Các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc bị đưa vào tầm ngắm khi chính quyền Bắc Kinh tăng cường kiểm soát những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Hôm 24/12, cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc mở cuộc điều tra độc quyền nhắm vào gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Hai ngày sau, các nhà quản lý tài đầu triệu tập ban lãnh đạo của Ant Group - công ty được Alibaba chống lưng - và yêu cầu startup tài chính này cải tổ kinh doanh.
Đó là cơn địa chấn thứ hai đối với Ant, sau khi chính quyền Trung Quốc buộc công ty fintech này hoãn đợt IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) tại Hong Kong và Thượng Hải hồi tháng 11.
Tencent Holdings cũng bị Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) phạt 500.000 NDT (khoảng 76.000 USD ). Nguyên nhân là Tencent không xin phép cơ quan quản lý khi công ty con China Literature mua lại hãng giải trí và truyền thông Trung Quốc New Classics Media hồi năm 2018.
Alibaba cũng phải chịu phạt số tiền tương tự do các khoản đầu tư vào chuỗi cửa hàng bách hóa Intime Retail từ năm 2014 đến 2018.
Sau khi Ant hoãn đợt IPO, số phận của công ty đến nay vẫn là dấu hỏi. Ảnh: Reuters. |
Nhắm vào các ông lớn
Hồi tháng 11, SAMR công bố dự thảo dài 22 trang với chủ trương ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng Internet lớn. Trên thực tế, chưa một công ty Internet nào từng bị phạt vì vi phạm Luật Chống độc quyền của Trung Quốc. Một phần nguyên nhân là không dễ xác định một công ty có lợi dụng vị thế thống trị thị trường trong nền kinh tế mới hay không.
Từ lâu, giới doanh nghiệp truyền thống đã chỉ trích sự lỏng lẻo của luật pháp đối với ngành công nghiệp này. Trong khi đó, các quan chức địa phương phụ trách điều tra chống độc quyền cũng hiếm khi công khai những phát hiện điều tra của họ. Điều này làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch.
Trong một tuyên bố hồi tháng 11, SAMR nhấn mạnh luật chống độc quyền nên được áp dụng cho mọi công ty Internet. Tại cuộc họp quan trọng vào tháng 12, Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực chống độc quyền vào năm 2021.
Hàng loạt động thái trên cho thấy các quan chức Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi khả năng tiếp cận thoải mái đối với thị trường Internet màu mỡ, sau khi một vài ông trùm đánh chiếm hàng loạt lĩnh vực kinh doanh và thống trị thị trường.
Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và JD.com vận hành các nền tảng khổng lồ liên kết mạng xã hội, thương mại điện tử, đặt vé du lịch và giao đồ ăn. Hàng triệu cửa hàng và hàng trăm triệu người tiêu dùng sử dụng nền tảng của họ.
Những công ty này thậm chí sử dụng sức ảnh hưởng của mình để đe dọa các đối thủ nhỏ hơn và triệt tiêu tính cạnh tranh trong ngành. Sau khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố thắt chặt kiểm soát, cổ phiếu của Alibaba, Tencent và các đại gia công nghệ khác đồng loạt lao dốc.
Tencent Holdings từng bị Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc phạt 76.000 USD. Ảnh: Getty Images. |
Những năm trước đây, Trung Quốc từng do dự trong việc thắt chặt kiểm soát đối với các công ty Internet vì lo ngại cản đường đổi mới. Do vậy, họ cho phép những mảng kinh doanh mới của các công ty này phát triển ngoài tầm kiểm soát, thậm chí vượt khỏi ranh giới của quy định.
"Nếu không có các chính sách rõ ràng, rất khó để xử lý những trường hợp cụ thể và thực thi pháp luật", Tài Kinh dẫn lời một luật sư ở Bắc Kinh nhận định.
Theo giáo sư Liu Junhai tại Đại học Renmin (Bắc Kinh), Trung Quốc thường "ưu tiên các chính sách ngành thay vì chống độc quyền, đặt tăng trưởng lên trước quy định". "Tuy nhiên, quy định chống độc quyền không đi ngược với nỗ lực tối ưu hóa môi trường kinh doanh. Trái lại, nó giúp duy trì trật tự cạnh tranh bình đẳng và nâng cao sức sống của thị trường", vị giáo sư nhận định.
Việc chống độc quyền trở nên cấp bách hơn khi Trung Quốc đẩy mạnh mở rộng thị trường trong nước. Theo chiếc lược tuần hoàn kép của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, một thị trường trong nước sôi động, hiệu quả và cạnh tranh là rất quan trọng.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo giới phân tích, bài toán đặt ra là cân bằng giữa duy trì tăng trưởng kinh doanh Internet và ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh. Việc thực thi chống độc quyền của Trung Quốc cũng gặp thách thức về vấn đề nhân lực. SAMR chỉ có khoảng 50 nhân sự, so với hàng nghìn người ở các cơ quan của châu Âu và Mỹ.
Trong khi đó, các đại gia công nghệ đang gấp rút thuê những thẩm phán và quan chức đã về hưu để đối phó với các rắc rối pháp lý mới. Theo dữ liệu chính thức, từ năm 2014 đến năm 2016, hơn 40 quan chức từ Bộ Thương mại Trung Quốc đã gia nhập những doanh nghiệp này sau khi nghỉ hưu.
"Điều này giúp một số công ty công nghệ lớn có khả năng nắm bắt các quy định", một chuyên gia pháp lý bình luận. Trong cuộc điều tra chống độc quyền với Alibaba, cơ quan quản lý đã lấy dẫn chứng việc công ty buộc các chủ cửa hàng phải "chọn một".
Điều đó có nghĩa là họ chỉ được làm việc với Alibaba và không hợp tác với những nền tảng đối thủ. Năm 2017, JD.com đâm đơn kiện Alibaba, cáo buộc tập đoàn này lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường để buộc các cửa hàng chấm dứt quan hệ đối tác với JD.com.
Hàng trăm nhà bán lẻ hàng may mặc đã rời khỏi nền tảng của JD.com. Chủ một cửa hàng tiết lộ với Tài Kinh rằng ông quyết định ký hợp tác độc quyền với nền tảng Tmall của Alibaba sau khi đánh giá tác động đến khả năng tiếp cận khách hàng và tiềm năng kinh doanh.
Nhà sáng lập Alibaba không xuất hiện trước công chúng sau những rắc rối của Alibaba và Ant. Ảnh: Reuters. |
Theo người này, những nền tảng lớn như Alibaba có thể dễ dàng trừng phạt chủ các cửa hàng bằng cách giảm lượng truy cập mới vào trang web của họ.
Thương hiệu lò vi sóng hàng đầu Galanz cũng kiện Alibaba vì lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường bằng cách buộc các cửa hàng phải "chọn một". Tuy nhiên, họ đã rút đơn kiện sau khi thỏa thuận với Alibaba.
"Chọn một" là hành vi độc quyền bị cấm theo một số luật và quy định, bao gồm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh và Luật Thương mại điện tử. Tuy nhiên, mức phạt tối đa 3 triệu NDT không đủ sức răn đe các ông lớn.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng rất khó để xác định và thu thập đủ bằng chứng chống lại những hành vi phản cạnh tranh. "Quy định chống độc quyền đối với các công ty Internet nên có hiệu lực càng sớm càng tốt để tránh rủi ro hệ thống và chi phí lớn", ông Liu Xu tại Viện Chiến lược Quốc gia của Đại học Thanh Hoa nhấn mạnh.
Theo Zing