Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng đồng tiền mất giá, thị trường chứng khoán thiếu ổn định và các ngành công nghiệp đang có lợi nhuận ngày càng giảm, khiến sự tăng trưởng kinh tế của nước này bị kìm hãm.
Đây là những vấn đề cần phải có những bước đi khôn ngoan cùng một khoản ngân sách lớn để có thể giải quyết. Theo bà Charlene Chu, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Autonomous Research, Trung Quốc phải cần một khoản tiền khổng lồ.
“Chính phủ có thể tiếp tục bơm tín dụng vào thị trường, tuy nhiên tổng cộng họ phải cần đến 37,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ (5,7 nghìn tỷ USD) trong năm 2016 mới có thể đạt được sự tăng trưởng kinh tế như năm 2009”, bà Chu cho biết.
Đây là tuyên bố hùng hồn về tình hình kinh tế Trung Quốc hiện tại, và điều này cho thấy những biện pháp mà chính phủ nước này thực thi trong vòng một năm rưỡi qua không mang lại hiệu quả như mong muốn.
“Các chính sách tiền tệ hoặc được thực hiện lặp đi lặp lại, hoặc không thể ngăn cản tình trạng giảm phát mà Trung Quốc đang phải đối mặt do các ngành công nghiệp sản xuất đang dư thừa năng suất nhưng lại không thu về lợi nhuận cần thiết”, bà Chu cho biết.
“Việc giảm tỉ lệ lãi suất cho vay có thể sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân vay nợ, tuy nhiên điều đó sẽ là không đủ để thúc đẩy kinh tế. Trong khi đó, việc giảm tỉ lệ hoàn vốn đầu tư toàn quốc thực chất là nhằm giảm bớt lượng tiền đầu tư ra nước ngoài đồng thời giúp đỡ những các tổ chức tài chính đang cần thanh khoản”.
Giờ đây bà Chu không tin rằng các tổ chức tài chính sẽ đẩy mạnh các hoạt động cho vay của mình trong năm 2016. Thêm vào đó, bà cũng không cho rằng một khoản ngân sách 5,7 nghìn tỉ USD sẽ đủ để vực dậy nền kinh tế.
Trong lúc đồng Nhân dân tệ đang mất giá, dòng tiền mặt thất thoát ra khỏi Trung Quốc đang tăng lên một cách chóng mặt. Chỉ riêng trong tháng 12/2015, chính phủ Trung Quốc đã phải dành 108 tỉ USD trong quỹ ngoại hối dự trữ 3,4 nghìn tỷ USD để ngăn chặn đồng Nhân dân tệ giảm phát. Đồng thời, quốc gia này cũng tăng cường thắt chặt kiểm soát dòng tiền mặt.
Theo Business Insider, Infonet