Tập trung bàn cách chống tham nhũng
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 28/9 dẫn các nguồn tin cho hay Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 vào cuối tháng 10/2016, mục tiêu là sửa đổi điều lệ kỷ luật của Đảng.
Hiện nay, Bắc Kinh vẫn đang tiến hành một cuộc đấu tranh nhằm diệt trừ tham nhũng – một vấn nạn đã trở nên “thâm căn cố đế”. Hội nghị lần này là hội nghị quan trọng, thường đưa ra các chính sách quan trọng trong mấy năm tới.
Thời gian diễn ra hội nghị từ ngày 24 đến ngày 27/10/2016, có thể là hội nghị toàn thể cuối cùng trước khi tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19. Dự kiến Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 sẽ được tổ chức vào mùa thu năm 2017.
Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 tổ chức vào tháng 10 tới có trọng điểm là sửa đổi điều lệ giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay còn gọi là các quy định chống tham nhũng.
Từ trước tới nay Trung Quốc loại trừ thiết lập cơ quan chống tham nhũng độc lập, kiên trì cho rằng phương thức tốt nhất là Đảng tự giám sát. Từ khi chính phủ khóa mới cầm quyền đến nay, thanh thế phát động cuộc chiến chống tham nhũng mạnh tay, vài chục quan chức cấp cao đã sa lưới.
Hội nghị toàn thể lần cuối cùng trước khi Đại hội thường dùng để thảo luận vấn đề ý thức hệ, kết quả hội nghị có khả năng sẽ không công bố.
Từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền đến nay, những hội nghị toàn thể khác từng tập trung vào các vấn đề kinh tế và pháp trị, cũng đã đưa ra các biện pháp chính sách tương đối cụ thể.
Tại hội nghị toàn thể năm 2015, Trung Quốc đã công bố chính sách quan trọng là nới lỏng hạn chế sinh đẻ có kế hoạch, cho phép tất cả các đôi vợ chồng được sinh hai con.
Báo chí chính quyền Trung Quốc tháng 7 cho hay, hai chủ đề lớn của hội nghị năm nay là sửa đổi một nghị quyết liên quan đến sinh hoạt chính trị trong Đảng thời Đặng Tiểu Bình và điều lệ làm thử liên quan đến giám sát trong Đảng được Ban Chấp hành Trung ương ĐCS TQ thông qua năm 2003.
Đối tượng giám sát trong Đảng là cán bộ lãnh đạo và cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là cán bộ chủ trì ban lãnh đạo các cấp.
Mức độ chống tham nhũng vẫn cao
Tờ Sputnik Nga ngày 28/9 cho rằng căn cứ vào thông tin trên trang Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, gần đây, cơ quan kiểm sát đã tiến hành khởi tố đối với vụ án nhận hối lộ của Nhạc Đại Khắc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân (Nhân đại) Khu tự trị Tây Tạng; Vụ án nhận hối lộ, tham ô của Vương Thiên Phổ, nguyên thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec);
Vụ án nhận hối lộ của Tư Hiến Dân, nguyên Phó bí thư tổ đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn hàng không Phương Nam Trung Quốc.
Ngoài ra có hai người do tình nghi nhận hối lộ, tham ô, đã bị khởi tố. Trong điều tra, viện kiểm sát làm rõ họ lạm dụng chức quyền và tham ô, nhận hối lộ.
Học giả từ Đại học Moscow, Nga đánh giá về xu thế cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay của Trung Quốc cho rằng, gần đây sau khi Chủ tịch thành phố Thiên Tân (thành phố trực thuộc Trung ương Trung Quốc) là Hoàng Hưng Quốc ngã ngựa, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường đấu tranh chống tham ô và lạm dụng chức vụ.
Vừa qua, Trung Quốc đã công bố thông tin về 04 quan chức cấp cao ngã ngựa. Ngoài Vương Thiên Phổ và Tư Hiến Dân, còn có Nhạc Đại Khắc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Nhân đại Khu tự trị Tây Tạng và Vương Soái Đình, nguyên Phó bí thư đảng ủy, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Trung Quốc tại Hồng Kông (China Travel Service (Holdings) Hong Kong Limited).
Đối với những vụ án này, báo chí Trung Quốc cho rằng, bản tố cáo đối với họ chỉ rõ: "mưu lợi ích cho người khác, nhận tiền của số lượng khổng lồ của người khác một cách phi pháp".
Sở dĩ cuộc chiến chống tham nhũng vẫn tiếp tục được thúc đẩy là do cuộc chiến này không chỉ là một cuộc chiến duy nhất, mà còn là công việc làm trong sạch đội ngũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đáng chú ý, rất nhiều quan chức cấp cao tham nhũng trong nội bộ rất nhiều bộ ngành và doanh nghiệp Trung Quốc bị bắt thường là do kết quả điều tra các vụ án khác. Những "người nổi tiếng" chính trường Trung Quốc như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch và Từ Tài Hậu bị điều tra hoàn toàn có khả năng do liên quan đến vài trăm vụ án khác.
Cán bộ điều tra hầu như đang không ngừng tìm kiếm quan chức tham nhũng mới, cho dù cấp bậc của họ không cao lắm, nhưng vẫn có mối liên hệ nhất định với quan chức cấp cao đã bị điều tra trước đó.
Trong khi đó, cũng theo báo Nga, một số nhà quan sát phương Tây cho rằng nhà cầm quyền Trung Quốc có khả năng sử dụng cây gậy "chống tham nhũng" để đạt mục đích khác, chẳng hạn gây sức ép với những "nhóm lợi ích" đó, do họ gây trở ngại cho đi sâu cải cách, bao gồm các kế hoạch như loại bỏ năng lực sản xuất (dư thừa), cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Khi đưa tin về những vụ án nêu trên, báo chí Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh đến điểm này. Thời gian tới, có khả năng sẽ bộc lộ nhiều vụ án cụ thể hơn, tiếp tục làm sáng tỏ trọng điểm chống tham nhũng của Trung Quốc hiện nay.