|
Các cột điện gió ngoài khơi. Ảnh Interesting Engineering. |
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho Triều Châu, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, được công bố vào tuần trước, phác thảo những kế hoạch đầy tham vọng của thành phố cho một dự án 43,3 gigawatt (GW) trên eo biển Đài Loan.
Dự án sẽ bắt đầu “trước năm 2025”. Theo các quan chức tỉnh Quảng Đông, trang trại điện gió ngoài khơi sẽ vượt qua trang trại gió lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành.
Cơ sở Phong điện Jiuquan ở Trung Quốc, một cơ sở khổng lồ với công suất 20 gigawatt, hiện đang giữ vị trí đặc biệt là trang trại gió lớn nhất thế giới.
Một thành phố khác ở tỉnh Phúc Kiến gần đó đầu năm 2022 cũng đề xuất một dự án trị giá 1 nghìn tỉ nhân dân tệ (138 tỉ USD), xây dựng trạm điện gió 50 gigawatt gió ngoài khơi.
Với hơn 25% công suất điện gió của toàn thế giới, Trung Quốc hiện đang khẳng định vững chắc là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng gió.
|
Trang trại gió ngoài khơi khi thủy triều xuống trong hoàng hôn. Ảnh Interesting Engineering |
Công suất điện gió đủ cung cấp cho 13 triệu ngôi nhà
Trang trại điện gió dài 10 km, sẽ có hàng nghìn tuabin gió mạnh , hoạt động ở ngoài khơi cách bờ từ 75 đến 185 km (47 đến 115 dặm).
Khảo sát cho thấy, đặc điểm địa hình đặc biệt của khu vực và vị trí nhiều gió, những tuabin này sẽ có thể chạy khoảng từ 43% đến 49% thời gian, tương đương với 3.800 giờ đến 4.300 giờ mỗi năm.
Một gigawatt là một tỷ watt, cần 3 triệu tấm pin mặt trời để tạo ra một gigawatt điện. Một gigawatt điện đủ cung cấp cho 100 triệu đèn LED hoặc 300.000 ngôi nhà châu Âu điển hình. Công suất phát điện 43,3 GW của cơ sở này có thể cung cấp điện cho 13 triệu hộ gia đình, tương đương với 4,3 tỉ đèn LED, theo Euronews .
Hơn 99% điện năng của Na Uy được cung cấp từ các nhà máy thủy điện với công suất 31 GW, nhỏ hơn dự án trang trại gió mới của Trung Quốc. Trang trại ngoài khơi của Trung Quốc, khi xây dựng xong lớn hơn tất cả các nhà máy điện của Na Uy cộng lại.
Công suất điện gió ngoài khơi trên thế giới
Tổng công suất điện gió trên đất liền và ngoài khơi của thế giới đạt 830 GW vào cuối năm 2021. Hơn một nửa trong số này của Trung Quốc. Trong 5 năm qua, quốc gia này lắp đặt các cơ sở điện gió ngoài khơi với tổng công suất nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Theo kế hoạch đặt ra, đến năm 2025, siêu cường kinh tế này mong muốn một phần ba nhu cầu điện năng của quốc gia được cung cấp từ các nguồn tái tạo. Nhưng trái ngược với các quốc gia khác, Trung Quốc đặt mục tiêu xa hơn, đạt mức phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2060.
“Chúng ta sẽ làm việc tích cực và thận trọng để hướng tới mục tiêu đạt đến mức tối đa lượng khí thải carbon và mức độ trung hòa carbon”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ngày 16/10 trong bài phát biểu trước đại hội Đảng.
“Trên cơ sở các nguồn tài nguyên và năng lượng của Trung Quốc, chúng ta sẽ thúc đẩy các sáng kiến khoa học công nghệ để đạt được mức phát thải carbon cao nhất theo phương thức thực hiện có kế hoạch và theo từng giai đoạn, phù hợp với nguyên tắc lấy cái mới trước khi loại bỏ cái cũ”.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) một tổ chức liên chính phủ độc lập có trụ sở tại Paris, công nghệ điện gió trong đất liền đã có mặt ở 115 quốc gia trên toàn thế giới, trong khi điện gió ngoài khơi vẫn đang trong giai đoạn đầu mở rộng, hiện cung cấp công suất chỉ có ở 19 quốc gia.
Báo cáo của IEA cho biết, năm 2021 chứng kiến sự gia tăng kỷ lục trong sản xuất điện gió; tuy nhiên, cần có sự tăng trưởng lớn hơn nữa để thế giới đi vào quỹ đạo Net Zero Scenario (Kịch bản phát thải bằng 0).
Theo Interesting Engineering