Trung Quốc lớn tiếng đe doạ Ấn Độ

VietTimes -- Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền, tuyên bố để gây sức ép, thực chất là rất mong Ấn Độ rút quân, nhưng Trung Quốc khó có thể đạt được mục đích này. Đối đầu Trung - Ấn có thể sẽ tiếp diễn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mặc quân phục dã chiến tham dự duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm tròn 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc ngày 30/7/2017. Ảnh: UDN.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mặc quân phục dã chiến tham dự duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm tròn 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc ngày 30/7/2017. Ảnh: UDN.

Trung Quốc liên tiếp cảnh cáo mạnh mẽ

Cuộc đối đầu ở khu vực biên giới Trung - Ấn đã kéo dài hơn một tháng, tờ Giải phóng quân Trung Quốc ngày 5/8 có bài viết dẫn ra “bằng chứng lịch sử” là hiệp ước được Trung Quốc và Anh ký kết năm 1890, xác định rõ biên giới giữa khu vực Tây Tạng, Trung Quốc với Sikkim. Theo đó, khu vực Doklam nằm bên phía Trung Quốc của đường biên giới, là “lãnh thổ Trung Quốc không thể tranh cãi”.

Vì vậy, báo quân đội Trung Quốc cho rằng việc quân đội Ấn Độ đưa quân vào khu vực Doklam lần này đã “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm hiệp ước 1890, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, chà đạp thô bạo lên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế”.

Báo Trung Quốc nhấn mạnh rằng vừa qua lực lượng biên phòng của Trung Quốc đã áp dụng biện pháp ứng phó khẩn cấp. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra tuyên bố mạnh mẽ.

Báo quân đội Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã thể hiện thiện chí lớn nhất, kiềm chế lớn nhất, nhưng Ấn Độ coi thường những thiện chí và kiềm chế này. Đến chiều ngày 2/8, quân đội Ấn Độ vẫn có 48 người và 1 máy xúc đất còn hiện diện trên “phần đất của Trung Quốc”.

Cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều kênh khác, tờ Giải phóng quân mạnh mẽ cảnh báo Ấn Độ rằng “thiện chí không phải không có nguyên tắc, kiềm chế không phải không có giới hạn”. “Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc không thể xâm phạm. Ấn Độ không được trông chờ Trung Quốc lấy chủ quyền lãnh thổ ra để tiến hành giao dịch, không được đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chính phủ và nhân dân Trung Quốc, không nên đánh giá thấp quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quân đội Trung Quốc”.

Theo bài báo, nếu Ấn Độ tiếp tục từ chối thiện chí của Trung Quốc thì sẽ “phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hơn”.

Quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập trên cao nguyên. Ảnh: Sina.
Quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập trên cao nguyên. Ảnh: Sina.

Trung Quốc dùng vũ khí chiến lược để răn đe

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Ngô Lâm, Viện nghiên cứu châu Á, Học viện Ngoại giao Trung Quốc, thái độ gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã thay đổi cách dùng từ, từ “vượt biên” sang “xâm phạm lãnh thổ”, tức là Trung Quốc có thể tiếp tục hành động về ngoại giao, kinh tế và quân sự.

Tờ Bành Bái Trung Quốc ngày 4/8 cho rằng quân đội Ấn Độ không thể so được với quân đội Trung Quốc về ý chí và tác phong tác chiến. Binh sĩ Trung Quốc rất trẻ, còn phía Ấn Độ có không ít quân nhân đã 40 – 50 tuổi. Bởi vì, Ấn Độ thực hiện chế độ “lính đánh thuê”, trong trường hợp không thể giành chiến thắng thì họ có thể tự rút lui hoặc tháo chạy.

Theo bài báo, thực lực quân sự và tình hình giao thông đến Tây Tạng của Trung Quốc hiện đã khác xưa, “không sợ tiếp tục nổ ra một cuộc chiến phản kích tự vệ” ở khu vực biên giới Trung - Ấn.

Bài báo thậm chí đã đề cập đến vũ khí chiến lược để răn đe Ấn Độ, cho rằng tên lửa của Trung Quốc hiện nay có thể vươn xa vài nghìn km, không cần đến chiến tuyến, ở hậu phương cũng có thể tiêu diệt đối phương. Tuy nhiên, bài báo quên rằng hiện nay tên lửa tầm xa của Ấn Độ cũng đã có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ của Trung Quốc.

Trung Quốc rất mong Ấn Độ rút quân

Theo tờ Đại kỷ nguyên tiếng Trung ngày 4/8, do Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra vào tháng 9/2017, vì vậy Trung Quốc mong muốn giải quyết được vấn đề đối đầu biên giới với Ấn Độ trước khi hội nghị này diễn ra. Nhưng điều này rất khó làm được.

Tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-5 Ấn Độ có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: Hindustan Times.
Tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-5 Ấn Độ có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: Hindustan Times.

Hiện nay, xung đột biên giới Trung - Ấn rõ ràng đang leo thang. Căn cứ vào cách làm của Trung Quốc, nhiều cơ quan cùng mạnh mẽ cảnh cáo có thể là bước đi đầu tiên. Nếu Trung Quốc thực sự muốn chiến tranh thì bước tiếp theo sẽ phải xem họ có điều động lực lượng quân sự quy mô lớn hay không, chẳng hạn điều động lục quân, lực lượng tên lửa và ra “tối hậu thư cuối cùng”.

Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều vấn đề như đảo Senkaku, Biển Đông, biên giới Trung - Ấn và Đài Loan. Hơn nữa, Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội XIX, Trung Quốc còn đang tiến hành cải cách quân đội. Vì vậy, Trung Quốc sẽ rất khó hạ quyết tâm tấn công Ấn Độ trong thời điểm này.

Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước Đại hội XIX, điều quan trọng nhất là làm ổn định cả ở trong và ngoài nước. Tháng 4/2017, ông Tập Cận Bình chủ động thăm Mỹ là để tìm kiếm sự ổn định quan hệ hai nước trước Đại hội XIX.

Việc Trung Quốc liên tiếp mở ra cuộc “khẩu chiến” mạnh mẽ thời gian qua thực ra là rất mong muốn Ấn Độ chủ động rút quân, vừa giải quyết được vấn đề nan giải, vừa giữ được thể diện.

Điều đáng chú ý là, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành hội nghị bí mật ở Bắc Đới Hà để bàn về các nội dung của Đại hội XIX sắp tới, bao gồm vấn đề nhân sự cấp cao. Nếu Ấn Độ không thực sự rút quân thì sẽ có tranh cãi nhỏ trong nội bộ Trung Quốc, nhưng sẽ không ảnh hưởng tới đại cục.

Báo chí Trung Quốc tuyên truyền rằng Ấn Độ đã rút 90% binh sĩ “vượt biên”, kể cả 2 máy xúc đất và 3 lều vải. Nhưng phía Ấn Độ đã phủ nhận thông tin này. Xu hướng đối đầu giữa hai bên trong thời gian tới vẫn còn chưa rõ.