Trung Quốc đang làm xói mòn niềm tin an ninh khu vực

Các động thái của Trung Quốc đã và đang làm xói mòn niềm tin vào cấu trúc an ninh của khu vực, vốn giúp tạo sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Á và hành xử của Bắc Kinh hiện nay đã “vượt ra ngoài” các chuẩn mực quốc tế.
Các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 14. Ảnh: IISS
Các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 14. Ảnh: IISS

Sáng 30/5, Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 14, diễn ra ở Singapore, đã bắt đầu phiên họp chính thức đầu tiên, với ba chủ đề chính được tập trung thảo luận gồm: “Mỹ và những thách thức với khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, “Các hình thức hợp tác an ninh mới ở châu Á” và “Ngăn ngừa leo thang xung đột”. Phát biểu trước các quan chức quốc phòng tham dự Hội nghị, cả Nhật Bản và Mỹ đều lên án việc xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông của Trung Quốc đang phá hoại an ninh châu Á – Thái Bình Dương. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thừa nhận có một số nước xây dựng tiền đồn ở các vùng tranh chấp nhưng đồng thời nhấn mạnh các hoạt động của Trung Quốc diễn ra với quy mô và tốc độ khủng khiếp nhất, khiến dư luận không lường trước được các ý đồ tương lai của họ. Bộ trưởng Carter nêu rõ rằng, hoạt động cải tạo đất của Bắc Kinh ở Biển Đông là đi lệch với các quy tắc quốc tế và việc biến các bãi đá chìm thành sân bay sẽ không giúp Trung Quốc mở rộng lãnh thổ chủ quyền của họ.

Ông Carter nói: “Biến một bãi đá ngầm thành một sân bay đơn giản là không thể đem lại quyền chủ quyền hay cho phép hạn chế quyền của người khác đi lại trên vùng biển quốc tế và không phận quốc tế”. Bày tỏ lo ngại động thái của Trung Quốc sẽ làm tăng “nguy cơ tính toán nhầm và làm nổ ra xung đột” và cho rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là vô lý, ông Carter tuyên bố các lực lượng của Mỹ, nếu được lệnh, sẽ sẵn sàng “chiến đấu để bảo vệ các quyền lợi của Washington trong vùng biển châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn”.

Bên cạnh đó, ông Carter nhấn mạnh Mỹ phản đối các nỗ lực “quân sự hóa thêm” các đảo tranh chấp, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh “ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn” các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các động thái nói trên của Trung Quốc đã và đang làm xói mòn niềm tin vào cấu trúc an ninh của khu vực, vốn giúp tạo sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Á và cách hành xử của Bắc Kinh trong khu vực hiện nay đã “vượt ra ngoài” các chuẩn mực quốc tế.

Phản ứng trước quan điểm của Mỹ, một đại diện của phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 – Đại tá Zhao Xiaozhuo đến từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc ngụy biện rằng: “Tự do hàng hải ở Biển Đông không phải là vấn đề vì quyền tự do này chưa bao giờ bị ảnh hưởng”. Ông Zhao Xiaozhuo thêm rằng: “Thật sai lầm khi chỉ trích Trung Quốc làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực vì các hoạt động xây dựng này”.

Chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani bày tỏ mối quan ngại của Tokyo cũng như các nước trong khu vực trước những hành động xây dựng với tốc độ nhanh chóng và quy mô lớn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ông Nakatani cho rằng, với hành động này, Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và cảnh báo nguy cơ sẽ đẩy khu vực vào hỗn loạn. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng nhấn mạnh Trung Quốc cần hành xử như một cường quốc có trách nhiệm, đồng thời kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần hợp tác với nhau trên cơ sở bình đẳng mà không gây sức ép để đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực cho các thế hệ tương lai.

Ông tuyên bố: “Nếu chúng ta để mặc mọi tình huống phi pháp, trật tự sẽ sớm bị đảo lộn, hòa bình và ổn định sẽ sụp đổ. Tôi hy vọng và trông đợi tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, hành xử như một cường quốc có trách nhiệm”. Tuy nhiên, theo ông Nakatani, thách thức an ninh sẽ không bao giờ được giải quyết hoặc biến mất nếu như không có sự giám sát của cộng đồng quốc tế, dẫn đến trật tự sẽ bị rối loạn và hòa bình, ổn định sẽ bị phá vỡ. Nhật Bản yêu cầu các quốc gia thực hiện các hành động dựa trên luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc ép buộc các nước khác theo yêu cầu của mình, đồng thời phải tìm cách giải quyết các tranh chấp dựa trên các biện pháp hòa bình.

Trên cơ sở đó, ông Nakatani đã đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La” gồm ba giải pháp nhằm tăng cường an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, gồm: hoàn thiện các quy tắc chung và pháp luật trên biển trong khu vực nhằm thúc đẩy việc đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy các cuộc tập trận chung và xem xét những biện pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến tàu ngầm.

Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tối 29/5, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do hàng hải với tuyến đường vận tải biển quan trọng đi qua Biển Đông hiện nay, đồng thời cảnh báo căng thẳng tiếp diễn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ dẫn đến hệ quả xấu. Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thúc đẩy ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sớm nhất có thể để phá vỡ vòng luẩn quẩn hiện nay và không để tranh chấp làm hỏng mối quan hệ lớn hơn.

Thủ tướng Singapore khẳng định kết quả tốt nhất là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Theo ông, trong dài hạn, trật tự khu vực ổn định không thể được duy trì chỉ bởi một siêu cường duy nhất, mà đòi hỏi phải được cộng đồng quốc tế nhất trí và công nhận.

Theo: Công an Nhân dân