NATO do MỸ lãnh đạo đã đẩy Nga vào “vòng tay” Trung Quốc?
Cuộc tập trận thu hút sự quan tâm của công luận trên toàn thế giới. Hãng thông tấn Đức Federal Press cho rằng, việc Siberia và vùng Viễn Đông được chọn làm địa điểm tiến hành tập trận cho thấy, một cuộc chiến với NATO không phải là ưu tiên của Nga.
Còn Hãng thông tấn Đức Handelsblatt lại chỉ ra một khía cạnh khác của cuộc tập trận này. Với cuộc tập trận “Phương Đông 2018” có qui mô rất lớn ngang tầm các chiến dịch trong Thế Chiến II, Nga sẽ thể hiện với NATO và toàn thế giới sức mạnh quân sự đáng sợ của mình.
Đồng thời cuộc tập trận này cũng là một tín hiệu cho toàn thế giới và đặc biệt là Washington, về khả năng hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Một sự hợp tác trong đó, sức mạnh quân sự của Trung Quốc còn kém hơn nhiều so với Nga.
Nhà nghiên cứu chính trị người Đức Alexander Rahr trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Nga NSN khẳng định rằng, chính NATO do MỸ lãnh đạo đã đẩy Nga vào “vòng tay” Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu chính trị người Đức Alexander Rahr trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Nga NSN khẳng định rằng, chính NATO do MỸ lãnh đạo đã đẩy Nga vào “vòng tay” Trung Quốc.
|
“Nước Nga làm thế là đúng: Trung Quốc không đe dọa họ, Nga có một thỏa thuận về hành động chung với Trung Quốc ở Trung Á, ở Kavkazơ. Moskva và Bắc Kinh sẽ hợp tác để xây dựng “Con đường Tơ lụa” mới. Dù rằng giữa hai nước, không có quan hệ gì đặc biệt nồng ấm, nhưng đó là sự hợp tác đúng theo lẽ phải thông thường và thực dụng. Họ đã thỏa thuận với nhau, theo tôi hiểu, để thể hiện cho Donald Trump và Phương Tây thấy rằng, hai nước luôn có khả năng phối hợp hành động”.
Đó là những ý kiến của người Châu Âu về hợp tác quân sự Nga – Trung. Vậy người Mỹ và người Nga nghĩ thế nào. “Tôi nghĩ rằng các quốc gia này đang hành động vì lợi ích riêng của họ, tôi không thấy nhiều điều trong triển vọng dài hạn, có thể gắn kết Nga và Trung Quốc” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã trả lời như vậy trong cuộc nói chuyện với báo giới ngày 11/09/2018, đối với câu hỏi liệu việc tổ chức những cuộc tập trận chung Nga – Trung có đồng nghĩa với sự hình thành liên minh quân sự hay không.
Nga và Trung Quốc không có cùng những mục tiêu chiến lược
“Đúng là Nga và Trung Quốc không có cùng những mục tiêu chiến lược”. Đó là khẳng định của Kiril Kotkov, chuyên gia Nga hàng đầu về Trung Quốc, trong cuộc trao đổi với Hãng thông tấn Nga NSN. Theo ông Kotkov, việc cuộc tập trận “Phương Đông – 2018” diễn ra trên lãnh thổ Nga, là một điều rất có lợi cho Trung Quốc. Đơn giản là vì Trung Quốc chưa bao giờ chối bỏ những đòi hỏi của mình đối với một phần quan trọng lãnh thổ Nga.
Theo ông Kotkov, việc cuộc tập trận “Phương Đông – 2018” diễn ra trên lãnh thổ Nga, là một điều rất có lợi cho Trung Quốc.
|
“Trước hết xin nói là, hợp tác giữa Nga và Trung Quốc hiện nay chủ yếu có lợi cho Trung Quốc. Trong các khu vực lãnh thổ nước Nga nơi đang tiến hành diễn tập quân sự có cả vùng Ngoại Baikan, và không biết có phải tình cờ không, nhưng đây lại là khu vực mà Trung Quốc đang nhăm nhe. Những đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc đối với một phần quan trọng của đất nước Nga chưa bao giờ bị hủy bỏ. Đơn giản là có những đòi hỏi thẳng thừng, và có những đòi hỏi đang ẩn giấu”- Kiril Kotkov cho biết.
Chẳng han, ông Kotkov đề cập đến tình trạng phá rừng ở Siberia, đang gây bức xúc mạnh mẽ cho công luận xã hội Nga. Hiện nay người ta đã thu thập được hơn 640.000 chữ ký trong một Kiến nghị gửi Chính phủ Nga để ngăn chặn nạn phá rừng, mà sau đó gỗ được bán cho Trung Quốc với giá “bèo bọt”.
“Ở Trung Quốc về vấn đề này, đã xuất hiện một bài báo với nội dung như sau: nếu khu rừng này không bị chặt phá, nó đơn giản là sẽ thối rữa, và nói chung đấy là vùng đất tổ tiên của chúng ta, cả Siberia trước đây đã từng thuộc về Trung Quốc.
Vì ở Trung Quốc, không có phương tiện truyền thông độc lập, Trung Quốc không phải là Mỹ nơi Fox News nói một điều, và CNN có thể nói một điều hoàn toàn khác. Mọi phương tiện truyền thông của Trung Quốc đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ. Vì vậy rõ ràng là, người ta đã lồng vào bài báo này quan điểm chính thức của Trung Quốc”- ông Kotkov bày tỏ.
