng cũng có lợi cho đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực, đặt nền tảng tốt cho phát triển tiếp theo của lực lượng tác chiến tàu sân bay.
Tàu sân bay mới sau khi đi vào hoạt động và hình thành sức chiến đấu sẽ nâng cao khả năng chiến lược trên biển cho Hải quân Trung Quốc trong cả "phòng thủ biển gần và bảo vệ biển xa".
Trước hết, sở hữu nhiều tàu sân bay sẽ có lợi cho sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, tăng cường răn đe thông thường và kiểm soát khủng hoảng. Nếu triển khai ở biển gần một khoảng thời gian, tàu sân bay cũng phải quay trở lại nhà máy để tiến hành bảo trì và cải tạo. Nếu chỉ có một tàu sân bay thì trên biển có lúc sẽ thiếu tàu sân bay.
Thứ hai, trong tác chiến liên hợp ở chuỗi đảo thứ nhất, hai hoặc nhiều tàu sân bay sẽ tăng cường khả năng đột kích các mục tiêu trên biển và mặt đất cũng như khả năng phòng không của biên đội trên biển, tạo ra nhiều phương án chiến dịch và chiến thuật hơn cho người chỉ huy chiến dịch lựa chọn.
Cuối cùng, tàu sân bay cũng có thể tham gia các hành động quân sự phi chiến tranh, bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài như hộ tống, rút kiều bào; đồng thời thông qua các chuyến thăm và tham gia huấn luyện, diễn tập quốc tế, trở thành "cánh cửa mới" giao lưu quân sự với các nước khác, nhất là các nước lớn có biển.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Bình luận viên quân sự Trung Quốc Tống Hiểu Quân cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh có sứ mệnh là nghiên cứu khoa học, thử nghiệm và huấn luyện. Còn tàu sân bay tự chế đầu tiên sắp hạ thủy, tiếp thu kinh nghiệm thành công và không thành công từ tàu Liêu Ninh.
Tàu sân bay tự chế đầu tiên đòi hỏi phải coi trọng mức độ hoàn thiện công nghệ, tránh kéo dài thời gian đi vào hoạt động cũng như tránh lãng phí nhiều tiền bạc. Đồng thời, đảm bảo cho tàu sân bay mới có đủ không gian để cải tạo trong tương lai.
Điều đáng lưu ý là một chiếc tàu sân bay hạ thủy hoàn toàn chưa thể cho thấy thực lực của Hải quân Trung Quốc đã được nâng cấp toàn diện. Việc nâng cấp này cuối cùng cũng phải dựa vào nền tảng nghiên cứu khoa học quốc phòng và công nghiệp quốc phòng vững chắc và phát triển bền vững.