|
Tàu công vụ Nhật Bản và Trung Quốc quần nhau ở vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dwnews). |
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 9/3, khi các phóng viên hỏi xung quanh chính sách đối ngoại và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, phóng viên Nhật Bản hỏi về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện “Luật Hải cảnh” Trung Quốc bắt đầu thực thi từ ngày 1/2, cho rằng điều này đã khơi dậy tinh thần cảnh giác đối với Trung Quốc ở trong nước Nhật Bản. Ông Vương Nghị trả lời một cách mềm mỏng: “Đây chỉ là một hoạt động lập pháp thông thường trong nước, không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế. Trên thực tế, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, đã xây dựng và thực hiện các quy định tương tự từ lâu”.
Tuy nhiên, thực tế, ngay sau khi Trung Quốc ban hành “Luật Hải cảnh”, 4 tàu Hải cảnh Trung Quốc tới hoạt động trong vùng biển gần lãnh hải của Nhật Bản đã thu hút sự chú ý cao của Nhật Bản và đã xảy ra tình hình đối đầu giữa các tàu công vụ Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Nguyên nhân chủ yếu khiến Nhật Bản và thậm chí cả Mỹ rất lo ngại về “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc là luật quy định rõ ràng rằng các tàu Hải cảnh của Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực với tàu nước ngoài. Vậy sau khi Trung Quốc thực hiện “Luật Hải cảnh”, nó sẽ có tác động như thế nào đến quan hệ Trung - Nhật và cả quan hệ Trung - Mỹ, cũng như vấn đề địa chiến lược? Phóng viên đặc biệt của mạng Đa Chiều Lưu Hải Minh đã phỏng vấn các quan chức các cơ quan liên quan của Nhật Bản về chủ đề này.
|
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ ra mềm mỏng khi nói về "Luật Hải cảnh" của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Khoảng cách thực lực giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng rộng
Ngày 16/2, sau sự kiện đối đầu và quần nhau giữa 4 tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu của cảnh sát biển Nhật Bản tại vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chính phủ Nhật Bản cảm thấy rất bất an. Do Trung Quốc bắt đầu thực thi “Luật Hải cảnh” từ ngày 1/2, đây là cuộc đọ sức đầu tiên giữa các tàu công vụ trong vùng biển của quần đảo tranh chấp này sau khi thực hiện luật.
Sau khi vụ việc xảy ra, Cục trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản Takahiro Okujima nói với giới truyền thông rằng, trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép, Nhật tuân thủ các nguyên tắc pháp lý và không loại trừ việc sử dụng vũ lực.
Phóng viên đã phỏng vấn ông Masamitsu Yamada, quan chức phụ trách các vấn đề về Biển Hoa Đông của Cục cảnh sát biển Nhật Bản. Ông Yamada cho rằng hiện nay số lượng tàu và trang thiết bị của Cảnh sát biển Nhật Bản đều không thể so sánh được với Trung Quốc, Tàu Hải Cảnh 2502 của Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku ngày 16/2 hiện là một trong số các tàu Hải cảnh loại lớn nhất của Trung Quốc với trọng tải hơn 5.000 tấn và là loại tàu chống đâm va đa dụng.
|
Tàu 2502 của Hải cảnh Trung Quốc trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Sina). |
Ông Yamada giới thiệu, chiếc Hải Cảnh 2502 dài 128 m, rộng 16 m, tốc độ 22 hải lý/giờ, mũi tàu có bệ chứa vũ khí, có ít nhất hai vị trí đặt súng để lắp hạm pháo hoặc các loại vũ khí khác. Nó cũng được trang bị một phiên bản quân sự của radar tìm kiếm 360 độ đối hải đối không. Ngoài ra còn có một bãi đáp trực thăng phía sau thân tàu. Chi đội biển Hoa Đông của Hải cảnh Trung Quốc có hai tàu cùng loại mang số hiệu Hải Cảnh 2501 và Hải Cảnh 2502, có sức mạnh áp đảo sức chiến đấu của lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản.
Ông Yamada nói rằng Cảnh sát biển Nhật Bản đã “lực bất tòng tâm” trong việc đối phó với các tàu công vụ của Trung Quốc ở quần đảo Senkaku. “Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang mở rộng sức mạnh của lực lượng Hải cảnh, và khoảng cách sức mạnh giữa Cảnh sát biển Nhật Bản với Hải cảnh Trung Quốc sẽ ngày càng được nới rộng”.
