Sau chuyến thăm của Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis với nhiều tuyên bố cứng rắn nhằm vào Trung Quốc như đẩy nhanh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, tiếp tục coi đảo Senkaku là đối tượng được áp dụng cho Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, Trung Quốc đã lập tức tuyên truyền về sức mạnh quân sự nhằm khoe “cơ bắp” với Mỹ.
Trong phạm vi bài viết này xin đề cập đến lực lượng máy bay ném bom H-6K Trung Quốc trên trang tin Sina. Trang tin Sina Trung Quốc ngày 7/2 đăng bài viết “sức chiến đấu của Không quân Trung Quốc mạnh thế nào, máy bay ném bom mang theo 300 quả tên lửa tấn công chuỗi đảo bất cứ lúc nào”.
Bài viết tập trung tuyên truyền về số lượng máy bay ném bom H-6K cùng khả năng chiến đấu của loại máy bay này. Theo bài viết, Trung Quốc đã trang bị trên 70 máy bay ném bom H-6K, hơn nữa còn có một bộ phận máy bay ném bom H-6H/M đã được cải tạo.
Những máy bay ném bom H-6 này đều có khả năng trang bị tên lửa hành trình KD-20 (dư luận phổ biến gọi là Trường Kiếm-10 hay CJ-10), trong đó máy bay ném bom H-6K có thể mang theo nhiều nhất 6 quả tên lửa KD-20. Nếu muốn thực hiện được bán kính tác chiến đạt 1.000 km thì có thể lắp 4 quả tên lửa KD-20 và mang theo thùng dầu phụ.
Bài viết đặt nghi vấn về tầm bắn của tên lửa hành trình KD-20, nhưng cho rằng tầm bắn đã tăng, thậm chí có thể đạt 2.000 – 3.000 km. Loại tên lửa này không bị hạn chế bởi bất cứ hiệp ước nào, nên nước nào cũng có khả năng nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình và trên thực tế các nước đều ra sức làm như vậy.
Trong năm 2016, máy bay ném bom H-6K của Không quân Trung Quốc đã vài lần mang theo tên lửa KD-20 tiến hành bay tuần tra “sẵn sàng chiến đấu” tầm xa.
Được lợi từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tên lửa hành trình trong nước, đến nay, Không quân Trung Quốc có thể tiến hành “chọc thủng” chuỗi đảo bất cứ lúc nào – bài viết tự tin khẳng định.
Theo tuyên truyền của bài viết, hiện nay, Trung Quốc ít nhất đã có khả năng phóng 300 quả tên lửa hành trình KD-20 trong đợt đầu tiên. Chỉ điều này đã giúp cho sức chiến đấu của Quân đội Trung Quốc “đứng đầu” châu Á.
Theo tính toán của Công ty Rand Mỹ năm 2016, Trung Quốc cần tới 278 quả tên lửa hành trình là có thể làm tê liệt căn cứ không quân Kadena, căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở châu Á.
Vì vậy, Trung Quốc có được 300 quả tên lửa hành trình này thì có thể tiến hành một cuộc chiến tranh cục bộ công nghệ cao, đánh đòn phủ đầu – bài viết tự tin nhấn mạnh.
Vấn đề khó khăn là, mỗi quả tên lửa này có giá không hề rẻ, 300 quả sẽ tiêu tốn trên 300 triệu USD. Ngoài ra còn chi phí cho việc điều động máy bay ném bom, một đợt điều động nhiều như vậy có thể mất vài tỷ USD. Nhưng, khi cần, Trung Quốc vẫn có thể làm.
Mỹ tích cực triển khai vũ khí trang bị ở chuỗi đảo thứ nhất, mục đích là “bao vây” Trung Quốc. Vũ khí chiến thuật quan trọng nhất chính là máy bay chiến đấu tàng hình F-22. Mỹ nhiều nhất có thể điều động 48 máy bay F-22 tiến hành chi viện trong đợt đầu tiên.
Đồng thời Mỹ đã triển khai ít nhất 7 radar tầm xa để do thám tên lửa đạn đạo Đông Phong của Trung Quốc cũng như nhất cử nhất động của Không quân và Hải quân Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc không thể tiêu diệt được những mục tiêu này trong đợt đầu tiên thì sẽ tạo ra sức ép rất lớn cho Trung Quốc trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, 300 quả tên lửa hành trình chỉ là một chìa khóa để Trung Quốc phá giải chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai.
Đằng sau còn có sự chi viện của tên lửa hành trình Đông Phong-10 trên bộ và tên lửa hành trình trang bị cho tàu ngầm. Việc Trung Quốc sở hữu số lượng tên lửa hành trình to lớn sẽ làm giảm vai trò của chuỗi đảo thứ nhất, đặt nền tảng cho Trung Quốc vươn ra chuỗi đảo thứ hai. Những chuỗi đảo này do Mỹ thiết lập nhằm vào Trung Quốc.