"Hợp tác giữa Nga và Trung Quốc hiện nay chủ yếu có lợi cho Trung Quốc "- chuyên gia Nga nhận xét.
|
Từ kinh nghiệm làm công tác phiên dich cao cấp lâu năm của mình, Kotkov lưu ý rằng, trong những câu chuyện đời thường hàng ngày, những đòi hỏi lãnh thổ của người Trung Quốc còn thể hiện mạnh hơn nhiều. Thậm chí họ công khai hỏi chúng tôi, khi nào Nga sẽ hoàn lại cho Trung Quốc những lãnh thổ “của họ”. Đó chính là lý do tại sao, các chuyên gia chiến lược Nga tin rằng, giữa Moskva và Bắc Kinh không có triển vọng hợp tác chiến lược.
“Nếu nhìn vào lịch sử 300 năm quan hệ Nga -Trung, chúng ta sẽ thấy rằng đó là biểu đồ hình sin. Mối quan hệ ấm áp đã được thay thế bởi thời kỳ lạnh nhạt. Bây giờ chúng ta đang có một mối quan hệ ấm áp với Trung Quốc, nhưng xin phép nhấn mạnh, mối quan hệ này khá một chiều. Người Trung Quốc không quan tâm đến việc có một nước Nga đồng minh mạnh mẽ, họ chỉ quan tâm đến Nga như một thuộc địa. Như một lãnh thổ, ở đó người ta có thể mua tài nguyên với giá rẻ, và có thể xây dựng những doanh nghiệp sản xuất độc hại”- ông Kotkov nhận định.
Ông Kotkov cũng chia sẻ , là nhận định của James Mattis Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hoàn toàn đúng, quan điểm của ông ta hoàn toàn khách quan. Và cho rằng, đứng đầu Lầu Năm Góc hiện nay là một người rất chuyên nghiệp, rất tương xứng. Tóm lại, ông Kiril Kotkov lưu ý rằng, những cuộc diễn tập quân sự chung “Phương Đông -2018”, hoàn toàn có thể sẽ được “ai đó” sử dụng để tập dượt những hoạt động quân sự trong tương lai chống nước Nga. Những kịch bản như vậy, không phải là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử Nga. Chẳng hạn, vào đầu những năm 1930, nhiều phi công Đức đã được tập huấn ở Liên Xô.
Theo ông Kotkov tuy nhiên, trong trường hợp này, đó là một sự hợp tác thực sự hai bên cùng có lợi, vì ở nước Đức một cường quốc công nghiệp tiên tiến nhất, ngay cả sau những suy thoái vì Thế Chiến I, vẫn có nhiều điều có thể học hỏi.
“Tôi nghĩ rằng các quốc gia này đang hành động vì lợi ích riêng của họ, tôi không thấy nhiều điều trong triển vọng dài hạn, có thể gắn kết Nga và Trung Quốc” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
|
Lo lắng về mất lãnh thổ
Viễn Đông là một khu vực còn rộng lớn (diện tích 6.13 triệu km2) và bán khai của nước Nga. Năm 2018, dân số của khu vực này 6.17 triệu (năm 1992 dân số từng hơn 8 triệu) Trong đó 79% dân cư là người Nga, mật độ dân số là 1 người/km2 và tỷ lệ dân sống ở các thành phố là 77%.
Những đô thị phát triển nhất là Khabaropsk, Vladivostok, Yakutsk, Komcomolsk on Amur và Blagoveshensk. Viễn Đông nước Nga là khu vực có khí hậu tương đối khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình các tháng từ âm 14 đến +7 độ C. Do ảnh hưởng của biển, vùng duyên hải Thái Bình Dương khí hậu tương đối ôn hòa.
Cuộc tập trận thu hút sự quan tâm của công luận trên toàn thế giới.
|
Bên kia biên giới vùng Đông Siberia và Viễn Đông Nga là tỉnh Hắc Long Giang (thủ phủ là Cáp Nhĩ Tân) Trung Quốc. Tỉnh này hiện có dân số gần 40 triệu, diện tích 0.47 triệu km2, mật độ dân số là hơn 82 người/km2 và tỷ lệ sinh sản là 7,55%. Còn số người trong độ tuổi 15-64 chiếm gần 80% dân số. Cũng giáp giới những vùng này của nước Nga là Khu tự trị Nội Mông có dân số hơn 25 triệu với diện tích gần 1.2 triệu km2 và mật độ dân số hơn 20 người/km2. Đây cũng là những khu vực có khí hậu tương đối ôn hòa.
Tất nhiên, nhìn vào những con số thống kê này, và xét đến những hiệp ước bất công về lãnh thổ mà Trung Quốc (nhà Thanh) đã phải ký với nước Nga trong thế kỷ 19, không thể nói những lo lắng của ông Kiril Kotkov là không có cơ sở.
Cuộc tập trân “Phương Đông – 2018” diễn ra từ ngày 11/09 và kết thúc 17/09/2018 tại các vùng Siberia, Viễn Đông và các vùng lãnh hải lân cận ở Thái Bình Dương thuộc Nga. Tham gia vào những cuộc diễn tập này có các lực lượng quân đội Nga, Trung Quốc và Mông Cổ, được thống nhất chỉ huy bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Đại tướng Sergei Shoigu. Lực lượng tham dự diễn tập bao gồm khoảng 300.000 quân từ Nga, cũng như khoảng 2500 đại diện của Trung Quốc. Trong điều kiện gần với thực chiến, hiệu năng của hàng loạt thiết bị và khí tài quân sự sẽ được kiểm tra. Những thiết bị và khí tài này bao gồm hơn 1000 máy bay, máy bay trực thăng, máy bay không người lái, gần 36.000 xe tăng, xe thiết giáp và các loại xe cộ khác, cùng với 80 tàu chiến. |