Trung Quốc tập trận toàn diện, ông Tập đích thân thị sát

VietTimes -- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ duyệt binh này và có bài phát biểu quan trọng, đồng thời sẽ trực tiếp mặc quân phục xem diễn tập kiểm tra toàn diện các quân binh chủng của quân đội Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham gia lễ duyệt binh hôm nay. Ảnh: Tân Hoa xã
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham gia lễ duyệt binh hôm nay. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo Tân Hoa xã 9 giờ sáng nay ngày 30/7, Trung Quốc sẽ tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm tròn 90 năm ngày thành lập Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa, Khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc.

Tham dự có ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Ông sẽ có bài phát biểu quan trọng trong buổi lễ này. Buổi lễ sẽ được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức duyệt binh ở căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa, không giống như các cuộc duyệt binh khác Trung Quốc thường tổ chức ở quảng trường Thiên An Môn.

Ngoài ra, có nguồn tin tiết lộ, đến căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa, ông Tập Cận Bình sẽ còn mặc quân phục, ngồi ở Trung tâm chỉ huy của căn cứ huấn luyện để xem diễn tập. Sau khi diễn tập kết thúc, ông Bình có thể sẽ kiểm duyệt “đội thắng”.

Theo nguồn tin này, cuộc diễn tập quân sự toàn diện lần này sẽ kiểm tra toàn diện khả năng tác chiến phối hợp tổng hợp của lục quân, khả năng tác chiến của không quân, khả năng tác chiến của lực lượng tên lửa, khả năng tác chiến của lực lượng chi viện chiến lược cũng như vũ khí trang bị mới của quân đội Trung Quốc.

Ngoài ra, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới biên chế của không quân Trung Quốc cũng có thể tham gia cuộc diễn tập này.

Xe tăng quân đội Trung Quốc tiến hành huấn luyện ở căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa ngày 19/7/2016. Ảnh: Ifeng.
Xe tăng quân đội Trung Quốc tiến hành huấn luyện ở căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa ngày 19/7/2016. Ảnh: Ifeng.

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa là căn cứ huấn luyện lớn nhất, có chức năng đầy đủ nhất, thiết bị tiên tiến nhất châu Á. Căn cứ này có diện tích 1.066 km2, tương đương với diện tích khu vực Hồng Kông, có thể sánh ngang với “Trung tâm huấn luyện quốc gia” Fort Irwin nổi tiếng của Mỹ.

Căn cứ này có địa hình phức tạp, có đồi núi, có thảo nguyên, có sa mạc, kênh rạch, tạo nên ưu thế “bày binh bố trận” độc đáo. Ngay từ năm 1957, một thao trường tăng cường huấn luyện chiến thuật sư đoàn xe tăng đã được thành lập ở khu vực Chu Nhật Hòa. Đến nay, căn cứ này đã có lịch sử 60 năm.

20 năm trước, ở đây chỉ là một thao trường huấn luyện lực lượng thiết giáp đơn giản của Quân khu Bắc Kinh. Năm 1997, sau khi chiến tranh vùng Vịnh kết thúc, Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định, để thích ứng với nhu cầu chiến tranh hiện đại, quyết định mở rộng thao trường huấn luyện thành căn cứ huấn luyện chiến thuật hiệp đồng mặt đất - trên không có hàm lượng khoa học công nghệ cao nhất.

Năm 2003, căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa chính thức mở cửa cho bên ngoài, năm 2007 căn cứ này bắt đầu tiến hành thí điểm môi trường điện từ phức tạp để quân đội Trung Quốc tập cho giống với thực tế chiến đấu.

Năm 2011, quân đội Trung Quốc chính thức quyết định xây dựng Chu Nhật Hòa thành nơi thử nghiệm tác chiến liên hợp lục quân duy nhất của toàn quân. Ở đây, “tác chiến liên hợp” tức là liên hợp giữa các binh chủng của lục quân, liên hợp trong hiệp đồng giữa trên không và mặt đất.

Diễn tập đối kháng thực binh từ ngày 1 - 3/8/2016 ở căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa. Ảnh: Ifeng.
Diễn tập đối kháng thực binh từ ngày 1 - 3/8/2016 ở căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa. Ảnh: Ifeng.

Dựa vào môi trường tác chiến như thật, dựa vào hệ thống hỗ trợ thông tin và đánh giá tiên tiến, căn cứ Chu Nhật Hòa có thể thực hiện các nội dung huấn luyện như huấn luyện liên hợp mặt đất - trên không, huấn luyện chiến thuật hợp đồng, huấn luyện chỉ huy.

Hiện nay, căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa là căn cứ huấn luyện của lục quân Chiến khu miền Bắc, quân đội Trung Quốc.

Những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, quân đội Trung Quốc đã tiến hành cải cách sâu rộng và được ông Tập Cận Bình nhấn mạnh là “đột phá mang tính lịch sử”.

Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một đội quân mạnh hàng đầu thế giới, có khả năng tác chiến liên hợp và sát chiến đấu thực tế, vì vậy họ ngày càng coi trọng huấn luyện như thật đối với tất cả các quân binh chủng. Cơ cấu lãnh đạo, chỉ huy cũng được cải cách cho phù hợp với quan điểm tác chiến này.