|
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân, trong bối cảnh còn nhiều quan ngại về sự an toàn của mô hình này (Ảnh: CNN) |
Đó là tình cảnh từng diễn ra ở Trung Quốc chỉ vài ngày sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản, khi mà người dân ở nhiều thành phố và sinh sống ở dọc đường bờ biển phía Đông nước này đổ đi mua lượng lớn muối i-ốt với niềm tin rằng chúng sẽ giúp họ tránh nhiễm phóng xạ.
Thảm họa xảy ra năm 2011 - thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất diễn ra trong vòng 25 năm -lúc bấy giờ đã dập tắt các kế hoạch phát triển hạt nhân đầy tham vọng của Trung Quốc. Nó khiến cho chính quyền Bắc Kinh phải ra sức trấn an người dân rằng họ không chịu rủi ro trước một thảm họa tương tự, đồng thời công bố một biên bản ghi nhớ về việc hạn chế xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.
Nhưng lệnh cấm đó đã được gỡ bỏ trong năm nay. Giờ Trung Quốc đang dần tăng tốc xây mới các nhà máy điện hạt nhân. Trong bối cảnh hàng chục nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng, Trung Quốc có thể vượt Pháp để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân đứng thứ 2 trên toàn thế giới chỉ trong vòng 2 năm. Và nếu tiếp tục theo đuổi kế hoạch tham vọng này, họ còn có thể chiếm ngôi vị số 1 của Mỹ vào năm 2030.
Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động công nghiệp. Và lượng tiêu thụ này sẽ chỉ tăng thêm, khi mà người dân Trung Quốc được dự báo sẽ sử dụng mức năng lượng tăng gần gấp đôi vào năm 2040 - theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Ở thời điểm hiện tại, khoảng 60% năng lượng điện ở Trung Quốc sản sinh nhờ than đá. Bởi vậy, Trung Quốc đang chi mạnh tay để phát triển năng lượng hạt nhân và khí đốt, cùng năng lượng tái sinh.
|
Các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành (đỏ), đang được xây dựng (xanh) và đã lên kế hoạch xây dựng ở Trung Quốc (Ảnh: CNN)
|
Tuy nhiên, tham vọng phát triển năng lượng hạt nhân ở Trung Quốc cũng mang tới rất nhiều thách thức cho nước này.
Các bản nghiên cứu cùng các cuộc phản đối xây mới các nhà máy điện hạt nhân đã chỉ ra rằng người dân Trung Quốc không mấy hứng thú về năng lượng hạt nhân như giới lãnh đạo nước này. Chỉ riêng rủi ro xảy ra một thảm họa hạt nhân ở quốc gia đông dân nhất thế giới đã đủ khiến người dân nước này lo sợ, đó là còn chưa kể ảnh hưởng tới kinh tế và môi trường. Dù ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc từ trước đến nay có lịch sử an toàn, nhưng nhiều người vẫn lo ngại rằng nàn tham nhũng cùng các vấn đề cung ứng có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực đó.
Hạt nhân giờ cũng không được coi là giải pháp năng lượng sạch đầy cuốn hút như đã từng. Trong những năm nối tiếp thảm họa hạt nhân ở Fukushima, các nguồn năng lượng tái sinh như điện mặt trời hay điện gió đã giảm giá mạnh một phần nhờ vào các khoản đầu tư mạnh tay của Trung Quốc - cùng các tiêu chuẩn an toàn mới khiến giá điện hạt nhân tăng cao.
"Trong một khoảng thời gian dài, Trung Quốc căn bản là trợ giá cho ngành công nghiệp hạt nhân, và giờ họ đang cố gắng thả nổi nó trên thị trường" - Miles Pomper, chuyên gia năng lượng hạt nhân thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến hạt nhân James Martin, nhận định - "Và khi làm vậy, thường thì nó không thể vượt qua thử thách thị trường, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với điện gió hay các nguồn năng lượng khác".
Hoảng loạn sau thảm họa
|
Người dân ở thành phố Lan Châu, Cam Túc, Trung Quốc tranh nhau mua muối i-ốt chỉ vài ngày sau thảm họa hạt nhân Fukushima (Ảnh: Chinasmack)
|
Thảm họa Fukushima từng là một hồi chuông cảnh báo đáng sợ đối với tất cả các quốc gia có đặt nhà máy điện hạt nhân dọc bờ biển. Nó làm dấy lên nhiều quan ngại rằng các nhà máy khác cũng có thể đối mặt với sóng thần hay các điều kiện thời tiết cực đoan khác.
Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất cường độ 9,0 độ Richter đã làm rung chuyển nước Nhật. Nó tiêu hủy nhiều nhà cửa, sinh ra đợt sóng thần cao tới 40 m, hủy diệt vùng bờ biển phía Đông nước này.
Chỉ trong vòng 50 phút trong trận động đất đầu tiên, đợt sóng thần đầu tiên đã ập vào bức tường chắn sóng cao 10 m của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Các máy phát điện khẩn cấp của nhà máy bị ngập trong nước, khiến các hệ thống làm mát quan trọng ngừng hoạt động và làm cho các lõi nhiên liệu phản ứng bắt đầu tan chảy, rò rỉ các chất phóng xạ chết người ra khu vực lân cận.
Đó là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau sự kiện Chernobyl năm 1986. Hơn 300.0000 người đã được sơ tán khỏi khu vực xung quanh nhà máy Fukushima, rất nhiều người không bao giờ có thể trở về nhà của họ nữa. Các chiến dịch tẩy rửa, ước tính chi phí lên tới 50 tỷ USD, đến nay vẫn đang tiếp diễn.
Thảm họa này còn phá vỡ cam kết theo đuổi con đường phát triển điện hạt nhân lâu dài của Nhật và khiến chính phủ nước này phải công bố bản ghi nhớ 4 năm về hạn chế sản xuất năng lượng hạt nhân.
Cú sốc do thay đổi đột biến trong chính sách năng lượng hạt nhân của Nhật cũng lan tới Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã phải tạm ngừng phê chuẩn các dự án điện hạt nhân và chỉ thị kiểm tra toàn bộ các cơ sở đang hoạt động. Các quy định mới được thông qua, trong đó có Tầm nhìn về Ô nhiễm phóng xạ và An toàn hạt nhân 2020 - đặt ra các tiêu chuẩn an toàn và mục tiêu kiểm tra, cùng một Đạo luật an toàn hạt nhân có hiệu lực từ năm ngoái.
Đặc biệt, theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), các nguồn cung năng lượng mới và máy bơm nước mới đã được cấp cho tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc để ngăn chặn tình trạng lũ lụt và mất điện, như từng xảy ra ở Fukushima. Các giao thức phản ứng khẩn cấp mới cũng được áp dụng.
Ảnh hưởng từ thảm họa Fukushima đối với ngành công nghiệp hạt nhân ở Trung Quốc là rất phức tạp. Một số nguồn tin không chính thức chỉ ra rằng Trung Quốc có thể sở hữu trên 400 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2050, nhưng sau sự kiện đó đã cắt giảm tới một nửa - theo Mark Hibbs, chuyên gia phân tích tại Viện Carnegie Endowment và là tác giả cuốn sách "Vì sao thảm họa Fukushima có thể ngăn chặn được".
Thất bại của Nhật Bản, "một trong những cường quốc hạt nhân có trang thiết bị công nghệ và kinh nghiệm dày dạn bậc nhất thế giới, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi nghiêm túc về việc liệu Trung Quốc có dễ bị tổn thương bởi một tai nạn tương tự hay không" - ông Hibbs viết trong bản báo cáo về ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc hồi năm ngoái.
Quan ngại về an toàn hạt nhân
|
Phải mất hàng thập kỷ nữa người ta mới có thể tẩy rửa hết ô nhiễm phóng xạ ở Fukushima (Ảnh: Getty)
|
Bất chấp các nỗ lực trấn an dư luận sau sự kiện ở Fukushima, và dù có hẳn một bản ghi nhớ hạn chế phát triển hạt nhân cùng các tiêu chuẩn an toàn mới....nỗi quan ngại của người dân vẫn còn đó.
Một bản nghiên cứu mà chính phủ Trung Quốc công bố hồi tháng 8/2017 cho thấy "chỉ 40% người dân ủng hộ phát triển điện hạt nhân ở Trung Quốc" - theo Học viện Kỹ thuật Trung Quốc. Sự kiện Fukushima "đã ảnh hưởng tới dư luận, và họ nhạy cảm hơn với các dự án phát triển năng lượng hạt nhân, phản đối các dự án đó, đặc biệt nếu chúng ở gần nhà họ".
Nhiều kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải hạt nhân ở tỉnh Giang Tô đã dẫn tới các cuộc biểu tình của người dân và cuối cùng dự án này bị hủy vào tháng 8/2016 - theo giới truyền thông Trung Quốc.
Ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với nỗi lo của người dân về sự an toàn - mà trong đó nhiều công ty cho rằng đã bị thổi phồng. Họ cho rằng các sự kiện nổi tiếng - như Fukushima, Chernobyl hay sự cố Three Mile Island - chỉ là những sự kiện ngoại lệ, không phản ánh được toàn cục.
Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) cho rằng "trong số hơn 17.000 năm phản ứng tích lũy của các nhà máy điện hạt nhân thương mại vận hành ở 33 quốc gia", chỉ có 3 sự vụ tai nạn xảy ra.
"Bằng chứng thu thập suốt 6 thập kỷ qua cho thấy điện hạt nhân là biện pháp sinh sản điện năng an toàn" - theo WNA - "Rủi ro xảy ra tai nạn trong các nhà máy điện hạt nhân là rất thấp và còn đang giảm dần".
WNA ước tính rằng khoảng 11% điện năng trên toàn thế giới được sản sinh từ 450 lò phản ứng hạt nhân. Khoảng 60 lò phản ứng khác đang được xây dựng trên khắp thế giới. Đặc biệt, Trung Quốc đã vận hành các lò phản ứng hạt nhân suốt 3 thập kỷ mà chưa từng để xảy ra vụ tai nạn lớn nào.
Theo ông Xue Xiaogang - Giám đốc Viện Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc - mức độ an toàn ở các nhà máy điện hạt nhân nước này hiện đang cao nhất trên thế giới. "Gần như không có khả năng nào mà một sự kiện kiểu như Fukushima có thể xảy ra ở Trung Quốc" - ông Xue nói trên kênh truyền hình nhà nước CGTN hồi tháng 5 năm nay.
Thế nhưng trước sự thành công của mini-seri phum truyền hình "Chernobyl" vừa qua, người dân nước này vẫn chưa hết lo sợ về khả năng xảy ra các thảm họa hạt nhân cùng những ảnh hưởng kéo dải của nó suốt nhiều thập kỷ sau.
Dù cho cả sự kiện Chernobyl và Fukushima được đánh giá cấp độ 7 trên thang điểm quốc tế về thảm họa hạt nhân, nhưng mức độ phóng xạ phát sinh từ sự kiện đầu tiên lại lớn hơn nhiều do nhà máy Chernobyl phát nổ, sinh ra lượng lớn mảnh vỡ và khói bụi, khiến ô nhiễm phóng xạ lan khắp châu Âu.
"Đến nay vẫn chưa có một tai nạn lớn nào xảy ra ở Trung Quốc" - chuyên gia hạt nhân Pomper nói - "Nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều sự ngờ vực và quan ngại, bởi nhiều người chứng kiến các vụ bê bối an toàn ở các lĩnh vực công nghiệp khác ở Trung Quốc".
Ảnh hưởng kéo dài hàng trăm năm
|
Công nhân làm việc tại một nhà máy điện hạt nhân ở Quảng An, Tứ Xuyên, Trung Quốc (Ảnh: CNN)
|
Có lẽ, hạt nhân là ngành công nghiệp duy nhất trên thế giới mà chỉ cần xảy ra tai nạn ở một nhà máy hay một quốc gia là có thể tạo nên ảnh hưởng lan rộng trên toàn cầu.
Trong khi, thực tế là con số người chết do việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, khiến nhiều người chết hơn và gây ra ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến hơn 4 triệu người chết mỗi năm - theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - nhưng mãi gần đây thế giới mới bắt đầu chuyển dịch dần sang các loại nguyên liệu mới thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Có nhiều nguyên nhân khiến các thảm họa hạt nhân trở thành thứ rủi ro mà ít người dám chấp nhận. Như trong sự kiện Chernobyl, khu vực cách ly của nhà máy này bị ô nhiễm phóng xạ trong ít nhất 300 năm; trong khi sẽ phải mất nhiều thập kỷ để nhà máy điện Fukushima tẩy rửa hết ô nhiễm phóng xạ, trong khi hàng chục nghìn người dân vẫn không thể trở về nhà.
Sau thảm họa Fukushima, một khu vực cách ly ban đầu mở rộng tới 20 km xung quanh nhà máy điện đã được thành lập, nhưng sau đó được mở rộng thành 30 km, dù một số chuyên gia cho rằng khoảng cách an toàn nhất phải lên tới 80 km.
