|
Một băng nhóm lừa đảo qua mạng trong nước kết nối với bên ngoài bị bắt (Ảnh: Xinhua) |
Năm vụ án này là các vụ lừa đảo trực tuyến xuyên biên giới bị phát hiện ở các tỉnh, thành phố Phúc Kiến, Trùng Khánh, Giang Tô, Chiết Giang và Tứ Xuyên.
Theo thông báo, các vụ việc này đều là những vụ án then chốt trong việc đấu tranh với các nhóm lừa đảo trực tuyến ở nước ngoài, phần lớn liên quan đến việc tổ chức đưa người trong nước ra nước ngoài để tham gia các hoạt động tội phạm lừa đảo. Những tổ chức này có kết cấu tổ chức chặt chẽ, nghiêm mật, hiệp đồng trong ngoài, số người tham gia đông, số tiền liên quan rất lớn, một số nhóm còn liên quan đến các tội phạm bạo lực nghiêm trọng như giam giữ người trái phép và cố ý gây thương tích.
Vụ lừa đảo trực tuyến ở Phủ Điền, Phúc Kiến
Vào tháng 9/2022, cơ quan công an thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến trong khi điều tra một vụ tổ chức đưa người vượt biên giới trái phép đã phát hiện một nhóm lừa đảo ở nước ngoài do một kẻ họ Đường đứng đầu, đã thành lập cái gọi là “công ty công nghệ” tại Lào chuyên lừa đảo nhắm tới người dân trong nước.
Nhóm tội phạm này có kết cấu thứ bậc rõ ràng, phân công lao động rành mạch, thực hiện hành vi lừa đảo thông qua kết bạn qua mạng, dụ dỗ và xúi giục đầu tư vào tiền ảo. Hiện đã phát hiện được số tiền liên quan lên tới hơn 30 triệu NDT (4,2 triệu USD). Băng đảng này có hơn 150 thành viên và cơ quan công an đã bắt giữ được hơn 30 tên.
Vụ lừa đảo mạng ở Sa Bình Bối, Trùng Khánh
Vào tháng 4/2018, Văn phòng Công an thành phố Trùng Khánh sau khi nhận được trình báo của người dân đã điều tra, phát hiện ra rằng từ năm 2016 đến 2018, một nhóm tội phạm do một kẻ họ Tăng cầm đầu, trong đó đã thành lập công ty ở Quảng Châu và sử dụng phần mềm nền tảng giao dịch chứng khoán giả để thực hiện lừa đảo giao dịch chứng khoán qua mạng.
Sau năm 2018, băng nhóm tội phạm này chuyển sang Campuchia và thành lập 8 chi nhánh để tiếp tục lừa đảo người dân trong nước. Số tiền liên quan cho đến nay được xác định là gần 300 triệu NDT (42 triệu USD). Cơ quan công an đã bắt giữ được hơn 80 nghi phạm.
Vụ lừa đảo ở Giang Âm, Giang Tô
Tháng 7/2021, cơ quan công an thành phố Giang Âm, tỉnh Giang Tô bắt đầu điều tra vụ lừa đảo của những người từ nước ngoài “quay trở về” và phát hiện ra một tập đoàn tội phạm do kẻ họ Trần cầm đầu. Kẻ này hoạt động Mengbo, miền bắc Myanmar trong nhiều năm để phạm tội lừa đảo qua mạng. Nhóm này được thành lập tháng 12/2019. Băng nhóm này có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, quản lý chặt chẽ và thực hiện nhiều loại hình lừa đảo.
Tháng 7/2020, tập đoàn này chuyển từ "Tòa nhà quốc tế Hồng Môn" ở Mengbo đến "Chợ ngũ kim và vật liệu xây dựng" do kẻ họ Phan và 6 người khác bỏ tiền xây dựng. Phan cùng 6 “nhà tài trợ” hậu trường khác cung cấp văn phòng, thức ăn, chỗ ở cho nhóm lừa đảo, đồng thời quản lý kiểu đóng cửa, dùng nhân viên mang vũ khí bảo vệ các nhận viên lừa đảo; lần lượt chiêu mộ thêm 18 nhóm lừa đảo khác gia nhập, đã gây nên hơn 50 vụ lừa đảo, vượt biên trái phép, giam giữ người trái phép trên toàn quốc.
