Trung Quốc, Nhật Bản phải “chịu trách nhiệm” cho sự thành công của tiền điện tử

Việc áp dụng các loại tiền tệ kĩ thuật số trên cả cấp độ cá nhân và thể chế ở Trung Quốc và Nhật Bản đang thúc đẩy tiền điện tử (Cryptocurrency) lên cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vẫn còn một số người tỏ ra hoài nghi về vai trò của tiền điện tử với tương lai vì sự bất ổn của nó ở thời điểm hiện tại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơn sốt tiền điện tử của Trung Quốc và Nhật Bản

Theo Futurism, kỉ nguyên của đồng tiền điện tử đang ở ngay trước mắt chúng ta, và có hai quốc gia đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thúc đẩy nó: Trung Quốc và Nhật Bản.

Tiền điện tử đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc do sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ quốc gia này đối với đồng nhân dân tệ - họ thường xuyên thực hiện việc phá giá đồng tiền để phục vụ các mục đích kinh doanh. Khi số lượng các thương gia giàu có đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, họ đã tìm ra một giải pháp ổn định và dễ tiếp cận hơn đồng nhân dân tệ và đó chính là tiền điện tử.

Ngoài ra, Trung Quốc có "thừa" năng lượng giá rẻ và các thiết bị phần cứng để phục vụ cho việc "đào" (mining) tiền điện tử (quá trình mà các khối (block) trong chuỗi khối (blockchain) được tạo ra và các giao dịch được xác nhận). Việc các sàn giao dịch của Trung Quốc thực hiện đào các mỏ tiền điện tử chiếm tới 60% tốc độ của mạng lưới Bitcoin (tốc độ hoàn thành các tiến trình để tạo ra Bitcoin).

Nhật Bản bước chân vào lĩnh vực tiền điện tử vào đầu năm 2017, khi thị trường Trung Quốc phải trải qua một cuộc "đàn áp" có hệ thống, với lệnh cấm toàn bộ các giao dịch của tiền điện tử. Điều này đã làm tăng khối lượng giao dịch của Nhật Bản, từ 1% lên mức 6%.

Việc sử dụng tiền điện tử đã làm gia tăng sự bất ổn của tiền tệ tại hai quốc gia này. Việc nới lỏng định lượng (quantitive easing) đã dẫn đến lãi suất tiết kiệm xuống mức rất thấp, thậm chí còn âm, hay nói cách khác là số tiền bạn gửi tiết kiệm ở ngân hàng sẽ ngày càng giảm chứ không tăng lên. Tại Trung Quốc, tiền điện tử được xem như là một loại tài sản có tính ổn định hơn so với tiền tệ bản địa, vì vậy nhiều người đã quyết định đầu tư và lưu trữ tiền của mình dưới dạng đó.

Mảnh ghép cuối cùng dẫn đến sự thành công của tiền điện tử tại cả hai quốc gia này là sự chấp thuận của các tổ chức. Tại Trung Quốc, Xưởng Đúc tiền Hoàng gia (Royal Mint) của quốc gia này đã đầu tư các nguồn lực là tiền của vào việc số hóa đồng nhân dân tệ và quảng bá công nghệ blockchain. Trong khi đó, vào đầu năm nay, Nhật Bản đã bắt đầu chấp nhận các thanh toán bằng tiền điện tử tại các cửa hàng và ba ngân hàng lớn nhất của quốc gia này – MUFJ, Mizuho và SMBC – đều đã hỗ trợ bitFlyer, sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất Nhật Bản.

Một cuộc cách mạng toàn cầu

Sự "nhiệt tình" mà Trung Quốc và Nhật Bản đã thể hiện để quảng bá tiền điện tử đã góp phần vào thành công của chúng trên toàn thế giới. Các đồng tiền ảo đã trở nên phổ biến và có giá trị lớn hơn rất nhiều so với những gì mà các nhà phân tích dự đoán khi chúng mới ra đời khoảng một thập kỉ trước. Giá trị của Bitcoin đã tăng lên từ 0,00075 USD (17 VND) lên 2.500 USD (gần 57 triệu VND), và giới hạn thị trường cho tất cả các đồng tiền điện tử đã vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD.

Sự thành công của tiền điện tử cũng phản ánh sự chấp thuận ngày càng tăng của các thể chế chính quy. Phố Wall sẽ bắt đầu sử dụng hệ thống tiền điện tử vào năm sau, một thị trấn ở Thụy Sĩ mang tên Zug đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, và Gemini Trust ở New York đã được cấp phép để giao dịch đồng Ethereum.

Tuy nhiên, tiền điện tử vẫn còn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại. Gần đây, mặc dù các hệ thống giao dịch được khẳng định là có độ an toàn cao, thông tin cá nhân và thông tin giao dịch của các nhà đầu tư đã bị đánh cắp và gây thiệt hại lên đến 79 triệu USD.

Ngoài ra, trong khi tiền điện tử có thể là tài sản có tính ổn định hơn so với đồng nhân dân tệ và đồng yên, chúng cũng không hoàn toàn ổn định. Thực tế, chúng được đánh giá là khó có thể ổn định được, khi giá trị của nó liên tục tăng, giảm một cách nhanh chóng và đột ngột, chưa kể việc ý kiến của công chúng cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị của tiền điện tử.

Mark Cuban đã minh họa vấn đề này một cách hoàn hảo - khi ông khẳng định trên Twitter của mình rằng bitcoin không phải là một loại tiền tệ, giá trị của nó đã sụt giảm một cách nhanh chóng. Chỉ mới đây, giá thị trường của đồng Ethereum đã giảm đi 4 tỷ USD chỉ vì một tin đồn là ông Vitalik Buterin, người sáng lập ra Ethereum qua đời trong một tai nạn giao thông được đăng lên 4chan (một diễn đàn ẩn danh có lượng người dùng đông đảo).

Tiền điện tử rõ ràng là đang trên đà gia tăng, và vì những thành công mà chúng đã đạt được, chúng ta không thể coi nó là một hệ thống tiền tệ nhỏ lẻ nữa. Câu hỏi được đặt ra là, liệu sự gia tăng này có dẫn tới việc áp dụng một hệ thống tiền tệ và tài chính hoàn toàn mới hay không?

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư
http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2209975/trung-quoc-nhat-ban-phai-chiu-trach-nhiem-cho-su-thanh-cong-cua-tien-dien-tu