Trung Quốc và “ván cờ âm mưu” tại Trung Đông

VietTimes -- Tại sao Trung Quốc bất chấp những rủi ro có thể sa lầy vào vòng xoáy chính trị ở Trung Đông, lựa chọn thời điểm Arab Saudi và Iran vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao, ISIS vẫn đang hoành hành dự dội để “bày trận cờ”? Bắc Kinh có “âm mưu” Trung Đông gì hay không?
Ảnh minh họa

Ngày 19/1, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận có chuyến thăm kéo dài 5 ngày đến Saudi Arabia, Ai Cập và Iran, sau chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Kinh lại một lần nữa “kết duyên” với Trung Đông – vùng đất với nền văn minh lâu đời nhưng cũng đầy bất ổn.

Việc Bắc Kinh tích cực tham gia vào các sự vụ Trung Đông thời gian qua không những thu hút sự chú ý của dư luận trong nước, mà còn thu hút sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế: Tại sao Trung Quốc bất chấp những rủi ro có thể sa lầy vào vòng xoáy chính trị ở Trung Đông, lựa chọn thời điểm Arab Saudi và Iran vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao, ISIS vẫn đang hoành hành dự dội để “bày trận cờ”? Bắc Kinh có “âm mưu” Trung Đông gì hay không?

Cục diện Trung Đông hỗn loạn, Trung Quốc rất dễ trắng tay

Đây là lần đầu tiên trong vòng 14 năm, nguyên thủ Trung Quốc đến thăm Iran và là lần đầu tiên trong vòng 12 năm đến thăm Ai Cập. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mục đích chính của chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế  giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Cho dù là cuộc khủng hoảng Syria vẫn đang trong chảo lửa hai chiến trường Iraq năm xưa, đều khiến Trung Quốc nếm trái đắng giữa cục diện hỗn loạn, lợi ích ở nước ngoài bị thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí là mất cả chì lẫn chài.

Theo nguồn tin từ các phương tiện truyền thông của Nga, sau khi Syria vấp phải lệnh chế tài, do bị ảnh hưởng của việc cắt giảm sản lượng dầu trên toàn lãnh thổ Syria, tháng 9/2011, dự án lớn của tập đoàn dầu khí Trung Quốc tại Syria là giếng dầu Kebibe thuộc miền Đông Bắc Syria lần lượt bị giảm sản lượng 3 lần 20%, 40% và 72%, hiện tại đã khôi phục phần nào, nhưng cũng chỉ đạt 35% so với mức sản xuất bình thường, tức sản lượng từ 14.500 thùng/ngày xuống còn 5.000 thùng/ngày như hiện nay.

Từ năm 2003, tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) ký hợp đồng khai thác sản xuất với giếng dầu Kebibe đến nay, tổng đầu tư của tập đoàn này ở Kebibe lên tới 280 triệu USD, là dự án đầu tư nước ngoài có mức sinh lời cao nhất của tập đoàn dầu khí Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi bị cắt giảm sản lượng, hai tháng trở lại đây, tập đoàn này bị thiệt hại 70 triệu USD, và phía Syria vì thiếu nguồn ngoại hối, nợ  CNPC một khoản lớn. Nếu tính mức tổng thiệt hại, tổn thất của Trung Quốc tại Syria do nội chiến lên tới 19 tỉ USD.

Chiến tranh Iraq cũng khiến Trung Quốc thiệt hại gần 100 tỉ USD. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do các công ty của Trung Quốc đứng ra thầu gần như đều bị phá hủy, các dự án đầu tư khác cũng bị “xếp xó” do thay đổi chính quyền , đơn hàng mất hiệu lực. Đồng thời cục diện hỗn loạn của Iraq đã thúc đẩy tạo ra “quái thai” khủng bố là IS, khiến các giếng dầu của Trung Quốc tại Iraq và Syria đều rơi vào tổ chức này.

Những bất ổn của khu vực đã ảnh hưởng đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và lợi ích đầu tư của Trung Quốc tại Trung Đông, có thể sẽ khiến các công ty Trung Quốc thiệt hại trắng tay. Khi kết quả này xuất hiện, không những khiến các nhà đầu tư Trung Quốc mất lòng tin khi đầu tư vào Trung Đông, mà còn khiến người dân trong nước dị nghị vì chính phủ không thể bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân tại nước ngoài ở các khu vực bất ổn.

Những bất ổn ở Syria, sự “biến thiên” của cục diện Ukraine những năm trước đều khiến các hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại nước bản địa rơi vào tình trạng mất trắng, ở một mức độ nào đó khiến dư luận nước này dấy lên mối nghi ngờ về chính sách ngoại giao của chính phủ. Do đó, đối với Trung Quốc, ổn định môi trường ở Trung Đông mới phù hợp với lợi ích của quốc gia này, đây chính là lý do quan trọng mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sang thăm 3 nước Trung Đông.

Nước cờ “một vành đai, một con đường”

  “Văn kiện chính sách các nước Arab của Trung Quốc” vừa mới được công bố sẽ giúp Bắc Kinh có nhiều cơ hội hợp tác hơn với các nước Trung Đông, đồng thời hỗ trợ cho Trung Quốc thực hiện chiến lược “một vành đai, một con đường”. Trung Đông – mảnh đất giao thoa giữa 3 châu lục, 2 đại dương và 5 biển luôn là đối tác Trung Quốc chưa bao giờ coi nhẹ, sự ổn định của khu vực này liên quan đến sự thành bại của chiến lược “một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh.