Cơ quan công an hiện đã bắt giữ hơn 560 thành viên của 8 băng nhóm lừa đảo, trong đó 78 tên đã bị kết án và 60 người đã bị chuyển giao để xem xét, khởi tố.
Vụ lừa đảo ở Ôn Châu, Chiết Giang
Tháng 9/2021, trong quá trình điều tra một vụ lừa đảo trực tuyến xuyên biên giới, cơ quan công an thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang đã phát hiện 4 băng nhóm tội phạm lừa đảo trực tuyến xuyên biên giới đứng chân ở Myanmar và Malaysia, tiến hành hoạt động phạm tội cờ bạc gian lận và lừa đảo mua hàng đối với người dân trong nước.
Hiện tại, số tiền liên quan đến vụ án được xác định là hơn 30 triệu NDT (4,2 triệu USD). Cơ quan công an đã bắt giữ hơn 890 nghi phạm, trong đó hơn 520 nghi phạm đã được chuyển sang cơ quan kiểm sát để xem xét và truy tố.
Vụ lừa đảo ở Lạc Sơn, Tứ Xuyên
Tháng 8/2020, khi đang xử lý một vụ lừa đảo mạng viễn thông địa phương, Cục công an thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên đã phát hiện một băng nhóm tội phạm do hai người họ Liêu, Thân đứng đầu. Nhóm này đã xây dựng Công viên Khoa học và Công nghệ Mengla ở ngoại ô Xiaomengla, bang Shan, miền bắc Myanmar làm nơi cung cấp chỗ ăn ở, bảo vệ vũ trang và quản lý tài sản cho nhiều nhóm lừa đảo ở nước ngoài, liên quan đến hơn 190 manh mối về các băng nhóm lừa đảo, bao gồm gian lận cờ bạc, đầu tư giả và các loại lừa đảo khác qua mạng viễn thông. Hiện tại, cơ quan công an đã bắt giữ hơn 450 nghi phạm thuộc 16 băng nhóm lừa đảo.
Đẩy mạnh công tác chống tội phạm xuyên biên giới
Một quan chức Bộ Công an Trung Quốc cho biết, trong khuôn khổ chiến dịch “Vân Kiếm” (Kiếm mây), công an các cấp trên cả nước tiếp tục triển khai các hoạt động đặc biệt như “phá ùn tắc”, “chặn dòng” và “rút đinh” để liên tục tăng cường trấn áp, trừng phạt, tạo ra tác dụng răn đe mạnh mẽ.
Từ năm ngoái, Bộ Công an căn cứ điều tra và phán đoán sơ bộ đã bắt giữ hơn 56.000 nghi phạm, tội phạm từ nước ngoài về, trong đó có hơn 150 "nhà tài trợ", hơn 1.000 “Xà đầu" (kẻ tổ chức đưa người vượt biên). Đồng thời nỗ lực trấn áp các tội phạm liên quan trong nước. Kể từ năm ngoái, đã phát động 210 chiến dịch cụm, tổ chức 4 chiến dịch khu vực, bắt giữ hơn 112.000 tội phạm liên quan trong nước, cắt đứt một cách hiệu quả các kênh “truyền máu và tiếp lương” cho các băng nhóm lừa đảo ở nước ngoài.
Từ năm 2022, Viện Kiểm sát đã truy tố hơn 50.000 người về tội lừa đảo qua mạng, hơn 220.000 người đã bị truy tố về các tội cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, giúp đi lại và các hỗ trợ khác cho các tội phạm lừa đảo, khởi hơn 150.000 người vì phạm tội "rửa tiền" và các tội danh khác; hơn 30.000 người đã bị khởi tố vì tội vượt biên trái phép, hơn 3.300 người phạm tội tổ chức cho người khác vượt biên trái phép, hơn 6.800 người phạm tội vận chuyển người trái phép qua biên giới.
Theo Xinhua, Bjnews