Theo hãng tin PTI của Ấn Độ và nhật báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 16/12, Viện Viễn Thám Tam Á hôm 15/12 vừa thông báo sẽ phóng thêm 3 vệ tinh quang học vào năm 2018 và sau đó sẽ phóng thêm tổng cộng 7 vệ tinh khác để hoàn tất trước năm 2021 một chương trình triển khai vệ tinh giám sát vùng Biển Đông ngày và đêm.
Theo giám đốc Viện Viễn Thám Tam Á, khi hoàn thành hệ thống vệ tinh này sẽ có khả năng giám sát Biển Đông ngày và đêm, phân tích mọi vật thể trên vùng biển này một cách chi tiết đến mức có thể xác định được cấu trúc của các con tàu.
Vị giám đốc này cũng cho cho biết chương trình triển khai vệ tinh nói trên sẽ hỗ trợ về mặt khoa học cho sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc, cũng như hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp trên vùng Biển Đông.
Theo PTI, Trung Quốc triển khai hệ thống vệ tinh giám sát ngày đêm Biển Đông chính là nhằm gia tăng sự kiểm soát trên vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp gần như toàn bộ và đang xây nhiều đảo nhân tạo trái phép, bất chấp luật pháp quốc tế.
Kế hoạch nói trên được công bố sau khi tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS của Mỹ ngày 14/12, công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy trong năm 2017, Trung Quốc đã tiếp tục xây dựng phi pháp thêm các cơ sở hạ tầng gồm đường băng và quân cảng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.