Theo mô hình hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Arab “1+2+3” mà Trung Quốc công bố, hợp tác về năng lượng sẽ là vấn đề “then chốt” trong mối quan hệ này, xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư là “hai cánh” nâng đỡ cho vấn đề then chốt này. “3” đại diện cho “3 đột phá” – hợp tác trenen nhiều lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, năng lượng mới, năng lượng sạch trong tương lai và hàng không vũ trụ (đặc biệt là vệ tinh, nhưng cũng bao gồm hợp tác hàng không vũ trụ có người lái”).

Theo tiết lộ, với vai trò là một tổng thể, các nước Arab đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, chỉ riêng Arab Saudi đã là nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho quốc gia tỉ dân này, cộng thêm Iraq, Kuwait, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, lượng dầu thô thế giới Arab xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 40% tổng lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu.

Iran là quốc gia duy nhất theo dòng Hồi giáo mà người Shiite nắm quyền lực, trấn thủ Eo biển Hormuz -  là con đường biển chiến lược quan trọng và hẹp, eo biển nằm giữa vịnh Oman phía Đông Nam và vịnh Ba Tư ở Tây Nam. Sau khi các nước phương Tây và Iran ký kết được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân, Iran vừa được gỡ bỏ lệnhtrừng phạt về kinh tế, nguồn dầu mỏ, khí thiên nhiên dồi dào và thị trường tiềm năng của quốc gia này là sức hút lớn đối với cả Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.

Với vai trò là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vì chính sách dầu mỏ không cắt giảm sản lượng mà Arab Saudi đã xuất hiện tình trạng thâm hụt ngân sách nặng, khiến dư luận trong nước hết sức hoang mang, lo ngại. Các dự án hợp tác mà Bắc Kinh mang đến chẳng khác gì mang lại “luồng gió mới” cho quốc gia Trung Đông theo dòng Hồi giáo Sunni này, và chiến lược hướng về phía Đông của Arab Saudi rất bắt nhịp với chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Ai Cập trên toàn cầu, năm 2015, kim ngạch thương mại song phương của hai nước đạt 11,7 USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Ai Cập chiếm 10,8 tỷ USD. Ngoài ra, Ai Cập và nhiều nước thuộc khu vực Địa Trung Hải, các nước châu Phi và các nước Arab thuộc khu vực Trung Đông đều sở hữu hiệp định thương mại tự do, hàng hóa của Trung Quốc sản xuất tại Ai Cập sẽ được hưởng những chính sách đãi ngộ về thuế tại các thị trường nói trên, sự tiện lợi trong vị trí địa lý cũng giúp giảm giá thành vận tải và mở rộng thị trường hàng hóa.

Theo tiết lộ của báo chí, trước khi ông Tập Cận Bình thăm Trung Đông, Trung Quốc đã khởi động các vòng đàm phán hiệp định thương mại tự do với Ủy ban hợp tác vùng Vịnh. Và chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc là kênh quan trọng để Trung Quốc thực hiện “chiến lược phát triển sang phía Tây”, trong bối cảnh chính sách Trung Đông của Mỹ có nhiều thay đổi và Nga can thiệp vào các sự vụ Trung Đông nhưng lực bất tòng tâm như hiện nay, “một vành đai, một con đường” sẽ ăn khớp với chiến lược hướng về phía Đông của các nước Trung Đông, đồng thời cũng mở rộng lợi ích thiết thực và tầm nhìn địa chính trị cho Trung Quốc.

Trung Đông trở thành điểm tựa chiến lược cho ngoại giao Trung Quốc

Sự ổn định của khu vực Trung Đông là tiền đề quan trọng giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng “một vành đai, một con đường” , và chắc chắn Bắc Kinh  sẽ coi Trung Đông là điểm tựa chiến lược quan trọng, giúp Trung Quốc đột phá sự bao vây về mặt chiến lược của các nước như Mỹ và Nhật Bản, mở rộng không gian địa chính trị cho Bắc Kinh.

Hiện tại, Mỹ và rất nhiều quốc gia đặt dấu hỏi về cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, điều chỉnh chính sách ngoại giao, thực hiện chiến lược ngoại giao trở lại châu Á. Sự can thiệp của Mỹ vào các sự vụ ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ khiến cục diện biển Đông và biển Hoa Đông phức tạp hơn. Trung Quốc không thể tùy tiện làm càn. Các cuộc đấu trí địa chính trị sẽ khiến Trung Quốc bị sa lầy vào vòng vây chiến lược do Mỹ tạo ra. Bắc Kinh nhận ra rằng, có thể coi Trung Đông là điểm tựa chiến lược, sự ổn định của cục diện Trung Đông sẽ khiến khu vực này trở thành thị trường hết sức quan trọng trên toàn cầu, chắc chắn cả thế giới sẽ dồn mọi sự chú ý vào đây, chiến lược phát triển sang phía Tây của Trung Quốc chắc chắn sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Đồng thời, sự hỗn loạn của Trung Đông sẽ khiến các lực lượng của thế giới đều chú ý đến “quái thai” khủng bố IS. Đối với Trung Quốc – quốc gia chịu có khu vực Tân Cương thường xuyên xảy ra các vụ bạo loạn, bất ổn do các  thành phần ly khai người Duy Ngô Nhĩ cấp tiến phát động, thì đây là một vấn đề quan trọng. Đây cũng là ván cờ “âm mưu” mà người Trung Quốc bày ra trong thời điểm cục diện Trung Đông đang đối mặt với nhiều bất ổn, là nguyên nhân thúc đẩy Bắc Kinh nhảy vào “chảo lửa”, là thời điểm nhà lãnh đạo nước này lựa chọn sang thăm Trung Đông.

H.L