Trung Quốc hoàn thành hệ thống định vị toàn cầu Beidou sẵn sàng cạnh tranh với GPS của Mỹ

VietTimes -- Ngày 27/12, Trung Quốc đã tuyên bố nước này sắp hoàn thành Hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou tương tự như Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ khi hai vệ tinh cuối cùng sẽ được phóng vào tháng 6/2020.
Ảnh: Gizchina
Ảnh: Gizchina

Chia sẻ với các phóng viên, Giám đốc dự án Ran Chengqi cho biết phần cốt lõi của hệ thống định vị đã được hoàn thành trong tháng này với việc phóng thêm các vệ tinh đưa tổng số vệ tinh hiện hoạt động lên 24. Con số này đã tăng lên rất nhiều lần so với 19 năm trước (thời điểm Beidou ra mắt lần đầu tiên) đưa Beidou trở thành một trong những dự án phức tạp nhất của Trung Quốc.

“Hiệu suất cao, hệ thống công nghệ mới, nội địa hóa cao, mạng lưới sản xuất hàng loạt, có khả năng tiếp cận nhiều người dùng”, đây là những đặc điểm quan trọng mà ông Ran mô tả về Beidou.

“Trước tháng 6 năm 2020, chúng tôi có kế hoạch phóng thêm hai vệ tinh vào quỹ đạo, hoàn thành hệ thống Beidou-3”, ông Ran nói.

Đây là lần trở lại thứ ba của dự án Beidou. Năm 2000, Trung Quốc phóng ba vệ tinh đầu tiên, cung cấp các dịch vụ điều hướng nhưng khá hạn chế và đã bị "khai tử" năm 2012. Các kế hoạch trong tương lai của Trung Quốc sẽ là một hệ thống Beidou thông minh hơn, dễ tiếp cận hơn vào năm 2035, theo ông Ran.

Ảnh: Gizchina
Hệ thống Beidou vào năm 2011 trong tương quan với GPS của Mỹ. Ảnh: Gizchina

“Là một cơ sở hạ tầng không gian chính của Trung Quốc, cung cấp các dịch vụ công cộng cho thế giới, hệ thống Beidou sẽ luôn tuân thủ các khái niệm phát triển của Trung Quốc, đem lại lợi ích cho nhân loại”, ông Ran tuyên bố trong buổi họp báo về Beidou.


Chương trình không gian của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực trong hai thập kỷ qua với khả năng công nghệ cao và độc lập. Thậm chí Bắc Kinh còn thống trị lĩnh vực xử lý dữ liệu 5G theo ưu tiên chính của chính phủ.

BeiDou là hệ thống định vị toàn cầu thứ tư trên thế giới, sau GPS (hoạt động từ 1993) của Mỹ, GLONASS (từ 2011) của Nga và Galileo (từ 2016) của Liên minh châu Âu (EU). Ngoài Trung Quốc, một quốc gia châu Á khác là Ấn Độ cũng đang phát triển một hệ thống định vị toàn cầu thay thế GPS. Dự án này được gọi là hệ thống NAVIC như là một phần của chương trình IRNSS với nhiều vệ tinh liên tục được phóng lên kể từ năm 2013. Ưu điểm của NAVIC là cung cấp vị trí có độ chính xác cao.

Theo ApNews