Theo Kyodo News, báo cáo về chiến lược bầu trời của Học viện Chỉ huy không quân Trung Quốc (AFCA) cho thấy nước này muốn kiểm soát hoàn toàn vùng trời tây Thái Bình Dương. Báo cáo này liệt kê Mỹ, Nhật, Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam là các “mối đe dọa” đối với “không phận quân sự” của Trung Quốc.
AFCA đề xuất quân đội Trung Quốc mở rộng do thám trên không trong một phạm vi rộng lớn, từ quần đảo Okinawa của Nhật qua Đài Loan và Philippines, tới quần đảo Izu của Nhật, Guam và New Guinea. AFCA cho rằng không quân Trung Quốc cần phải phát triển “thiết bị quân sự chiến lược”.
Đó là máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới, hệ thống tên lửa đánh chặn tương tự như THAD của Mỹ, máy bay tấn công không người lái, vệ tinh không quân, bom định vị, máy bay vận tải cỡ lớn, tên lửa hành trình không đối không…
Báo cáo nhấn mạnh việc không quân Trung Quốc cần tăng cường năng lực tấn công các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương bằng máy bay ném bom chiến lược, và “ngăn chặn một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ” trong trường hợp xung đột nổ ra ở các đảo Bắc Kinh kiểm soát.
Về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Trung Quốc đơn phương lập trên biển Hoa Đông năm 2013, báo cáo đề xuất không quân và hải quân Trung Quốc hợp tác chặt chẽ nhằm kiểm soát vùng trời biển Hoa Đông.
AFCA còn kêu gọi không quân Trung Quốc phát triển và vận hành lá chắn tên lửa không gian. Các báo cáo của AFCA thường trở thành những bản hướng dẫn để các nhà hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc sử dụng.
Báo Japan Times nhận định báo cáo này cho thấy với việc hải quân Trung Quốc đang mở rộng hoạt động và đóng tàu sân bay thứ hai, không quân nước này cũng bắt đầu áp dụng chiến lược phát triển tương tự.
Qua báo cáo trên, lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng thể hiện sự tự tin rằng nước này đủ sức đối đầu với quân đội Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. “Do đó, nguy cơ Trung Quốc gây xung đột với Mỹ ở Thái Bình Dương là rất lớn” - Japan Times cảnh báo.
Theo Tuổi trẻ