Sách lược ứng phó đang dần thay đổi
Trước một Bắc Kinh ngày càng hùng mạnh, sách lược ứng phó của chính quyền Tokyo đối với các tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Điếu Ngư đang âm thầm thay đổi. Sau khi thực hiện quốc hữu hóa quần đảo Senkaku trong thời kỳ Đảng Dân chủ cầm quyền, chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ ở vào thế mạnh so với Bắc Kinh, vì vậy, Nhật Bản tỏ ra tự tin và áp chế trên cả phương diện chính trị và an ninh.
|
Tàu Hải cảnh Trung Quốc (phải) và tàu Cảnh sát biển Nhật quây nhau ở vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dwnews). |
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, trang bị và sức mạnh của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã được gia tăng mạnh mẽ, đầu tư của Bắc Kinh vào trang bị Hải cảnh đã tăng lên hàng năm. Tần suất và thời gian các tàu công vụ Trung Quốc đi vào vùng biển của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư liên tục tăng lên.
Trong thời kỳ chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe ở Nhật Bản, đã áp dụng một cách tiếp cận tương đối mềm mỏng với Trung Quốc; vì vậy hai nước đã hình thành một sự hiểu biết ngầm với nhau. Phía Trung Quốc tỏ ra kiềm chế nhất định trong việc cho tàu tới vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một khoảng thời gian tương đối bình lặng đã hình thành tại vùng biển của quần đảo này, Các tàu công vụ của hai bên đã duy trì một sự hiểu biết ngầm nhất định trong việc loại bỏ va chạm.
Tuy nhiên, với sự bùng phát toàn cầu của đại dịch COVID-19, việc trì hoãn vô thời hạn chuyến thăm Nhật Bản của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây ra một sự thay đổi cơ bản.
Ông Kenichi Kobayakawa, Cục phó Cục An ninh Châu Á và Châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết sau khi dịch bệnh bùng phát toàn cầu, một vòng đối đầu mới chống lại Trung Quốc đã nổ ra ở phương Tây. Cùng với các đồng minh có chung giá trị phương Tây, Nhật đã tiến hành kiềm chế Trung Quốc, nhưng sự ngăn chặn của Nhật Bản dường như tương đối ôn hòa so với các nước phương Tây.
|
Cục trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản Takahiro Okujima: Nhật không loại trừ việc sử dụng vũ lực trong khuôn khổ luật pháp quốc tế (Ảnh: JPC). |
Trước đại dịch, Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu tiếp cận nhau. Do chính sách cô lập của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, ý thức toàn cầu hóa của hai bên tương đối nhất quán. Tuy nhiên, tình hình này đã thay đổi hoàn toàn sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Khi sự ngờ vực và bất bình của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây đối với Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch ngày càng gia tăng, sự bất đồng và rạn nứt giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng bắt đầu gia tăng.
Điều này cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế và thương mại, vốn là nền tảng của quan hệ song phương. Mặc dù xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc vẫn mạnh trong hai tháng đầu năm 2021, nhưng điều này không che giấu các yếu tố rủi ro trong triển vọng thương mại song phương. Chính phủ Nhật Bản đang đẩy nhanh việc tổ chức lại chuỗi công nghiệp, một nhóm các công ty Nhật Bản cũng đang rời khỏi Trung Quốc.
Sách lược ứng phó với Trung Quốc của chính phủ Nhật Bản đang chuyển từ ưu tiên kinh tế và thương mại sang xem xét tổng hợp từ nhiều khía cạnh. Đúng như quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tanimura nói với các phóng viên: “Sự bất tín nhiệm của Nhật Bản đối với Trung Quốc gần đây đang gia tăng”. Chiến lược đối ngoại của Nhật Bản đang quay trở lại “quỹ đạo Mỹ”.
|
Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Nhật đã ấm lên (Ảnh: Reuters). |
Sóng xung kích của “Luật Hải cảnh” Trung Quốc
Vào thời điểm quan hệ Trung-Nhật xấu đi do nhiều yếu tố như dịch bệnh và "chiến tranh Lạnh mới" giữa Trung Quốc và Mỹ, “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc được thi hành ngày 1/2/2021 đã một lần nữa giáng đòn vào mối quan hệ giữa hai nước. Luật này cho phép các tàu của Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại các tàu nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, trong lãnh hải bao gồm cả các vùng biển tranh chấp.
Ông Masamitsu Yamada cho rằng động thái của Trung Quốc đã làm gia tăng đáng kể xác suất xảy ra các vụ nổ súng ở biển Hoa Đông giữa các tàu Cảnh sát biển Nhật Bản và Hải cảnh Trung Quốc. Ông nói rằng lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản sẵn sàng đáp trả "các hành động khiêu khích" từ phía Trung Quốc. Nhưng ông cũng nói rằng Nhật Bản không muốn có xung đột trực diện với Trung Quốc và hy vọng rằng các vấn đề hiện tại có thể được giải quyết một cách hòa bình.
