Trung Quốc thẳng thừng cảnh báo cả Mỹ lẫn EU về vấn đề Đài Loan, sau màn "khẩu chiến"

VietTimes – Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vì sự thể hiện sự ủng hộ Đài Loan mới nhất của họ.
Căng thẳng giữa My, EU và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan trở nên căng thẳng tột độ (Ảnh: AP)

Mỹ, EU "khẩu chiến" với Trung Quốc

Trong bình luận đầu tiên về lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong việc ủng hộ Đài Loan đóng vai trò lớn hơn trong Liên hợp quốc (LHQ), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc Mỹ “hủy hoại hòa bình và sự ổn định trên eo biển Đài Loan” và nói rằng: “Đài Loan không có hiện trạng nào khác ngoài việc là một phần của Trung Quốc, theo luật pháp quốc tế.”

Phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Rome (Italy), ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng vấn đề về việc Đài Loan gia nhập LHQ đã được ấn định từ 50 năm trước, khi mà Trung Quốc lấy được vị trí hợp pháp của họ tại tổ chức này.

Theo một tuyên bố được đăng tải trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói rằng Nghị quyết 2785 “đã hoàn toàn quyết định về sự đại diện của Trung Quốc tại LHQ và các tổ chức quốc tế về mặt chính trị, một cách hợp pháp và theo đúng quy trình”. Ông nói rằng “sự tái thống nhất hòa bình với tổ quốc là không thể ngăn chặn” và tuyên bố rằng “Đài Loan không có tương lai nào khác ngoài tái thống nhất với đại lục.”

“Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn nguyên tắc một Trung Quốc từ 50 năm trước và họ chắc chắn sẽ không thể thành công trong thế kỷ 21” – ông Vương Nghị nói, thêm rằng Mỹ và các đồng minh sẽ “phải trả giá” vì cố gắng chơi quân bài Đài Loan một cách “hữu ý” đối với Trung Quốc.

Tình trạng căng thẳng giữa hai bên đã gia tăng trong những tuần gần đây, trong lúc Bắc Kinh tăng sức ép quân sự với Đài Loan. Trong khi đó, Đài Loan cũng tăng cường quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây.

Hôm thứ Ba tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Blinken kêu gọi “tất cả các nước thành viên của LHQ cùng với chúng tôi ủng hộ việc Đài Loan tham gia một cách có ý nghĩa hệ thống của LHQ và cộng đồng quốc tế”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó cảnh báo rằng phát ngôn của ông Blinken sẽ gây ra nhiều rủi ro cho mối quan hệ Mỹ-Trung.

Chuyến thăm châu Âu của ông Vương Nghị trong tuần này cũng trùng với chuyến thăm của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu tới Cộng hòa Séc, Slovakia và trụ sở của EU tại Brussels.

Trong một tuyên bố riêng rẽ hôm 30/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi cảnh báo đối với giới lãnh đạo EU – những người từng lên tiếng ủng hộ Lithuania trong tranh chấp với Trung Quốc về quyết định cho phép văn phòng đại diện của Đài Loan mở cửa ở thủ đô Vilnius.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã chỉ trích cách phản ứng của Trung Quốc với Lithuania là “phi lý” và “không tương xứng” trong một bức thư công khai gửi tới một nhóm các nhà lập pháp ủng hộ Đài Loan. Trong khi đó, Bắc Kinh mô tả Lithuania, đất nước ở vùng Baltic, là “tiên phong chống Trung Quốc”, triệu hồi Đại sứ của họ về nước và ngừng nhập hàng nông sản của Lithuania.

Bà von der Leyen và ông Michel nói rằng việc thiết lập văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania “không vi phạm chính sách một Trung Quốc” của EU và tuyên bố sẽ sát cánh với Lithuania để chống lại “những mối đe dọa, sức ép chính trị và những hành động đe dọa” của phía Trung Quốc.

Để đáp trả, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân kêu gọi chính phủ Lithuania ngừng hoạt động trao đổi chính thức với Đài Loan và “ngừng đưa ra những quyết định sai lầm không thể đảo ngược”, đồng thời cảnh báo về mức độ ảnh hưởng tới mối quan hệ Trung Quốc-EU.

“Phía châu Âu nên đưa ra quan điểm đúng đắn để ngăn sự can thiệp vào sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung Quốc-EU”, ông Uông Văn Bân nói.

Bất đồng đang ở mức nguy hiểm

Bất đồng xung quanh vấn đề Đài Loan diễn ra ngay trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung có dấu hiệu “tan băng”, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên vào cuối năm nay và nhiều quan chức cấp cao đã đối thoại trong tháng này.

Nhưng căng thẳng gia tăng về vấn đề Đài Loan vẫn có thể gây tổn hại tới mối quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây, vốn đã căng thẳng do nhiều vấn đề như Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông.

Sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn xác nhận rằng binh sĩ Mỹ đồn trú ở hòn đảo này, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã mô tả đây là “một trong những nhân tố nguy hiểm nhất, có thể kích động một cuộc chiến tranh ở eo biển Đài Loan.”

Cũng trong tháng này, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan cảnh báo rằng căng thẳng quân sự với Trung Quốc đang ở mức tồi tệ nhất trong vòng hơn 40 năm.

Bà Sandra Oudkirk, tân Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan, trong hôm 29/10 lên tiếng cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn trên eo biển Đài Loan và trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cùng lúc tái khẳng định cam kết của Washington trong việc giúp Đài Loan tự vệ và chống lại tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Zhu Feng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Nam Kinh, cho rằng bất đồng xung quanh vấn đề Đài Loan xuất hiện ngay trong “một thời điểm rất phức tạp.”

“Trong lúc hội nghị thượng đỉnh G20 và hội nghị về biến đổi khí hậu sắp diễn ra, Trung Quốc và Mỹ nên bỏ qua sự đối đầu của họ mà tập trung vào những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và kiểm soát đại dịch” – ông nói.

Ông Zhu nói rằng Bắc Kinh phải bảo vệ tính hợp pháp của các chính sách Đài Loan của họ. Và trong lúc mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang kêu gọi nâng cao “tinh thần chiến đấu” để chống lại sự bắt nạt từ bên ngoài, thì Trung Quốc khó có khả năng nhượng bộ trong vấn đề này.

Mặc dù nguy cơ xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan ở hiện tại không cao, nhưng ông Zhu cảnh báo về mức độ nguy hiểm chưa từng có tiền lệ của vấn đề này. “Tôi không nghĩ Mỹ hay Trung Quốc sẽ sẵn sàng đối đầu về vấn đề Đài Loan, nhưng cả hai bên cũng sẽ không chịu nhượng bộ”, ông nói.