Đa Chiều cho biết, theo thông tin do Cục Chấp pháp nhập cư Malaysia công bố, căn cứ thông tin tình báo, họ đến Cyberjiaya để mai phục bắt giữ những người lao động nước ngoài bất hợp pháp thì bất ngờ phát hiện ra vụ lừa đảo ngoại hối trực tuyến lớn nhất trong lịch sử Malaysia.
Được biết, nhóm lừa đảo này đã hoạt động ở Malaysia hơn nửa năm, chi 360.000 RM (gần 88.000 USD) mỗi tháng để thuê tòa nhà thương mại 6 tầng Wisma Mustapha Kamal ở Cyberjiaya để làm căn cứ tiến hành lừa đảo qua mạng từ xa những người đồng hương tham gia vào kế hoạch đầu tư. Theo báo chí địa phương, hầu hết các nghi phạm là người Trung Quốc, khi phát hiện ra các nhân viên thực thi pháp luật đến gõ cửa, đã tháo chạy như ong vỡ tổ. Một số người đã bị những người bạn đồng hành kéo chạy khỏi hiện trường trước khi họ biết chuyện gì đang xảy ra; một số liều mạng nhảy từ trên cao xuống trốn thoát, một số người đàn ông bị thương ở chân, quá trình chạy trốn rất nguy hiểm.
Một số tang vật bị thu giữ trong vụ nhà chức trách Malaysia vây bắt.
|
Tin tức cho biết, do hiện trường vụ bắt giữ có lúc nằm ngoài tầm kiểm soát, nên hàng trăm người đã trốn thoát khỏi sự ngăn chặn và vây bắt của các nhân viên thực thi pháp luật. Tổng cộng có 680 người đàn ông và phụ nữ mang quốc tịch Trung Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 35 đã bị bắt giữ. Cảnh sát cũng thu giữ một số lượng rất lớn điện thoại di động, máy tính và thẻ SIM, v.v. liên quan đến vụ việc.
Theo Giám đốc Sở Di trú Malaysia Datuk Khairul Dzaimee Daud nói tại một cuộc họp báo sau đó, trong cuộc đột kích bất ngờ này, cảnh sát Malaysia đã tịch thu tổng cộng 8.230 điện thoại, 174 máy tính xách tay và 787 máy tính để bàn. Ông nói, theo luật pháp Malaysia, tất cả những thứ này đều bị tịch thu sung công và tiến hành điều tra. Ông Dzaimee Daud nói, trong số 680 người bị bắt có 603 đàn ông và 77 phụ nữ. Ông nói: “Qua điều tra cho thấy 680 người bị bắt đang làm việc ở các tầng khác nhau của tòa nhà thương mại; tất cả việc ăn uống, ngủ nghỉ đều thực hiện tại chỗ; phạm vi hoạt động bị hạn chế, họ không thể ra ngoài theo ý muốn”. Ông cũng nói những người bị bắt giữ thừa nhận trong các bản khai ghi âm rằng họ nhập cảnh Malaysia bằng visa du lịch Malaysia, nhưng không trình được bất cứ thứ giấy tờ nào có giá trị; không loại trừ hộ chiếu của họ đã bị các thành viên của tập đoàn đứng đằng sau hậu trường thu giữ.
Cục Di trú Malaysia họp báo công bố về vụ bắt giữ hôm 21/11.
|
Ông Dzaimee Daud nói: “Có một số người đã bị thương do ngã và va chạm khi bị bắt giữ, hiện sức khỏe đã ổn định sau khi được điều trị. Họ sẽ bị cơ quan di trú đưa vào danh sách đen, cấm vĩnh viễn nhập cảnh vào Malaysia. Được biết, ngoài những người bị bắt ở trên, có hơn 150 kẻ tình nghi người Trung Quốc khác đã chạy thoát trong hành động của các nhân viên thực thi pháp luật Malaysia và hiện cơ quan di trú địa phương đang được sự hỗ trợ từ cảnh sát để mở rộng việc truy lùng, bắt giữ để quy án.
Ngoài số người bị bắt giữ lớn nhất trong lịch sử Malaysia, Cục Di trú đã phải huy động hơn 10 xe khách và xe tải, đồng thời phải mất hơn 5 giờ để đưa tất cả những người bị bắt giữ và các thứ bị tịch thu chở về cơ quan thực thi pháp luật để điều tra.
Những kẻ lừa đảo người Trung Quốc bị bắt giữ trong vụ án lừa đảo qua mạng lớn nhất lịch sử Malaysia.
|
Trong những tháng gần đây, ở nhiều nước Đông Nam Á và Mông Cổ, cảnh sát và cơ quan di trú địa phương đã bắt giữ hàng ngàn công dân Trung Quốc hoạt động lừa đảo qua biên giới và cờ bạc trực tuyến.
