Theo hãng thông tấn CNS lớn thứ hai Trung Quốc, về việc liệu Trung Quốc hiện có đang đánh giá thấp số người chết vì COVID-19 hay không; ngày 29/12, ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian), Tổ trưởng chuyên gia của Nhóm lãnh đạo ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông ở Bắc Kinh rằng: “Từ góc độ y tế cộng đồng, trong thời kỳ dịch bệnh lây lan nhanh, rất khó đánh giá chính xác tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, chỉ sau khi hết chu kỳ dịch bệnh mới có thể đưa ra nhận định chính xác hơn. Ở giai đoạn hiện nay, công tác phòng chống bệnh nặng và chết vì bệnh cần được ưu tiên”. Ông cũng bác bỏ thông tin nói Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách chống dịch quá nhanh, quá vội và không có sự chuẩn bị đầy đủ.
Ông Lương Vạn Niên, Tổ trưởng chuyên gia Nhóm lãnh đạo đối phó dịch COVID-19 của Trung Quốc (Ảnh: Guancha). |
Nói về việc liệu có phải Trung Quốc đã điều chỉnh tiêu chuẩn kết luận những trường hợp tử vong do COVID-19 hay không, ông Tiêu Nhã Huy, Vụ trưởng Y chính của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia, cho biết tiêu chuẩn xem xét kết luận với những trường hợp tử vong do COVID-19 chủ yếu được chia thành hai loại: Thứ nhất là axit nucleic dương tính sau khi nhiễm SARS-CoV-2, suy hô hấp do virus gây ra, trực tiếp dẫn đến tử vong, được coi là tử vong do COVID-19. Thứ hai, các trường hợp tử vong trong vòng 28 ngày sau khi nhiễm SARS-CoV-2 đều được tính là tử vong do COVID-19. Kể từ năm 2020, Trung Quốc đã áp dụng loại tiêu chuẩn thứ nhất.
Ông Tiêu nói Trung Quốc luôn tuân thủ các nguyên tắc thực sự cầu thị và công khai minh bạch trong việc công bố thông tin về các trường hợp tử vong và bệnh nặng, đồng thời sẽ tiếp tục duy trì nguyên tắc này trong tương lai. Các trường hợp tử vong được Trung Quốc công bố trước đó bao gồm cả những người chết vì virus corona mới và những người chết vì các bệnh nền sau khi bị nhiễm virus corona mới. Trung Quốc trước nay kiên trì tiêu chuẩn khoa học và tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Số người nhập viện điều trị vì COVID-19 tăng nhanh ở nhiều nơi (Ảnh: Toutiao). |
Với việc hủy bỏ việc xét nghiệm axit nucleic hàng loạt, phải chăng Trung Quốc đang đánh giá thấp số người chết hiện tại vì COVID-19? Ông Lương Vạn Niên cho biết, trong thời kỳ dịch bệnh và tốc độ lây lan bệnh nhanh, rất khó để đánh giá chính xác tỷ lệ tử vong vì bệnh và tỷ lệ tử vong do COVID-19. Từ góc độ y tế công cộng, chỉ sau khi chu kỳ dịch bệnh qua đi, chúng ta mới có thể đánh giá chính xác tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong thực sự, cũng như đánh giá tác hại của dịch bệnh đối với người dân, đặc biệt là tác hại đến an toàn tính mạng và sức khỏe, trong đó tử vong là một chỉ số quan trọng được nhóm chuyên gia Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng.
Ông nói: "Việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay, điều này cũng phản ánh sự điều chỉnh chính của chiến lược phòng ngừa và kiểm soát, việc ngăn ngừa tử vong được ưu tiên rất cao”.
Ông Ngô Tôn Hữu, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), chỉ ra thêm rằng trong lĩnh vực y tế công cộng, có một phương pháp tính toán gọi là "tử vong siêu ngạch", có thể đánh giá thấp khả năng xảy ra. Sau khi bùng phát đại dịch vào năm 2020, nhóm nghiên cứu của CDC Trung Quốc đã nhanh chóng phân tích "số ca tử vong siêu ngạch" có thể do dịch COVID-19 gây ra và công bố kết quả một cách công khai. Về "số ca tử vong siêu ngạch" có thể sinh ra do làn sóng dịch bệnh hiện nay, nhóm đang tiến hành các công việc liên quan và sẽ lần lượt cung cấp thông tin cho mọi người.
Ông Ngô Tôn Hữu bác bỏ thông tin Trung Quốc che giấu dịch, nói: "Tính cả làn sóng dịch bệnh lần này, có 9 chủng Omicron đang lưu hành ở Trung Quốc. Những kết quả này cũng đã được chia sẻ với Tổ chức Y tế Thế giới, vì vậy Trung Quốc không có bí mật nào, và tất cả đều được chia sẻ với thế giới".
Nhiều nơi Trung Quốc tổ chức cấp thuốc miễn phí cho dân chúng (Ảnh: NetEasy). |
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 29/12, gần đây có thông tin cho rằng, ngoài Bắc Kinh, Thượng Hải các nhà tang lễ và lò hỏa táng ở Thẩm Dương, Tây An, Quảng Châu… đều quá tải, nhiều hài cốt được tạm thời đưa vào nhà kho bệnh viện và bãi đậu xe ngầm vì không xử lý kịp... Mới đây, những bức ảnh lan truyền trên mạng cho thấy sảnh khu văn phòng của nhà tang lễ thành phố Tây An chật kín người dân mặc đồ tang kéo đến quầy làm thủ tục, quảng trường bên ngoài nhà tang lễ cũng tập trung hàng ngàn thành viên các gia đình có người chết. Theo những người trong cuộc, mỗi ngày có khoảng 300 thi hài được đưa đến nhà tang lễ để chờ hỏa táng. Một cư dân mạng địa phương cho biết, một người lớn tuổi đã qua đời gần đây vì COVID-19, do địa phương không có đủ xe tang nên phải dùng xe cứu thương để vận chuyển thi hài đến nhà tang lễ. Tuy nhiên, khi đến nơi, họ mới biết rằng nhà lạnh đã chật kín các xác chết, phía trước vẫn còn có hơn 50 xác chết chờ hỏa táng.
Tại thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, một số người dân cho biết do nhà xác đã hết chỗ nên bãi đậu xe ngầm tạm thời được chuyển thành nơi chứa thi thể. Trên mạng xã hội cũng lan truyền thông tin rằng quận Huilonggang của thành phố Thẩm Dương đã chuyển nhà kho bệnh viện thành nhà xác tạm thời vì có quá nhiều xác chết đang chờ xử lý.
Tài khoản WeChat chính thức của Cục Dân chính thành phố Quảng Châu gần đây cho biết trung tâm dịch vụ tang lễ trong thành phố gần đây có khối lượng công việc quá nhiều, kêu gọi các gia đình người chết hoãn tang lễ và các hoạt động liên quan khác càng lâu càng tốt. Về nguyên tắc, việc tổ chức tang lễ sẽ được hoãn lại cho đến ngày 10 tháng sau mới tiếp tục nhận mới, nếu trường hợp nào gia đình không tổ chức lễ truy điệu mà hỏa táng ngay thì có thể được tiến hành bình thường với việc báo tang, vận chuyển cũng có thể được thực hiện.