Siêu dây chuyền
Theo trang tin khoa học kỹ thuật Nextbigfuture Mỹ ngày 3/4, phần lớn các nước phương Tây chỉ có thể chế tạo được một chiếc tàu ngầm hạt nhân/lần, chỉ có Mỹ có khả năng đồng thời khởi công chế tạo 2 tàu ngầm.
Trung Quốc hiện có 3 dây chuyền sản xuất tàu ngầm hạt nhân (bao gồm nhà máy đóng tàu Bột Hải), có thể chế tạo 5 - 6 tàu ngầm/lần, hiện đã có khả năng đồng thời khởi công chế tạo 4 chiếc, tức là Trung Quốc có thể chế tạo 10 - 12 tàu ngầm hạt nhân trong vòng 3 năm.
Hiện nay, Trung Quốc sở hữu ít nhất 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094/094A và 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093/093A. Dự đoán, Trung Quốc sẽ chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ thứ ba Type 096 và tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095.
Tàu ngầm hạt nhân mới sẽ sử dụng công nghệ mô đun hóa để chế tạo, dự tính sản lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong vòng 2 - 3 năm. Trong đó, hiện nay Trung Quốc vẫn chưa công bố thông số tính năng tàu ngầm Type 096 đang phát triển.
Theo chuyên gia, thân tàu ngầm Type 096 được thiết kế tương đối giống với tàu ngầm hạt nhân chiến lược của phương Tây, có thể mang theo 24 quả tên lửa hạt nhân. Đến tháng 1/2017, tàu ngầm Type 096 vẫn chưa được đưa vào hoạt động.
Type 095 là tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ ba của Trung Quốc, dự tính sẽ cải thiện thiết kế thân tàu, giảm tiếng ồn, tăng khả năng hoạt động bí mật. Type 095 sẽ trang bị lò phản ứng hạt nhân tiên tiến hơn, hệ thống phóng thẳng đứng và nhiều bộ cảm biến tiên tiến hơn như sonar mạn tàu chủ/bị động mới, sonar kéo, sẽ hộ tống cho biên đội tàu sân bay của hải quân Trung Quốc trong tương lai.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc, tàu ngầm hạt nhân vừa là điểm tựa chiến lược để đối đầu sức mạnh giữa các nước lớn, vừa là “con thú nuốt vàng” vô cùng tốn kém. Số lượng chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế nào không chỉ tùy thuộc vào khả năng chế tạo, mà còn tùy thuộc vào ý đồ chiến lược và khả năng kinh tế của một nước.
Hiện nay, thế giới công nhận nước có thực lực tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất là Mỹ, chứ không phải Trung Quốc. Sau Chiến tranh Lạnh, để thực hiện chiến lược toàn cầu, Mỹ không chỉ duy trì hạm đội tàu ngầm hạt nhân có số lượng nhiều nhất, trình độ cao nhất, mà còn sử dụng tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio như là tàu ngầm hạt nhân tấn công, hiện đã thiết kế chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp Colombia thế hệ mới, hình thành ưu thế to lớn trước các nước khác.
Để biết được Trung Quốc chế tạo bao nhiêu tàu ngầm hạt nhân trong tương lai thì phải nhìn vào chiến lược quân sự của Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc không cần thiết và cũng không có khả năng tiến hành chạy đua vũ trang với Mỹ trên phương diện chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
Trung Quốc sẽ có tàu ngầm thế hệ mới
Theo báo chí Trung Quốc, Bắc Kinh đang nghiên cứu phát triển tàu ngầm chạy êm thế hệ mới, có tham khảo trang bị công nghệ của Liên Xô và Nga, do các kỹ sư Trung Quốc tham gia cải tạo.
Chuyên gia Nga cho rằng đối với Trung Quốc, chế tạo tàu ngầm hiện đại là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Bắc Kinh đang tích cực nghiên cứu tàu ngầm hạt nhân hoàn thiện và mạnh hơn, xây dựng nó thành một bộ phận quan trọng của các lực lượng hạt nhân chiến lược quốc gia.
Nhưng, Trung Quốc chưa đạt được đột phá mạnh trên phương diện này. Về công nghệ tàu ngầm, Trung Quốc vẫn lạc hậu so với Nga, Mỹ, Anh và Pháp. Thiếu công nghệ hoàn thiện và chi phí tàu ngầm hạt nhân cao khiến cho Trung Quốc không thể đuổi kịp và vượt qua các nước lớn chủ yếu.
Vì vậy, hiện nay, Trung Quốc dựa vào các tàu ngầm động cơ thông thường hoạt động ở vùng nước nông. Đặc điểm của loại tàu ngầm này là khuôn mẫu khá nhỏ, giá cả thấp hơn, nhưng có trình độ công nghệ tương đối cao.
Gần 10 năm qua, các kỹ sư Trung Quốc đã đạt được thành công nhất định trên phương diện này. Vì vậy, hiện nay, tàu ngầm thông thường là một trong những công cụ để họ ngăn chặn Mỹ, gây quan ngại đặc biệt cho Mỹ.
Theo chuyên gia Nga Vasilii Cashin, nhìn vào thông tin trên báo chí Trung Quốc thì không thể làm rõ được họ có chương trình gì – về tàu ngầm hay tàu lặn sâu không người lái. Nhưng, Trung Quốc đều ưu tiên lớn cho phát triển trên hai phương hướng này.