Ở các khu vực tập trung đông dân cư ở phía Đông hay phía Nam Trung Quốc, nơi đặt rất nhiều lò phản ứng hạt nhân, thì khu vực cách ly như vậy có thể gây ảnh hưởng tới lượng lớn cư dân.
Ví dụ như khu cách ly bán kính 20 km xung quanh nhà máy hạt nhân trên vịnh Daya ở miền Nam Trung Quốc, sẽ phải bao trùm phần lớn các khu vực xung quanh như Bình Sơn và Huệ Dương, ảnh hưởng tới khoảng 1 triệu người dân. Nếu mở rộng khu vực cách ly này còn có thể ảnh hưởng tới cả Thâm Quyến và Hong Kong, với số người chịu ảnh hưởng lên tới 20 triệu người.
Giải pháp cho khủng hoảng môi trường?
|
Hai cậu bé xem điện thoại di động gần một nhà máy điện than ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: CNN)
|
Những người trong ngành công nghiệp điện hạt nhân - cả ở trong và ngoài Trung Quốc - cho rằng các mối quan ngại như trên đã bị thổi phồng, nếu không muốn nói là reo rắc nỗi sợ hãi. Họ chỉ ra lịch sử an toàn hạt nhân ở Trung Quốc cùng hàng loạt các giao thức an toàn mới, các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt trong những năm sau sự kiện Fukushima.
Họ cũng nêu bật về thứ mà họ cho sẽ là vật cản lớn đối với việc phát triển điện hạt nhân: Khí hậu.
Tính đến năm 2030, theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, ít nhất 20% lượng năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc sẽ đến từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch. Mức đóng góp điện năng của các nhà máy hạt nhân sẽ tăng trưởng từ 2% lên gần 10%.
"Kẻ thua cuộc" lớn nhất trong quá trình chuyển đổi này chính là than đá. Là nguồn năng lượng chủ yếu của Trung Quốc, than đá đã tạo nên sức mạnh thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế của nước này trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng giờ lại bị coi như một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người.
Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành nhà phát khí thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, và nhiều thành phố của nước này đang chịu mức khói bụi kinh hoàng mà một phần lớn là do các nhà máy đốt than cũ kỹ. Than đá cũng gây thách thức về vấn đề vận chuyển, khi mà một nửa khả năng vận hành ngành đường sắt của Trung Quốc sử dụng để vận chuyển than đá - theo WNA.
Để so sánh, các nhà máy điện hạt nhân gần như không sản sinh ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhờ lượng uranium hay nguồn nhiên liệu khác thay vì hàng nghìn tấn than, chi phí vận chuyển cũng ít đi, và các lò phản ứng hạt nhân có thể được xây dựng gần nơi cần đến nó nhất, tiết kiệm được chi phí truyền tải điện năng.
Đương nhiên, các nguồn năng lượng tái sinh khác như điện gió hay điện mặt trời cũng có những lợi ích tương tự. Trung Quốc hiện đang đầu tư mạnh tay cho cả 2 nguồn năng lượng trên, và chúng đang trên đường trở thành các nguồn năng lượng chính của đất nước này vào năm 2030, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Những người trong ngành công nghiệp điện hạt nhân thì tranh luận rằng năng lượng nguyên tử đáng tin cậy hơn, và nó sẽ không bị gián đoạn do các yếu tố thời tiết như năng lượng gió hay điện mặt trời.
Tuy nhiên, trong những năm nối tiếp thảm họa Fukushima, các nguồn năng lượng tái sinh ngày càng nhận được sự ủng hộ và giá cả của chúng liên tục giảm. Ở Mỹ, nguồn năng lượng tái sinh, mà dẫn đầu là điện gió và điện mặt trời, được xem là ngành năng lượng phát triển nhanh nhất trong vòng 2 năm qua.
Trong khi đó, các cuộc kiểm tra dày đặc cùng với nhiều quy định mới đặt ra đã khiến cho chi phí xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tăng cao.
Dù vậy thì năng lượng hạt nhân vẫn là một phần quan trọng trong kế hoạch 5 năm hiện tại của Trung Quốc. Đến năm sau, khi mà kế hoạch này kết thúc, giới chức nước này sẽ lại cân nhắc xem liệu có nên tiếp tục ưu tiên điện hạt nhân hay không. Bắc Kinh có thể quyết định rằng một nền kinh tế dựa vào năng lượng hạt nhân - cùng với các rủi ro nó mang tới - không còn hợp thời trong một thế giới đang thiên về các nguồn năng lượng tái sinh giá rẻ và đáng tin cậy hơn.
(Theo CNN)