Trung Quốc tìm cách xoa dịu Nhật Bản, Ấn Độ trong lúc Mỹ quy tụ đồng minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ngoại trưởng Trung Quốc cố gắng đưa ra điểm tích cực trong quan hệ với Nhật Bản và Ấn Độ, tìm cách xoa dịu hai nước này về các tranh chấp lãnh thổ trong lúc Mỹ quy tụ đồng minh.
Ngoại trưởng Vương Nghị nói Luật Hải cảnh mới không nhằm vào bất cứ nước nào (Ảnh: EPA)
Ngoại trưởng Vương Nghị nói Luật Hải cảnh mới không nhằm vào bất cứ nước nào (Ảnh: EPA)

Trả lời câu hỏi liên quan tới mối quan ngại của Nhật Bản về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng luật này không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.

“Điểm chủ chốt trong quan hệ Trung-Nhật là sự kiên trì, và không để cho những sự kiện ngắn hạn gây gián đoạn” – ông Vương Nghị phát biểu tại Bắc Kinh hôm cuối tuần qua.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng giải quyết tình hình căng thẳng với Ấn Độ, trong lúc hai nước đang nỗ lực đàm phán tìm ra giải pháp cho tranh chấp kéo dài ở khu vực biên giới.

Bài phát biểu được ông Vương Nghị đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh tín hiệu rằng Washington sẽ tăng cường an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và làm mới khối đồng minh với các cường quốc châu Á, động thái được nhiều người xem là nhằm đối phó với Trung Quốc.

Washington nói rằng Tổng thống Biden có thể tổ chức hội đàm với 3 nước thành viên còn lại của nhóm “Bộ Tứ” – Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – trong tuần tới. Các nước này đã hình thành nên một khối đồng minh không chính thức mà Ngoại trưởng Vương Nghị từng gọi là “NATO ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Một trong những quan ngại lớn của Nhật Bản chính là họ bị đặt trong tầm ngắm của Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc – luật cho phép các tàu hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài và phá hủy các cơ sở xây dựng trên những vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc cho là của họ.

Trong hôm 7/3, ông Vương Nghị nói rằng luật này “không đặc biệt nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”.

Ông cũng nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản có thể đề xuất hỗ trợ lẫn nhau trong việc tổ chức Olympics – Tokyo đang chịu sức ép về quyết định tổ chức Thế vận hội mùa Hè bất chấp đại dịch COVID-19, trong khi Bắc Kinh cũng đối diện với nhiều lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa Đông mà họ tổ chức trong năm tới do các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Hong Kong và Tân Cương.

“Sự cải thiện trong quan hệ Trung-Nhật sẽ có lợi cho người dân của hai nước, sự ổn định và hòa bình của khu vực” – ông nhấn mạnh.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ phải trải qua khoảng thời gian khó khăn trong quan hệ với Nhật Bản, khi mà chính quyền Tổng thống Biden củng cố quan hệ với Tokyo.

“Sự ổn định trong quan hệ Trung-Nhật có tầm quan trọng lớn đối với Trung Quốc” – Wang Ping, nhà nghiên cứu quan hệ TRung-Nhật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định.

Lian Degui, chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản tại ĐH Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói rằng Nhà Trắng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Nhật Bản trong các vấn đề như nhân quyền, Hong Kong và Đài Loan. “Điều này sẽ tạo nên nhiều sự khó khăn trong quan hệ Trung-Nhật và rất nhiều thách thức sẽ xuất hiện”; Lian nói.

Trong bài phát biểu, ông Vương Nghị cũng kêu gọi hợp tác với Ấn Độ sau 9 tháng xung đột ở biên giới, gây thương vong cho cả hai phía.

“Trung Quốc và Ấn Độ nên là những người bạn và đối tác thay vì những lời đe dọa và cạnh tranh. Chúng ta nên giúp đỡ nhau xây dựng” – ông Vương Nghị nói.

Trung Quốc và Ấn Độ có lịch sử dài tranh chấp dọc đường biên giới dài 3.500 km, mà gần đây nhất là cuộc đụng độ đẫm máu ở thung lung Galwan hồi tháng 6/2020 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Brahma Chellaney, chuyên gia nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách trụ sở tại New Delhi, nói rằng những phát ngôn của ông Vương cho thấy Trung Quốc đang muốn giảm thiểu xung đột trực diện với Ấn Độ.

“Trung Quốc đang có ý định tìm cách giảm nhẹ xung đột quân sự với Ấn Độ bởi họ đã mở ra quá nhiều mặt trận với các nước láng giềng bằng những hành động hung hăng của mình” – ông Chellaney nói.

Madhav Das Nalapat, Giám đốc nghiên cứu quan hệ quốc tế và địa chính trị thuộc ĐH Manipal, nói rằng sẽ không có tiến triển nào trong quan hệ giữa hai nước nếu như tranh chấp biên giới chưa được giải quyết.

“Ngay từ lúc bắt đầu, Trung Quốc đã mong muốn một chính sách mà trong đó không muốn vấn đề biên giới ảnh hưởng tới hợp tác hay thương mại trong Tổ chức Thương mại Thế giới hay các vấn đề toàn cầu khác. Ấn Độ cũng như vậy, nhưng họ hiểu rằng chỉ có một giải pháp chấp nhận được trong vấn đề biên giới mới có thể nối lại tình hữu nghị” – ông Nalapat nói.

Về Đông Nam Á, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ thương mại với các quốc gia trong khu vực và đề xuất hỗ trợ vaccine cho các nước này. Ông cũng nói Trung Quốc sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.