Trung Quốc hiểu được săn ngầm và chiến tranh dưới biển không phải là điểm mạnh nhất của họ. Họ còn yếu trong lĩnh vực này, nhưng đã tiếp cận trình độ công nghệ của các nước phát triển trên rất nhiều phương hướng khác.
Hiện nay, Trung Quốc đang tích lũy rất nhiều nguồn lực để chế tạo tàu ngầm mới và thiết bị săn ngầm. Trên phương diện này, hợp tác kỹ thuật quân sự Trung - Nga đang phát huy vai trò to lớn. Bởi vì, hợp tác có liên quan đến vấn đề chiến tranh dưới biển.
Trước hết, Trung Quốc đã sớm mua tàu ngầm thông thường lớp Kilo Type 877 và Type 636 cùng các loại vũ khí sử dụng dưới biển. Các doanh nghiệp Nga và Trung Quốc cũng có hợp tác khá quan trọng trong lĩnh vực chế tạo tàu lặn biển sâu và tàu lặn không người lái.
Mặc dù ở bề ngoài những kế hoạch này thuộc dân dụng, nhưng phần lớn thiết bị kỹ thuật là “lưỡng dụng” – sử dụng cho cả lĩnh vực quân sự và dân sự.
Hiện nay, Trung Quốc đang làm mô hình của tàu ngầm chạy êm tương lai trên máy tính. Được biết, các nhân viên nghiên cứu khoa học Trung Quốc làm việc có kinh nghiệm ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, đã quay về nước và tham gia nghiên cứu phát triển tàu ngầm.
Chuyên gia Nga Vasilii Cashin cho rằng: “Rất nhiều nhà khoa học và lưu học sinh Trung Quốc sinh sống và học tập tại Mỹ. Trong đó rất nhiều người thực hiện các công việc nghiên cứu hoặc ứng dụng quan trọng trong các lĩnh vực có liên quan chặt chẽ đến công nghiệp quốc phòng. Lượng lớn chuyên gia Trung Quốc từ Mỹ quay trở về”.
“Hiện nay, Trung Quốc đã giàu lên, họ không tiếc tiền đầu tư cho các nhà nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quan trọng, trong khi đó, điều kiện ở Mỹ đang ngày càng kém đi”.
Theo chuyên gia, tàu ngầm Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo có thể là tàu ngầm lớp Kilo phiên bản cải tiến. Trung Quốc thu được kiến thức từ kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm Nga. Như vậy, các nhà khoa học Trung Quốc trở về từ Mỹ hoàn toàn không phải là cách duy nhất để có được công nghệ chế tạo tàu ngầm hiện đại.
Mỹ quyết không để mất ưu thế dưới lòng đại dương
Hiện nay, sự phát triển của tàu ngầm Trung Quốc và Nga đang gây lo ngại cho Mỹ. Để tiếp tục giữ ưu thế về tàu ngầm, Hải quân Mỹ tiếp tục tập trung nghiên cứu chế tạo tàu ngầm mới.
Theo tờ National Interest Mỹ ngày 4/4, Hải quân Mỹ và Công ty Huntington Ingalls đã hoàn thành chạy thử sơ bộ chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia mới nhất. Việc này nằm trong một kế hoạch lớn hơn, đó là tạo ra công nghệ tàu ngầm mới và đẩy nhanh mua sắm tàu ngầm mới.
Tàu ngầm mới này có tên là USS Washington, sẽ được tiến hành một loạt thử nghiệm trong thời gian tới, sau đó sẽ bàn giao cho Hải quân Mỹ. Theo quan chức hải quân Mỹ, Mỹ có thể chế tạo nhiều tàu ngầm lớp Virginia hơn. Sau khi bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ này, hàng năm có thể chế tạo 2 tàu ngầm lớp Virginia.
Nhưng, sau khi bắt đầu chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới lớp Colombia vào đầu thập niên 20 của thế kỷ này, việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia hàng năm sẽ giảm còn 1 chiếc.
Hải quân Mỹ lo ngại khi đến giữa thập niên 20 của thế kỷ này, số lượng tàu ngầm sẽ bắt đầu không đủ, yêu cầu có nhiều tàu ngầm tấn công hơn, tiếp tục duy trì ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh như Nga và Trung Quốc.
Do khả năng của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc ngày càng tăng, đối với hải quân Mỹ, giải quyết vấn đề yếu kém về tàu ngầm tấn công rất quan trọng và tầm quan trọng này đang tăng lên. Hải quân Mỹ phải tìm cách duy trì ưu thế công nghệ mạnh ở dưới mặt biển. Các quan chức hải quân Mỹ luôn lo ngại Trung Quốc hiện có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ từ trên biển.
Các công nghệ của tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia như khả năng chạy êm, khả năng định vị thủy âm và khả năng tấn công của tên lửa Tomahawk đều có thể giúp hải quân Mỹ đối phó và chiến thắng các thách thức của đối thủ trên phương diện “chống can thiệp/chống tiếp cận khu vực”.
Tàu ngầm lớp Virginia với ưu thế công nghệ và thiết bị định vị thủy âm tiên tiến, có thể hoàn thành nhiệm vụ tình báo và theo dõi quan trọng ở các khu vực rất nguy hiểm, có thể chọc thủng chiến lược “chống can thiệp/chống tiếp cận khu vực” của đối thủ (Trung Quốc). Đến nay, hải quân Mỹ đã sở hữu trên 10 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia.