Truyền thông Trung Quốc đưa tin: Đại diện Trung Quốc và Thái Lan đã ký một thỏa thuận xây dựng kênh đào qua Kra Isthmus, phần hẹp nhất của bán đảo Malay.
Điều đó có nghĩa là tàu biển có thể đi thẳng từ Thái Bình Dương, qua biển Đông, vịnh Thái Lan vào biển Andaman và Ấn Độ Dương, không cần đi qua eo biển Malacca, vùng nước mà hoạt động cướp biển đang là mối đe dọa nguy hiểm. Kênh Canal Thai sẽ rút ngắn hải trình khoảng 1.200 km và thời gian là 2-5 ngày.
Đề án hiện tại là một kênh đào khổng lồ hai chiều, sâu 25 mét, khoảng 102 km chiều dài và 400 m chiều rộng. Dự án cần 10 năm hoàn thành với chi phí 28 tỷ USD, nếu sử dụng năng lượng hạt nhân và các phương pháp kỹ thuật tiên tiến khác có thể rút ngắn thời gian xây dựng còn khoảng 7 năm nhưng đội chi phí lên đến 36 tỷ USD.
Ít lâu sau, cả hai chính phủ Trung Quốc và Thái Lan đều bác bỏ thông tin này, đại diện hai chính phủ tuyên bố: các biên bản ghi nhớ đơn thuần chỉ là thỏa thuận dân sự, không liên quan đến chính phủ.
Thứ nhất, cho dù bản tin được coi là báo động giả, những tin tức này đã gây sự chú ý đặc biệt vì ý nghĩa của dự án đối với Trung Quốc. Trước hết, dự án gắn liền với tham vọng vành đai kinh tế “hai con đường tơ lụa” (New Silk Road và 21st Century Maritime Silk Road), sáng kiến của chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm mục đích tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế Âu-Á.
Thứ hai, mặc dù ý nghĩa kinh tế có vẻ không thuận lợi trong thời điểm hiện nay, kênh đào Thái Lan còn có ý nghĩa quan trọng hơn với Trung Quốc về những ưu thế quân sự và địa chính trị, Á châu Tuần San nhận đinh. Hiện nay, Mỹ đang có liên minh quân sự với Singapore, cho phép kiểm soát hoàn toàn eo biển Malacca. Chiến hạm Mỹ sử dụng không giới hạn các căn cứ hải quân của Singapore, nếu xảy ra "tình huống" với Trung Quốc, Hải quân Mỹ có thể nhanh chóng phong tỏa eo biển có giá trị quan trọng sống còn này.
Nhưng nếu kênh đào Thái Lan (Canal Thai) được khai thông và nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh, đây sẽ là tuyến đường mà Trung Quốc dùng để phá vỡ vòng vây phong tỏa của Mỹ, vốn đã hình thành trong khu vực.
Ý tưởng xây dựng kênh đào qua Kra Isthmus được đề cấp đến trong nhiều thế kỷ. Thế kỷ trước, Nhật Bản đã nghiên cứu phương án xây dựng trong Thế chiến II, quay trở lại một lần nữa năm 1980 với nỗ lực lần thứ hai đưa dự án vào thực tế nhưng gặp phải sự phản đối quyết liệt của Mỹ và Singapore.
Ưu thế của kênh đào Canal Thai trên một trang web của Thái Lan
Năm 2004, dự án được xới lên một lần nữa bởi Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, thông qua sự hợp tác với Nhật Bản, tuy nhiên ý tưởng có rất ít sự ủng hộ. Một lý do quan trọng là cuộc nổi dậy đòi ly khai diễn ra ở phía nam Thái Lan – dự án xây dựng kênh đào trở thành mục tiêu để các lực lượng chống chính phủ công kích.
Trung Quốc trở thành một phần của đối thoại về dự án vào năm 2006 trong hội nghị Trung Quốc-ASEAN tại Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị Choang ở Quảng Tây, Miền Nam Trung Quốc. Thời điểm này, nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ trong khi giá năng lượng và tài nguyên thô trên thế giới tăng mạnh, Trung Quốc thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới dự án, Bắc Kinh tin rằng các kênh đào sẽ giảm rất nhiều chi phí vận chuyển và rủi ro, đồng thời vô hiệu quá quyền kiểm soát của Mỹ trên eo biển Malacca.
Nếu dự án Canal Thai thành công, một phần quan trọng của "Con đường tơ lụa trên biển" hình thành, việc khai thác kênh đào không những mang lại cho liên minh Trung-Thái một nguồn lợi vô cùng lớn mà còn giúp Trung Quốc có những điều kiện tối ưu để triển khai lực lượng hải quân trong vịnh Thái Lan, chắc chắn kiểm soát tuyến vận tải huyết mạch này và vô hiệu hóa những đòi hỏi tự do hàng hải thế giới mà Mỹ đang mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc phải cam kết đảm bảo, đồng thời hiện thực hóa tư tưởng chiến lược "chuỗi đảo ngọc trai", tuyến phòng thủ thứ nhất, xuyên thủng tuyến phòng thủ thứ nhất của Mỹ và đồng minh trên biển Đông.
Theo: QPAN