Trung Quốc đã đặt ra một trong những mục tiêu đầy tham vọng là phải xóa hoàn toàn đòi nghèo ở Trung Quốc vào năm 2020, và vì thế, một trong trong chương trình thực hiện mục tiêu này là Trung Quốc đã tạo ra hơn 1.000 “ngôi làng Taobao” trong vòng thập kỷ qua.
Những ngôi làng này rất nổi tiếng vì các cư dân bán mọi thứ, từ trang phục múa đến đồ điện tử, đến đồ chơi trẻ em trên một trong những website bán lẻ lớn nhất thế giới, Taobao. Trong chỉ mấy năm qua, nhiều cộng đồng đã chứng kiến hàng ngàn người từ bỏ thành phố, quay trở về xây dựng nền kinh tế địa phương ở các ngôi làng Taobao này.
Taobao, một website thương mại điện tử của đại gia bán lẻ Alibaba – là trang web có lượng truy cập lớn thứ 12 trên mạng Internet. Tổng giá trị tất cả hàng hóa trên Taobao hồi năm 2013 là hơn 145 tỷ USD, con số nuốt chửng mức 88 tỷ USD của Amazon.
Chính phủ Trung Quốc đã nghiên cứu những con số này và xem đó là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các ngôi làng nghèo. Các tòa nhà được sơn những slogan đầy hy vọng, như “Qua Taobao, bạn có thể thoát khỏi những ngày cay đắng. Thương mại điện tử là con đường chạy thẳng đến hạnh phúc”.
Thông thường, các khu vực khác nhau bán những mặt hàng khác nhau. Đã có khoảng 1.000 ngôi làng Taobao như thế này ra đời kể từ năm 2003. Chúng bao gồm hàng ngàn những gia đình bán các loại hàng hóa. Ảnh hưởng của hoạt động này rất tích cực: người dân có thể tạo ra các chợ online sôi động, thu hút mọi người.
“Một số người ra đi từ làng nhìn thấy chung tôi và nghĩ, thật kỳ lạ, hàng ngày mấy người này luôn phải làm việc đến tối mịt, họ đang làm gì trên mạng vậy?”, Lv Zhenhong, một người bán hàng online nói. “Trong 3 tháng đầu mở gian hàng trên Taobao, chúng tôi không có giao dịch gì mấy nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục và không từ bỏ”.
Ngày nay, gian hàng thiết bị ngoài trời của Lv đã bán được 8 triệu USD doanh thu mỗi năm.
Một phần hàng hóa trên các làng Taobao này là hàng giả, nhái các sản phẩm thương hiệu lớn, trong đó có nhiều hàng điện tử tiêu dùng. Vào tháng 12/2016, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã đưa Taobao vào “danh sách đen”.
Một chiến lược giảm đói nghèo như thế này không thể xảy ra cách đây khoảng 10 năm. Trung Quốc đã rất thành công trong thập kỷ qua, khi đưa hàng tỷ công dân của họ tiếp cận Internet, và các nỗ lực đó đã cho phép mọi người mua và bán hàng hóa của nhau, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ước tính có khoảng 10 triệu người tìm được việc trong mảng thương mại điện tử này, chiếm 1,3% lực lượng lao động của Trung Quốc.
Các ngôi làng Taobao sẽ không phải là phương tiện duy nhất để xóa đói giảm nghèo – nhiều chương trình lớn khác như tăng phúc lợi xã hội cũng đóng góp vai trò – nhưng làng Taobao dường như đã tiếp sức “tinh thần doanh nhân” cho người nghèo Trung Quốc.
Năm 2016, Bert Hofman, một chuyên gia kinh tế của World Bank và là giám đốc World Band tại Trung Quốc, đã bày tỏ sự lạc quan mạnh mẽ.
“Chúng tôi hy vọng có thể giúp các ngôi làng nghèo đói và những khu vực vùng sâu vùng xa của Trung Quốc trở thành những ngôi làng Taobao, và giúp họ thoát nghèo”, ông nói. “Chúng tôi sẽ không dừng ở đây: giống như Alibaba là một nền tảng thương mại điện tử toàn cầu, các ngôi làng Taobao cũng sẽ trở thành một hiện tượng toàn cầu”.
Theo Business Insider