Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 24/9 dẫn báo chí Nga gần đây cho hay Bộ Tư lệnh Không quân Trung Quốc xác nhận đang nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược mới, sách báo quân sự Trung Quốc trước đây cũng đã đề cập đến chương trình này.
Chuyên gia quân sự Nga Vasilii Cashin cho rằng, hiện nay, Trung Quốc đang chế tạo máy bay ném bom H-6K, đây là máy bay ném bom tầm xa chuyên sử dụng tên lửa hành trình tầm trung và có thể lắp vũ khí dẫn đường chính xác khác.
Máy bay trang bị thiết bị điện tử vô tuyến điện hiện đại, do trang bị động cơ của Nga nên tầm bắn tăng lớn. Nhưng nó không thể gọi là một bộ phận thực sự của hệ thống "tam vị nhất thể" hạt nhân của Trung Quốc, do nó không phù hợp với nhu cầu ngăn chặn lực lượng hạt nhân của Mỹ.
Khả năng mang theo vũ khí hạt nhân tiến hành bay trực chiến là tính năng quan trọng nhất tiến hành ngăn chặn hạt nhân của máy bay ném bom.
Vài chiếc máy bay ném bom đợi lệnh trên không và sẵn sàng bắn tên lửa, có thể làm cho khả năng đánh đòn phủ đầu của đối phương giảm xuống thấp nhất.
Nhưng, đồng thời, khi ngăn chặn nhau, Nga và Mỹ có thể sử dụng máy bay ném bom kiểu cũ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chỉ cần từng bước đổi mới thiết bị điện tử của máy bay và tên lửa hành trình, máy bay lắp tên lửa hành trình chiến lược chưa chắc có thể chống đỡ nổi hệ thống phòng không.
Giữa Nga và Mỹ là khu vực Bắc Cực rộng lớn mênh mông và vô cùng hoang vắng, máy bay hoạt động trên không tại khu vực này sẽ rất ít bị đe dọa.
Tình hình của Trung Quốc hoàn toàn khác. Để tấn công Mỹ, máy bay ném bom Trung Quốc trước hết cần vượt qua một loạt đảo, sau đó đợi lệnh sử dụng vũ khí ở Thái Bình Dương - nơi có khả năng xảy ra đối đầu quy mô lớn với Mỹ và đồng minh.
Máy bay ném bom H-6K có tốc độ bay thấp, lắp tên lửa hành trình dễ bị phát hiện, có thể phát huy vai trò quan trọng trong xung đột khu vực, nhưng không phù hợp với ngăn chặn hạt nhân.
Trung Quốc cần một loại máy bay ném bom tầm xa, tốc độ cao, trang bị hệ thống đối kháng điện tử mạnh, cố gắng không để bị radar đối phương phát hiện.
Nghiên cứu loại máy bay này là một nhiệm vụ kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Căn cứ vào một số tư liệu rời rạc, Trung Quốc từng nghiên cứu chế tạo phiên bản của máy bay ném bom B-2 Mỹ.
Trong khi đó, chương trình tương tự của Nga đến nay dường như bị trì hoãn, gác lại. Hiện nay, sản xuất máy bay ném bom phiên bản cải tiến của Tu-160 (Tu-160M) quan trọng hơn.
Tu-160M sẽ trang bị hệ thống điện tử mới và động cơ cải tiến. Điều này có lợi cho nâng cấp máy bay ném bom tầm xa với chi phí tương đối thấp.
Do kích thước lớn, tốc độ cao, không gian tiến hành cải tiến kết cấu của Tu-160 rất lớn, trong khi đó Trung Quốc không có loại máy bay có thể tiếp tục hoàn thiện này.
Trước đó, Trung Quốc không chỉ một lần tìm cách đạt được thành quả nghiên cứu trên lĩnh vực này của Liên Xô, tìm cách thu được tài liệu và máy bay mẫu của Tu-22M3 Nga, đồng thời từng nhiều lần hy vọng sở hữu vài chiếc máy bay ném bom Tu-160 để lại Ukraine vào thập niên 1990, nhưng đều không thành công.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có một điểm đáng chú ý, đó là có thể sử dụng máy bay ném bom ở nước ngoài, giống như máy bay ném bom Tu-160 và Tu-95 của Nga sử dụng tên lửa hành trình tiến hành tấn công lực lượng khủng bố ở Syria.
Căn cứ vào quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Pakistan có thể suy đoán, trong trường hợp nhất định, máy bay Trung Quốc cất cánh từ khu vực miền tây, bay xuyên qua không phận Pakistan, có thể thực hiện nhiệm vụ trên vùng trời một số khu vực ở Trung Đông và Đông Phi.
Nhưng trong chiến tranh cục bộ, những máy bay sử dụng tương đối đơn giản, khoảng cách bay xa và yêu cầu thời gian bay không quá cao là tương đối hợp lý.
Bất kể thế nào, diện mạo của máy bay ném bom tương lai Trung Quốc sẽ là chỉ tiêu rất quan trọng để đánh giá xem Quân đội Trung Quốc chuẩn bị sử dụng nó cho sứ mệnh và cuộc chiến nào.