Theo trang tin Chinanews, ngày 15/10/2019, Công an tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã thuê máy bay để đưa về nước 136 tội phạm lừa đảo qua mạng bị bắt tại Lào sau khi phá vỡ thành công vụ đại án lừa đảo qua mạng rộng khắp các tỉnh thành Trung Quốc liên quan đến hơn 1.200 vụ lừa đảo. Cảnh sát đã phá vỡ 15 ổ nhóm lừa đảo, thu được tang vật hơn 21 triệu NDT cùng rất nhiều máy tính, điện thoại...dùng để gây án.
Trước đó, ngày 10/6, cảnh sát Trung Quốc và Campuchia đã triển khai một hành động “cất lưới” ở thành phố cảng Sihanoukville, phá vỡ 3 ổ nhóm, bắt giữ 68 nghi phạm và thu giữ một số lượng lớn công cụ sử dụng phạm tội lừa đảo qua mạng như thẻ ngân hàng, máy tính và điện thoại di động. Ngày 17 tháng 6, cảnh sát Trung Quốc và Campuchia đã bắt giữ nốt 5 nghi phạm đang lẩn trốn ở thủ đô Phnom Penh rồi dẫn giải về Trùng Khánh.
Các tội phạm lừa đảo qua mạng bị bắt ở Campuchia được dẫn giải về Tứ Xuyên.
|
Ngày 17/8/2019, cảnh sát Campuchia thông báo đã bắt giữ gần 400 nghi phạm hoạt động lừa đảo qua mạng tại nước này. Những nghi phạm này đều là người Trung Quốc Đại lục và Đài Loan. Cảnh sát Campuchia cho biết, mấy năm qua họ đã bắt và dẫn độ về Trung Quốc hơn 600 nghi phạm hoạt động lừa đảo qua mạng người Trung Quốc Đại lục và Đài Loan. Mặc dù việc dẫn độ các nghi phạm người Đài Loan về Trung Quốc Đại lục bị chính quyền Đài Bắc phản đối, nhưng Campuchia giải thích họ làm như thế vì phía Bắc Kinh cho rằng các nạn nhân của các băng nhóm lừa đảo này đều là người Trung Quốc Đại lục nên các tội phạm phải bị Trung Quốc Đại lục xét xử.
Hồi tháng 9 năm nay, cơ quan thực thi pháp luật Philippines cũng đã bắt giữ 324 nghi phạm người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp tại Puerto Princesa liên quan đến đánh bạc bất hợp pháp và lừa đảo qua mạng. Sau những hoạt động phối hợp triệt phá các băng nhóm lừa đảo mạng tại các nước Đông Nam Á giữa cảnh sát Trung Quốc và các nước, có vẻ bọn tội phạm đã tìm ra địa điểm hoạt động mới là Mông Cổ.
Nghi phạm lừa đảo qua mạng ở Mông Cổ bị dẫn giải về Trung Quốc.
|
Ngày 30 tháng 10, ông Gerel Dorjpalam, Tổng cục trưởng Tình báo Quốc gia Mông Cổ thông báo: ngày 29 tháng 10 cảnh sát thủ đô Ulaanbaatar đã tiến hành một cuộc đột kích 4 địa điểm sau 2 tháng điều tra và bắt giữ khoảng 800 người Trung Quốc, tịch thu hơn 1000 máy tính và hơn 10 ngàn thẻ SIM điện thoại di động như một phần của cuộc điều tra các nhóm tội phạm mạng nước ngoài hoạt động tại Mông Cổ.
Reuters đưa tin, phía Mông Cổ nói, họ đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài hai tháng trước khi tiến hành vụ bắt giữ. Tất cả 800 công dân Trung Quốc bị bắt giữ đều sử dụng visa du lịch 30 ngày tới Mông Cổ để tiến hành các hoạt động liên quan đến các tội đánh bạc bất hợp pháp, lừa đảo, hack máy tính, đánh cắp danh tính (identity theft) và rửa tiền. Ông Gerel Dorjpalam nói: “Cho đến nay, chúng tôi nghi ngờ họ có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu điều tra”.
Theo báo cáo, trong ba quý đầu năm 2019, số công dân Trung Quốc tới Mông Cổ tăng 10,7%. Các nhà phân tích cho rằng các nhóm tội phạm này có thể đổ sang Mông Cổ sau khi các nước Đông Nam Á như Campuchia và Philippines tăng cường nỗ lực chống lại các nhóm tội phạm mạng người Trung Quốc.
Theo Đa Chiều, Epochtimes