Phân tích cho rằng “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc thực hiện tròn 1 tháng rõ ràng khiến Nhật Bản cảm thấy bị đe dọa và ớn lạnh. Mặc dù các quan chức Nhật Bản ở tất cả các cấp đều bày tỏ sẵn sàng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình vào những dịp khác nhau, nhưng đồng thời cũng đưa ra các phát biểu có tính kiềm chế khá cứng rắn đối với Trung Quốc.
Hành động của Nhật Bản đối với Trung Quốc vừa mềm vừa rắn
Đối với Bắc Kinh, trước sự cứng rắn ngày càng gia tăng của phương Tây trong thời kỳ đại dịch và môi trường ngoại giao ngày càng xấu đi và bị cô lập của họ trong cộng đồng quốc tế, “Luật Hải cảnh” được thực thi nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi của lãnh hải Trung Quốc và mang lại cho cơ quan cứng rắn nước này một cơ sở pháp lý; nó đồng thời là phản ứng trước hàng loạt thái độ cứng rắn của phương Tây đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Về điều này, Giáo sư Miyashita của Đại học Quốc tế Nagano của Nhật Bản cho biết trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên Đa Chiều rằng “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc sẽ trở thành “đá thử vàng” của liên minh Nhật-Mỹ. Trong thời kỳ chính quyền Donald Trump, quan hệ Mỹ - Nhật bị giá lạnh do chủ nghĩa biệt lập của Mỹ; nhưng sự xa cách này đã chấm dứt trong chính quyền Joe Biden, và Nhật Bản đã lại sa vào vòng tay của Mỹ.
Ông Miyashita cho rằng do những thăng trầm trong bốn năm qua, Tokyo đã cảm thấy lo ngại khi Washington liên tục thay đổi. Do đó, việc chính quyền Joe Biden sẽ đóng vai trò gì trong tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc, họ vẫn giữ thái độ thận trọng lắng nghe lời nói và xem việc làm của Mỹ.
Ông cho rằng việc thi hành “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra hiệu ứng sóng xung kích đối với quan hệ Nhật - Trung, lòng tin lẫn nhau giữa hai bên khó có thể thoát khỏi sa sút.
|
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện là điểm nóng trong quan hệ Nhật - Trung (Ảnh: Kyodo). |
Rủi ro an ninh chưa từng có ở Đông Á
Hiện tại, tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan và tình hình trên vùng biển quần đảo Điếu Ngư cũng đang leo thang, không gian nguy cơ an ninh mà Đông Á phải đối mặt đã gia tăng.
Ông Miyashita cho rằng nguyên nhân sâu xa của những căng thẳng hiện nay ở Đông Á là kết quả của việc phương Tây gia tăng mất lòng tin vào Trung Quốc trong thời kỳ dịch bệnh và gia tăng ép buộc chiến lược đối với Trung Quốc.
Ông cho rằng Trung Quốc buộc phải chống trả khi vấp phải sự áp chế chiến lược của phương Tây. Mặc dù nhiều dư luận cho rằng Trung Quốc trong những năm gần đây đã bành trướng có chiến lược và đầy tham vọng trên trường quốc tế, nhưng do những ràng buộc của nhiều yếu tố tự thân Trung Quốc, nên sự bành trướng chiến lược của họ cũng có giới hạn.
Ông cũng cho rằng, ngược lại, sự áp chế chiến lược tập thể hiện nay của phương Tây đối với Trung Quốc chưa đặt ra giới hạn. Trung Quốc đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh chưa từng có từ nam sang bắc và đông sang tây. Bắc Kinh đang cảm thấy ớn lạnh vì sự cô lập chưa từng có. Đặc biệt, phương Tây vẫn tỏ ra hào hứng với quan điểm cho rằng SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, khiến các chính trị gia ở một số nước phương Tây áp dụng những phương thức tấn công chưa từng có khi hoạch định chính sách đối với Trung Quốc.
Ông nói, cuộc đối đầu hiện nay trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc chỉ là một điểm phản ứng nhỏ trong việc áp chế về mặt chiến lược của phương Tây đối với Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch. Phương Tây cần xem xét cảm xúc của Trung Quốc, cho dù những hành động trước đây của Trung Quốc quả thật khá hung hăng.
Phân tích cho rằng cục diện ở Đông Á, trong đó có quan hệ Trung-Nhật, đã trở thành một nhân tố quan trọng làm tăng nguy cơ xung đột khu vực trong bối cảnh chính quyền Joe Biden gần đây đang tăng cường can thiệp vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ Trung – Nhật bắt đầu xa cách cũng trở thành nhân tố quan trọng khiến nguy cơ xung đột khu vực tăng lên. Tuy nhiên, trong tình hình các quốc gia đang đối mặt với tình thế khốn đốn đại dịch, bất kỳ động thái quá khích nào trong lĩnh vực an ninh đều sẽ là lựa chọn bất lợi cho tất cả các bên.