Trung Quốc - Mỹ: Mèo nào thắng Mỉu nào trong cuộc đua 5G?

Việc nhà mạng Mỹ Verizon công bố kế hoạch tiên phong khai trương công nghệ 5G vào đầu tháng 10 tới càng làm cho cuộc đua triển khai 5G giữa Mỹ và Trung Quốc thêm phần căng thẳng khi mà cả hai cùng cho rằng quốc gia nào thống trị thị trường mạng viễn thông thì cũng sẽ 'thắng' cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự.

Mỹ tiên phong cung cấp dịch vụ 5G cho thị trường băng rộng gia đình

Mới đây, nhà mạng Verizon của Mỹ công bố kế hoạch thương mại hóa công nghệ 5G đầu tiên hướng tới thị trường dịch vụ băng rộng cố định dành cho gia đình tại một số khu vực nhất định tại quốc gia này.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/10/2018 tới đây, khách hàng tại các thị trường như Houston, Indianapolis, Los Angeles và Sacramento sẽ được trải nghiệm dịch vụ mạng băng siêu rộng 5G trong chính ngôi nhà của họ thông qua các thiết bị kết nối.

Tuy nhiên, từ ngày 13/09/2018, các khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể đăng ký lắp đặt tại địa chỉ FirstOn5G.com. Những khách hàng đăng ký trước sẽ được nhận ưu đãi là 1 tháng trải nghiệm miễn phí dịch vụ vô tuyến cố định trong gói dịch vụ 5G dành cho gia đình. Sau thời gian này, các khách hàng là thuê bao của Verizon sẽ phải trả phí 50 đô la/tháng trong khi các khách hàng mạng di động khác phải trả tới 70 đô la.

Việc tiên phong khai trương dịch vụ 5G đánh dấu một cột mốc phát triển quan trọng trong lộ trình tiến lên công nghệ 5G tại thị trường Mỹ. Và với động thái này, Verizon có thể sẽ trở thành nhà mạng đầu tiên tại Mỹ cũng như trên thế giới khai trương công nghệ 5G phục vụ cho thị trường băng rộng cố định dành cho gia đình.

Được biết, Verizon cũng là nhà mạng đầu tiên trên thế giới khai trương mạng 4G LTE, giúp cải thiện chất lượng mạng trong những năm qua. Việc tiên phong khai trương 5G lần này hứa hẹn sẽ làm tăng đáng kể tốc độ mạng tại Mỹ cũng như mở đường cho các công nghệ nền tảng trong các lĩnh vực khác như xe tự lái, công nghệ thực tế ảo...

Tại Mỹ, cuộc chạy đua triển khai công nghệ 5G giữa các nhà mạng trong nước có phần phức tạp và đa dạng khi Verizon tập trung ưu tiên phát triển 5G như một công nghệ thay thế cho các công nghệ băng rộng cố định được sử dụng trong gia đình và chỉ giới hạn ở một vài thành phố thì nhà mạng AT&T lại tập trung vào các kế hoạch để có thể trở thành nhà mạng Mỹ đầu tiên cung cấp dịch vụ di động 5G vào cuối năm nay. Trong khi đó, nhà mạng T-Mobile hứa hẹn sẽ tạo ra một cú hích lớn trên thị trường dịch vụ dữ liệu 5G khi trong tháng 7 vừa qua đã chọn Nokia làm nhà thầu cung cấp thiết bị triển khai mạng dữ liệu di động 5G với giá trị gói thầu lên đến 3,5 tỷ USD. Đây được cho là thỏa thuận triển khai mạng 5G lớn nhất thế giới cho đến nay.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng quốc gia nào thống trị thị trường mạng viễn thông thì cũng sẽ “thắng” cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Chính điều này làm cho cuộc đua 5G giữa 2 nước này ngày càng căng thẳng.

Trung Quốc vượt Mỹ trong giai đoạn chuẩn bị cho 5G

Việc Verizon công bố kế hoạch tiên phong khai trương công nghệ 5G vào đầu tháng sau càng làm cho cuộc đua triển khai 5G giữa Mỹ và Trung Quốc thêm phần căng thẳng. Bởi lẽ, lợi thế dẫn đầu về 5G cũng mang đến lợi ích khác cho công nghệ hai nước. 5G không chỉ cải thiện tốc độ mà còn tăng khả năng hỗ trợ Internet of Things (IoT). Tất cả xe hơi thông minh và thiết bị khác đều sản xuất dữ liệu. Dữ liệu này sẽ giúp Trung Quốc và Mỹ có lợi thế về phát triển công nghệ tiên tiến như xe tự lái, trí tuệ nhân tạo. Lượng dữ liệu khổng lồ mà 5G tạo ra là vô cùng quan trọng để đào tạo thuật toán AI. Không chỉ có vậy, quốc gia nào (Mỹ và Trung Quốc) thống trị thị trường mạng viễn thông thì cũng sẽ “thắng” cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự.

Trên thực tế, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong giai đoạn chuẩn bị cho 5G khi mà ngoài việc đang nắm giữ kỷ lục về đầu tư 5G trên thế giới với 411 tỷ USD thì Trung Quốc còn vượt xa Mỹ về triển khai hạ tầng 5G. Theo đó, báo cáo của hãng kiểm toán và tư vấn Deloitte công bố ngày 7/8/2018 cho thấy Mỹ đã bị Trung Quốc vượt mặt trong cuộc đua triển khai hạ tầng 5G khi số lượng trạm phát sóng 5G được xây dựng mới tại Trung Quốc trong năm 2017 đã đạt đến con số 350.000, gấp hơn 10 lần so với con số gần 30.000 của Mỹ. Báo cáo của Deloitte cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, các công ty viễn thông và điện thoại di động của Trung Quốc đã lắp đặt thêm nhiều điểm cung cấp mạng hơn so với Mỹ đã thực hiện trong ba năm trước đó. Tính tổng lại thì Trung Quốc đã có 1,9 triệu điểm phát sóng 5G trên toàn quốc, gấp 10 lần so với Mỹ.

Ngoài ra, với mục đích tăng tốc độ phát triển các dịch vụ di động 5G trong cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ, chính phủ Trung Quốc đang xem xét phương án sáp nhập hai nhà mạng viễn thông của nước này là China Unicom và China Telecom.

Nếu phương án này được phê duyệt, công ty sau sáp nhập sẽ có gần 600 triệu thuê bao di động và sẽ trở thành nhà mạng viễn thông lớn thứ hai tại nước này sau nhà mạng China Mobile. Việc sáp nhập được cho là sẽ tạo ra những thế mạnh cạnh tranh mới thông qua những khoản đầu tư đầy đủ và cần thiết cho công nghệ 5G.

Việc sáp nhập cũng cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia khi giảm số lượng các nhà khai thác mạng viễn thông trong nước từ ba xuống còn hai nhà mạng. Điều này làm hạn chế cạnh tranh trong nước nhưng để thúc đẩy 5G thì một công ty kết hợp có thể đầu tư dễ dàng hơn so với hai công ty riêng lẻ.

Mặc dù đang dẫn trước về triển khai hạ tầng nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhà mạng nào của Trung Quốc công bố kế hoạch khai trương 5G tại quốc gia này. Nhưng có một điều chắc chắn là Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên triển khai 5G cũng như vai trò thống trị trên thị trường viễn thông thế giới.

Theo XHTT

http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201809/trung-quoc-my-meo-nao-thang-miu-nao-trong-cuoc-dua-5g-614411/
Theo XHTT