|
Một nhân viên của Mushiny kiểm tra một robot di động tự động tại một nhà kho ở Australia. Ảnh China Daily. |
Tại trung tâm hậu cần thuộc một tập đoàn chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc, robot di động tự động mang kệ và thùng chứa ra khỏi nhà kho, một nhiệm vụ trước đây yêu cầu công nhân phải thực hiện khoảng 30.000 bước mỗi ngày.
Các robot trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty AI Megvii của Trung Quốc phát triển, đã giúp trung tâm hậu cần này giảm bớt khó khăn và chi phí lao động, nâng cao hiệu quả công việc và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi từ tự động hóa sang trí tuệ nhân tạo.
Theo phát ngôn viên Trung tâm Đổi mới Công nghệ Thông minh Xiangjiang, Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc hiện đang là địa bàn thử nghiệm các loại phương tiện thông minh, bao gồm cả xe buýt tự lái chạy trên tuyến đường trình diễn công nghệ xe buýt thông minh đầu tiên trên đường giao thông thông thường của Trung Quốc.
Tuyến xe buýt thông minh do Xiangjiang New Area xây dựng và phát triển dài 7,8 km và có 22 điểm dừng ở cả hai chiều. Nhưng ghế lái không để trống mà có "nhân viên lái xe an toàn" giữ vị trí.
|
Thử nghiệm xe buýt tự lái ở Trung Quốc. Video Walkabout Rojo |
He Jiancheng, một trong những lái xe “nhân viên an toàn” cho biết, chân ga, phanh, vô lăng và cần số của những chiếc xe buýt tự lái này đều được quản lý bằng máy tính, cho phép "người lái" theo dõi tốt hơn các sự kiện trong quá trình thử nghiệm thử. Ông nói: “Nhiệm vụ chính của tôi là đối phó với mọi tình huống khó lường mà phương tiện có thể gặp phải.”
Để thúc đẩy sự phát triển của những ứng dụng AI và tăng trưởng kinh tế, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc gần đây công bố 10 kịch bản ứng dụng trình diễn thử nghiệm AI đầu tiên, bao gồm trang trại thông minh, nhà máy thông minh và lái xe tự động.
Ren Aiguang, một quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cho biết: “Công nghệ AI phải được kết hợp với những kịch bản ứng dụng nếu muốn phát huy được vai trò lớn nhất trong đời sống. Lợi thế của Trung Quốc trong phát triển AI nằm ở các kịch bản ứng dụng phong phú được tạo ra trong quá trình nâng cấp thông minh hóa nền kinh tế thực tế."
Tại Hội nghị Robot Quốc tế 2022, các doanh nghiệp Trung Quốc đã giới thiệu hơn 500 bộ robot thông minh, được triển khai trong các kịch bản ứng dụng mô phỏng cho các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm robot mô phỏng sinh học tiên tiến, robot y tế và robot nông nghiệp.
Những loại robot như robot tiếp nhiên liệu thông minh và cá heo không vây sinh học, phát triển trên cơ sở công nghệ hàng không đã thu hút nhiều sự chú ý. Ví dụ, các robot tiếp nhiên liệu thông minh có thể được triển khai tại các trạm xăng hoàn toàn tự động.
Fu Yingbo, chủ tịch Megvii, cho biết: "Đẩy mạnh đưa những công nghệ tiên tiến vào các kịch bản ứng dụng thực tế là động lực chính để thúc đẩy công nghệ AI và phát triển công nghiệp. Những đổi mới, được đưa vào kịch bản sử dụng AI trong các ngành công nghiệp quan trọng sẽ thúc đẩy sự tích hợp sâu rộng giữa AI và nền kinh tế thực, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững, chất lượng cao của Trung Quốc".
Theo China Daily