|
Người tiêu dùng Trung Quốc đang muốn mua nhiều hơn với mức giá rẻ hơn (Ảnh: Getty) |
Nhiều người cho rằng xu hướng này sẽ gây bất lợi cho giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi xu hướng đó. Một số công ty đã biết tận dụng cơ hội từ phong trào tiêu dùng tiết kiệm để gia tăng lợi nhuận.
Khi năm tài chính kết thúc vào ngày 31/8, Saizeriya – một chuỗi nhà hàng của Nhật Bản chuyên phục vụ các món Italy với giá cả phải chăng tại nhiều quốc gia châu Á – đã báo cáo lợi nhuận hoạt động tăng gần gấp đôi so với năm trước, đạt 14,8 tỷ yên Nhật (khoảng 99,6 triệu USD).
Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư tuần trước, Chủ tịch Hideharu Matsutani cho biết lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã "tăng đáng kể". Ông cũng tiết lộ rằng công ty đang áp dụng chiến lược đã từng thành công ở Nhật Bản cho thị trường Trung Quốc, bởi "tình hình hiện tại ở Trung Quốc có những điểm tương đồng với Nhật Bản sau khi bong bóng kinh tế tại đây bị vỡ".
Những diễn biến kinh tế hiện tại của Trung Quốc khiến nhiều người liên tưởng đến "Thập kỷ mất mát" của Nhật Bản trong những năm 1990, khi bong bóng tài sản và tín dụng bị vỡ, đẩy nền kinh tế vào trạng thái trì trệ. Sau cú sụp đổ đó, người tiêu dùng Nhật đã thay đổi thói quen, từ việc chi tiêu xa xỉ chuyển sang ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ hơn. Tương tự, người tiêu dùng Trung Quốc hiện cũng đang có xu hướng "giảm cấp" trong chi tiêu, tìm kiếm các sản phẩm tiết kiệm hơn, điều này đặt ra không ít thách thức cho các hãng bán lẻ.
Các nhà đầu tư vẫn tin rằng chiến lược cung cấp sản phẩm có giá trị cao với mức giá hợp lý là hướng đi đúng trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Xu hướng “tiêu dùng thông minh”
Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng tìm đến các sản phẩm giá rẻ hơn, bao gồm cả hàng nhái và các sản phẩm thay thế.
"Người tiêu dùng đang trở nên thực dụng và chiến lược hơn, tập trung vào việc chi tiêu hiệu quả nhất", MingYii Lai, chuyên gia tư vấn chiến lược tại công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh, chia sẻ với Business Insider.
Bà cũng cho biết thêm rằng thay vì chi mạnh tay cho các sản phẩm vật chất, người tiêu dùng đang ưu tiên trải nghiệm như du lịch và ẩm thực, nhưng với mức chi phí thấp hơn. "Áp lực kinh tế cùng với sự thay đổi trong ưu tiên đã thúc đẩy xu hướng chi tiêu tiết kiệm", bà Lai nhận xét.
Xu hướng này đã mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá cả phải chăng, chẳng hạn như Yum China – đơn vị điều hành KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc. Trong quý II vừa qua, lợi nhuận hoạt động của Yum China đã tăng 4%, đạt 266 triệu USD, nhờ các chương trình khuyến mãi hấp dẫn tập trung vào phân khúc bình dân.
Fast Retailing – công ty mẹ của Uniqlo, nổi tiếng với các sản phẩm quần áo giá phải chăng – cũng báo cáo lợi nhuận ròng tăng 25,6% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2024, nhờ doanh số mạnh mẽ ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Cạnh tranh khốc liệt
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc nổi tiếng với sự cạnh tranh khốc liệt, và tình hình kinh tế khó khăn càng gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp. Hiện nay, họ phải đối mặt với cuộc đua giảm giá để thu hút người tiêu dùng.
Uniqlo cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc khả quan trong nửa đầu năm tài chính, nhưng tình hình trong nửa cuối năm lại trở nên ảm đạm. Một số người tiêu dùng đã chuyển sang lựa chọn các sản phẩm từ nhà sản xuất gốc (OEM) hoặc sản phẩm không có thương hiệu thay cho các thương hiệu nổi tiếng.
Cuộc cạnh tranh giành giật khách hàng biểu hiện rõ nét nhất trong ngành trà sữa trân châu, khi giá trà đã giảm mạnh từ mức 3,50 đến 5,50 USD xuống còn khoảng 1 USD, thậm chí thấp hơn trong vài năm qua.
Theo Jason Yu, Giám đốc điều hành Kantar Worldpanel khu vực Trung Quốc, "Các doanh nghiệp đều cố gắng tung ra sản phẩm giá rẻ. Bạn có thể chọn chiến lược giảm giá thành sản phẩm hoặc tìm cách sáng tạo trong các chương trình khuyến mãi để duy trì lợi thế cạnh tranh".
KFC đã áp dụng chiến lược phục vụ cả hai phân khúc: cung cấp sản phẩm cao cấp như thịt bò wagyu cho giới thượng lưu và các chương trình khuyến mãi giá rẻ như 15 cánh gà với giá dưới 3 USD, theo báo cáo của Matthew Low từ Business Insider.
Allison Malmsten, chuyên gia phân tích từ Daxue Consulting, cho biết: "Giới thượng lưu vẫn sẵn sàng chi tiêu, trong khi tầng lớp trung lưu đang chuyển hướng sang các sản phẩm giá rẻ hơn".