Điều luật mới của Trung Quốc vừa được ban hành ngày hôm qua (29/11). Nó cấm việc xuất bản các tin giả hoặc video giả (còn được biết đến dưới cái tên deepfake). Nếu muốn xuất bản loại hình này, người xuất bản (người tung tin) phải ghi rõ từ đầu là video được tạo bởi công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) hay VR (thực tế ảo). Nếu không ghi rõ, người tung tin sẽ bị ghép vào tội hình sự.
Điều luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2020. Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát.
Việc áp dụng các công nghệ mới như video deepfake đã gây ra những nguy cơ rất lớn đối với trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia. Sử dụng công nghệ AI và VR, người ta có thể gắn đầu người này vào thân thể người kia trong các video giống như thật, rất khó phát hiện. Hãy tưởng tượng một chính trị gia, một người nổi tiếng bị tung video giả mạo sẽ nguy hiểm như thế nào.
Trong một thông báo được đưa ra ngày hôm qua, cơ quan CAC nhấn mạnh: “Việc sử dụng những công nghệ mới như deepfake trong ngành công nghiệp âm thanh và hình ảnh sẽ tạo ra những nguy cơ khi nội dung đó có thể phá vỡ trật tự xã hội và vi phạm lợi ích của công dân, tạo ra rủi ro về chính trị, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia và sự ổn định của xã hội”.
Lập trường của chính phủ Trung Quốc trong việc này khá quyết liệt. Có vẻ như nước này đang bảo lưu quyền truy tố cả người dùng và dịch vụ lưu trữ hình ảnh/video nếu không tuân thủ các quy tắc.
Video deepfake giả mạo Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga
Trung Quốc không phải là nước duy nhất quan ngại những hiểm họa từ video deepfake. Tháng trước, California đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ khép tội hình sự cho hành vi sử dụng video giả mạo trong các chiến dịch quảng cáo tranh cử. Điều luật này của California có ký hiệu là AB 730, được Thống đốc Gavin Newsom ký ban hành. Mọi hành vi phát tán âm thanh, hình ảnh, video giả mạo ngôn từ và hành động của chính trị gia sẽ bị khép vào tội hình sự. Mặc dù trong điều luật của California không ghi rõ là “video deepfake” nhưng nó quy định tất cả video được tạo ra bởi AI, được chỉnh sửa một cách sai lệch về ai đó, đều là vi phạm pháp luật.
Quốc hội Mỹ cũng đang phân tích những mối nguy hại tiềm tàng của deepfake và tìm cách hạn chế ảnh hưởng của nó đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng đã tổ chức một phiên điều trần về vấn đề này. Họ đã mời một nhóm các nhà khoa học từ một số trường đại học và viện nghiên cứu đến tham gia thảo luận. Hiện nay một vài bản dự thảo luật được trình lên Lưỡng viện có nội dung yêu cầu hình ảnh/video làm giả phải được gắn dấu watermark hoặc phải ghi rõ, cũng như hình sự hóa việc tạo và phân phối các video đó.
Về phía các mạng xã hội, cả Facebook và Twitter đang trong quá trình tạo ra các công cụ tốt hơn để phát hiện video deepfake nhằm hạn chế sự lan truyền của các video đó.
Tại Việt Nam, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhiều lần làm việc với Facebook và Google, yêu cầu gỡ bỏ các thông tin sai lệch trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, chúng ta chưa có chế tài nào cho các công ty nước ngoài nói chung và video deepfake nói riêng.
Trong bài phát biểu mới đây tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nói rằng, nếu như nước ngoài có thể phạt các công ty vi phạm hàng tỷ USD, thì Việt Nam chưa làm được như vậy. Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được ban hành nhằm giúp hạn chế các loại tội phạm trên không gian mạng.
“Các vấn đề vi phạm chúng tôi đưa ngay vào luật một cách công khai để phổ biến toàn dân, để đảm bảo luật pháp Việt Nam được thi hành một cách nghiêm túc”, ông Tô Lâm cho biết.