Trung Quốc đang trở thành siêu cường dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỹ từng là quốc gia thống trị dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới hồi năm 2001, nhưng trật tự thông tin thế giới đang nhanh chóng thay đổi.

Mỹ được coi là thánh địa của các hãng công nghệ và người dùng đam mê công nghệ, cũng là nơi chiếm nhiều lưu lượng dữ liệu nhất thế giới những ngày đầu bùng nổ Internet, hồi đầu những năm 2000. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi Trung Quốc dẫn đầu thế giới với 23% lưu lượng dữ liệu xuyên biên giới, gần gấp đôi mức 12% của Mỹ ở vị trí thứ hai.

Khoảng cách dẫn trước có thể mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc khi mạng Internet toàn cầu có nguy cơ tan rã thành "splinternet" - những mạng lưới thông tin được phân cách bởi biên giới quốc gia.

Khách tham quan xem mẫu laptop do Huawei chế tạo ở một triển lãm tại Bắc Kinh. Ảnh: AP.
Khách tham quan xem mẫu laptop do Huawei chế tạo ở một triển lãm tại Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Khảo sát về lưu lượng dữ liệu xuyên biên giới dựa trên thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và công ty nghiên cứu TeleGeography cho thấy dòng dữ liệu của Trung Quốc trong năm 2019 vượt xa những nước khác.

Động lực đến từ kết nối giữa Trung Quốc với những nước châu Á. Mỹ từng chiếm 45% lưu lượng đến và đi từ Trung Quốc trong năm 2001, nhưng con số này tụt xuống chỉ còn 25% hồi năm ngoái. Các nước châu Á chiếm hơn một nửa lưu lượng dữ liệu của Trung Quốc, trong đó khoảng 15% từ Singapore.

Bắc Kinh cũng tận dụng sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để khuyến khích các tập đoàn tư nhân như Alibaba và Tencent mở rộng ra nước ngoài. Nền tảng thanh toán di động Alipay của Ant Group, công ty con trực thuộc Alibaba, đã xuất hiện ở 55 quốc gia và có khoảng 1,3 tỷ người sử dụng.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong năm 2014 và liên tục tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong những năm sau đó.

Điều này có nghĩa là gì?

Việc trở thành siêu cường dữ liệu toàn cầu sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát nguồn lực khổng lồ, gần như vô giá với năng lực cạnh tranh kinh tế trong tương lai. Dữ liệu từ nước ngoài có thể mang đến lợi thế trong phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin.

Trung Quốc cũng có thể trở thành nước hưởng nhiều lợi ích nhất từ mạng Internet phân rã.

Tổng thống Mỹ Donald Trump năm nay ký sắc lệnh cấm ứng dụng nhắn tin WeChat vốn được hàng triệu người Mỹ sử dụng hàng ngày. Đây chỉ là một trong những nỗ lực của Mỹ nhằm chặn các ứng dụng của Trung Quốc và loại nước này khỏi cơ sở hạng tầng mạng. Tuy nhiên, nỗ lực của Washington nhằm kéo các đồng minh vào mặt trận đối phó Bắc Kinh dường như không có hiệu quả.

Tòa Tư pháp châu Âu hồi tháng 7 bác thỏa thuận về quyền riêng tư dữ liệu được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đàm phán, cho rằng phía Mỹ không đáp ứng đủ yêu cầu về bảo hộ dữ liệu cá nhân. Tòa án châu Âu chỉ ra vấn đề khi Mỹ thăm dò các công dân nước ngoài để giám sát nguy cơ khủng bố tiềm tàng, điều mà chính Washington bày tỏ lo ngại khi đề cập đến hoạt động của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sau đó tỏ ra "thất vọng sâu sắc" với phán quyết của tòa.

Gián đoạn dòng chảy dữ liệu cũng ảnh hưởng tới khả năng chia sẻ kiến thức qua mạng Internet. Ví dụ cụ thể là hơn 50 triệu lập trình viên trên thế giới đang dùng nền tảng GitHub để hợp tác trong lĩnh vực lập trình, sáng tạo ra hàng loạt tiến bộ công nghệ. Nhưng các kỹ sư Trung Quốc đang bắt đầu chuyển sang sử dụng nền tảng nội bộ riêng rẽ.

Một số người dùng cũng chuyển sang hệ thống Gitee của Trung Quốc vì lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung có thể cản trở khả năng tiếp cận GitHub, vốn do Microsoft sở hữu. "Gitee có thể phát triển lớn hơn nữa với sự giúp đỡ từ các công ty trong nước", một kỹ sư Trung Quốc 28 tuổi cho hay.

Mạng Internet phân tách đồng nghĩa với việc nước nào thu thập được lượng lớn dữ liệu trong lãnh thổ của mình sẽ nắm lợi thế phát triển AI và nhiều công nghệ khác. Trung Quốc hưởng lợi rõ ràng nhất với hơn 900 triệu người dùng Internet.

Có dấu hiệu cho thấy dân cư đang trở thành động lực chủ chốt trong phát triển kinh tế và công nghệ. Trung Quốc chiếm 26,5% trong số 10% tài liệu về AI được trích dẫn nhiều nhất thế giới trong năm 2018, gần tiếp cận mức 29% của Mỹ, theo nghiên cứu của Viện Allen về AI. Các chuyên viên của Viện Allen dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành nước dẫn đầu ngành AI trong vài năm tới.

Sự phân tách Internet cũng ảnh hưởng tới khả năng phối hợp toàn cầu trong những vấn đề lớn, như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội.

Chính phủ Trung Quốc thường tránh can thiệp quá sâu vào ngành công nghệ trong nước, nhưng đã hành động cứng rắn khi ngăn chặn đợt mở bán công khai đầu tiên của Ant Group. Điều này khiến nhiều quốc gia thất vọng, trong đó có Nhật Bản, khi nước này đang thúc đẩy sáng kiến "lưu thông dữ liệu tự do tin cậy" (DFFT) do cựu Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất.

"Chữ T (tin cậy) trong DFFT đã biến mất", một quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho hay, đề cập việc Ấn Độ và nhiều quốc gia cũng đang từ bỏ sáng kiến này.

Theo VnExpress