Trung Quốc báo cáo trường hợp tử vong do virus Monkey B hiếm gặp

VietTimes – Một loại virus động vật mới vừa được ghi nhận lây từ khỉ sang người ở Trung Quốc.
Trung Quốc báo cáo người đầu tiên tử vong do virus Monkey B hiếm gặp (Ảnh: Washington Post)

Một người đàn ông ở Trung Quốc đã tử vong sau khi mắc một căn bệnh truyền nhiễm hiếm gặp từ loài linh trưởng, được gọi là virus Monkey B, các quan chức y tế Trung Quốc tiết lộ trong một báo cáo hôm thứ Bảy. Nạn nhân là một bác sĩ thú y 53 tuổi ở Bắc Kinh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, vị bác sĩ thú y này làm việc trong một viện nghiên cứu chuyên nhân giống linh trưởng. Ông ấy đã tiến hành mổ xác 2 con khỉ chết hồi tháng Ba. Một tháng sau đó, vị bác sĩ có triệu chứng buồn nôn, nôn và sốt cao. Ông ấy tử vong vào ngày 27 tháng 5. Các mẫu máu và nước bọt của bệnh nhân được gửi tới phòng thí nghiệm để xét nghiệm vào tháng 4. Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng của virus Monkey B. Các quan chức cho biết hai trong số những người tiếp xúc gần gũi với anh ta, một bác sĩ nam và một nữ y tá, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus.

Virus Monkey B, hay virus herpes B, vốn là một chủng virus lây phổ biến trên khỉ macaque. Virus này xâm nhập và gây bệnh cho con người là cực kỳ hiếm. Nhưng một khi điều đó xảy ra, tỷ lệ gây tử vong cho nạn nhân là rất cao. Ở người, nó có xu hướng tấn công hệ thần kinh trung ương và gây viêm não, dẫn đến mất ý thức, Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, Nhật Bản cho biết. Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong khoảng 80%.

Đã có ít hơn 100 trường hợp nhiễm herpes B được báo cáo ở người kể từ trường hợp đầu tiên lây truyền từ linh trưởng sang người vào năm 1932, nhiều người trong số họ ở Bắc Mỹ, nơi các nhà khoa học có xu hướng nhận thức rõ hơn về căn bệnh này, Iwata cho biết. Có khả năng có những trường hợp virus không bị phát hiện, nhưng các chuyên gia vẫn tin rằng đó là một tình trạng cực kỳ hiếm gặp ở người.

Những người có nguy cơ cao nhất và thường nhiễm Monkey B là bác sĩ thú y, nhà khoa học hoặc nhà nghiên cứu làm việc trực tiếp với động vật linh trưởng, những người có thể tiếp xúc với chất dịch cơ thể của chúng qua vết xước, vết cắn hoặc hoạt động mổ xẻ. Năm 1997, một nhà nghiên cứu linh trưởng ở New York cũng đã chết sau khi bị một con khỉ trong lồng nhổ nước bọt vào mặt. Virus được cho là lây qua đường nước mắt của nhà khoa học này và gây ra cái chết sau 6 tuần.

Nikolaus Osterrieder, trưởng khoa Thú y và Khoa học Đời sống tại Đại học Jockey Club, Hồng Kông cho biết Monkey B chia sẻ một điểm chung với virus SARS-CoV-2 ở chỗ nó là một chủng virus lây nhiễm động vật trước khi nhảy sang con người.

"Nhưng sự khác biệt cốt yếu ở đây là trong trường hợp của Monkey B, nó đang đi vào một ngõ cụt. Virus này chưa lây nhiễm được từ người sang người", Osterrieder nói. "Ngược lại, SARS-CoV-2 có khả năng lây lan giữa người với người".

Ngoài ra, Osterrieder cho biết virus Monkey B thích nghi rất tốt với khỉ macaque, nghĩa là nó có vẻ đã "yên phận" ở trên loài động vật này. Nghiên cứu cho thấy virus Monkey B ít có khả năng đột biến để lây lan nhanh chóng giữa người với người.

Cơ quan y tế Trung Quốc cho biết việc phát hiện ra virus Monkey B ở người cho thấy nó có thể "gây ra mối đe dọa tiềm tàng khi lây từ động vật sang người". Họ nhấn mạnh cần phải "tăng cường giám sát khỉ trong phòng thí nghiệm và các công nhân lao động", những người thường xuyên tiếp xúc với chúng.

Theo Washingtonpost