Trung Quốc trong cơn khát tài năng AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong khi nhu cầu về kỹ sư AI của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước, chỉ 0,1% nhân tài của quốc gia này có bằng tiến sĩ.
Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Các công ty Trung Quốc đang tranh giành những tài năng hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh các công ty nội địa đang đua nhau tung ra các dịch vụ tương tự ChatGPT.

Nhu cầu về nhân tài AI của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần so với 5 năm trước, theo dữ liệu được tổng hợp gần đây bởi Liepin, một nền tảng tuyển dụng của Trung Quốc. Các vai trò liên quan đến mô hình đào tạo bot đàm thoại và nội dung do AI tạo ra (AIGC) đang có nhu cầu đặc biệt cao.

Theo SCMP, khi tìm kiếm trên một số nền tảng tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc bằng những từ khóa như "xử lý ngôn ngữ tự nhiên", "mô hình đào tạo AI", hàng loạt công việc với mức lương thưởng hào phóng đã xuất hiện. Trong đó có một công ty thậm chí đưa ra mức lương 800.000 nhân dân tệ (2,7 tỉ đồng) mỗi tháng cho một vị trí liên quan đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

“Kể từ cuối năm ngoái, chúng tôi đã nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các công ty công nghệ địa phương đang tìm kiếm tài năng trong các mô hình (ngôn ngữ) lớn và AIGC, và một số doanh nghiệp sẵn sàng trả lương hậu hĩnh”, Max Xiao Mafeng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tại công ty tuyển dụng TTC Consultant, cho biết. “Các yêu cầu tìm kiếm tài năng này càng nhiều, vì vậy chúng tôi đã phải thành lập một bộ phận mới vào đầu năm nay để chỉ tập trung vào lĩnh vực này”.

Khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11 và gây bão trên toàn thế giới, tình trạng thiếu hụt tài năng AI hàng đầu ở Trung Quốc ngày một trầm trọng.

Trong số gần 1 triệu người ở Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực AI, chỉ 0,1% có bằng tiến sĩ, trong khi phần lớn có bằng thạc sĩ hoặc bằng cấp thấp hơn, theo kết quả khảo sát được công bố vào tháng 10 bởi Học viện Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc (CALSS).

AI trở thành một môn học trong các trường đại học bắt đầu từ năm 2018, hai năm sau khi Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc, coi nó là một lĩnh vực chiến lược trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 13. Hiện tại, gần 35% trong số 1.270 trường đại học của đất nước, đã được Bộ Giáo dục cho phép cung cấp các khóa học AI.

Lứa sinh viên chuyên ngành AI đầu tiên đã tốt nghiệp năm ngoái, nhưng phần còn lại vẫn ngồi trên giảng đường. Điều này khiến nguồn cung và nhu cầu nhân sự AI trên thị trường vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Sự thiếu hụt có thể tới 300.000 người trong năm nay, chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chip AI, máy học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

So với Mỹ, khoảng cách về nhân tài AI của Trung Quốc hiện đang kém rất xa. Theo danh sách AI 2000 của Đại học Thanh Hoa công bố tháng 1/2022, tính đến cuối 2021, Trung Quốc có 232 chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, xếp thứ hai thế giới, nhưng Mỹ có 1.146 nhà nghiên cứu, chiếm hơn 57% toàn cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về các ấn phẩm nghiên cứu AI. Dẫu vậy, quốc gia tỉ dân này vẫn tụt hậu so với Hoa Kỳ về ngôn ngữ lớn và các mô hình đa phương thức, trong đó Hoa Kỳ sản xuất hơn một nửa tổng sản lượng của thế giới vào năm ngoái. Được biết, các mô hình ngôn ngữ lớn là nền tảng công nghệ hỗ trợ ChatGPT và các công nghệ tương tự.

Tại Trung Quốc, Bắc Kinh dẫn đầu với nhiều công ty và công nhân AI nhất, sử dụng hơn 60% chuyên gia AI của quốc gia, theo sách trắng do Cục Kinh tế và Công nghệ thông tin thành phố công bố.

CALSS kêu gọi quốc gia giải quyết khoảng cách nguồn cung và nâng cao năng lực của người lao động bằng cách tăng cường hợp tác giữa các lĩnh vực học thuật và công nghiệp, cũng như thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới.

Sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu AI - một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - đã phần nào bị gián đoạn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.

Theo SCMP