Tờ Nikkei Shimbun Nhật Bản gần đây cho hay Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ thành lập một ủy ban do Thứ trưởng Quốc phòng Kenji Wakamiya đứng đầu, tiến hành thảo luận về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Quân đội Mỹ.
Trung tuần tháng 12/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada cũng có kế hoạch đến thăm Guam để tiếp tục khảo sát hệ thống THAAD.
Theo tuyên truyền của tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 16/12, "Nhật Bản muốn đi theo bước chân Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, bề ngoài là để đối phó Triều Tiên, nhưng đằng sau là nhằm vào Trung Quốc và Nga".
"Nhật Bản có ý đồ làm thay đổi xu hướng chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đối với khu vực Đông Á, duy trì quan hệ đồng minh quân sự "tiểu NATO" giữa ba nước Nhật - Mỹ - Hàn, từ đó mở đường cho Nhật Bản tiến hành "bình thường hóa" về quân sự.
Về lâu dài, nếu Nhật Bản đạt được mục đích mua sắm và triển khai THAAD, không những không có lợi cho giải quyết cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân Triều Tiên, mà còn làm đảo lộn thế cân bằng chiến lược Đông Á hiện có, dẫn tới chạy đua vũ trang và leo thang xung đột giữa các nước, sự nguy hại khó có thể đánh giá được" – báo Trung Quốc bình luận.
Lý do triển khai THAAD
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất của Lục quân Mỹ, năm 2008 bắt đầu trang bị cho Lục quân Mỹ, gồm có 3 bộ phận hợp thành là hệ thống phóng tên lửa, hệ thống trinh sát radar, hệ thống thông tin điều khiển hỏa lực và quản lý tác chiến.
Hệ thống THAAD có các ưu điểm như phạm vi trinh sát và theo dõi rộng, độ chính xác đánh chặn cao, khả năng cơ động mạnh. Đặc biệt là khả năng đánh chặn tầm cao đoạn cuối đã lấp đi khoảng trống của phòng không mặt đất, trở thành bộ phận quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa "3 lớp" của Quân đội Mỹ, sau hệ thống phòng không Aegis và tên lửa phòng không Patriot-3.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD hoàn toàn không phải là phương án lựa chọn duy nhất trong danh sách mua sắm phòng thủ tên lửa của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, còn có hệ thống phòng thủ Aegis phiên bản mặt đất và tên lửa Patriot-3 phiên bản nâng cấp - hai hệ thống này hoàn toàn có khả năng đánh chặn tên lửa của Triều Tiên.
Nhưng chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sở dĩ để mắt tới hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD chủ yếu là đã nhìn thấy chỗ độc đáo của THAAD.
Trước hết, mục tiêu đánh chặn của THAAD là giai đoạn tầm cao đoạn cuối bay của tên lửa đạn đạo, độ cao đánh chặn khoảng 40 - 150 km, phối hợp với khu vực đánh chặn tầm cao 500 km của Aegis trên tàu chiến và khu vực đánh chặn ở tầm thấp với 15 - 40 km của tên lửa Patriot-3 Nhật Bản, có thể giúp cho mạng lưới phòng thủ tên lửa hai lớp hiện có của Nhật Bản nâng cấp lên ba lớp, có khả năng phòng thủ tên lửa ngang với Quân đội Mỹ.
Thứ hai, gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự, chủ yếu nhằm chia sẻ thông tin radar sóng ngắn X trong hệ thống THAAD, phạm vi bao quát của radar này có thể đạt 2.000 km, có thể tiến hành theo dõi, định vị đối với các mục tiêu như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Nếu radar thuộc hệ thống THAAD của Nhật Bản và Hàn Quốc kết nối về thông tin tình báo thì không những nắm chắc được tên lửa của Triều Tiên, mà còn biết rõ tình hình hoạt động của tên lửa chiến lược do Trung Quốc triển khai ở khu vực miền trung và miền tây Trung Quốc cũng như việc triển khai lực lượng chiến lược của Nga ở Viễn Đông, đã cung cấp cơ sở tình báo cho triển khai quân sự và đáp trả chiến lược của Nhật - Mỹ.
Cuối cùng, Nhật Bản triển khai THAAD là để thể hiện thiện chí với Mỹ và Hàn Quốc. Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, do Hàn Quốc triển khai THAAD dẫn tới quan hệ Trung - Hàn xấu đi, Nhật Bản "kịp thời" tuyên bố thông tin mua sắm THAAD đã thể hiện rõ sự lựa chọn đứng về phía Hàn Quốc, có ý định bày tỏ thiện chí với Hàn Quốc.
Ngoài ra, là nhà thiết kế của THAAD, Mỹ tiến hành triển khai THAAD ở Nhật Bản một mặt có thể làm giảm sức ép phòng thủ tên lửa của lãnh thổ Mỹ như Guam, quần đảo Aleutian, tiến hành đánh chặn nhiều tầng, nâng cao xác suất đánh chặn;
Mặt khác có thể dựa vào chuỗi đảo xây dựng bức tường phòng thủ tên lửa tương tự như ở Đông Âu nhằm vào Nga, làm suy yếu khả năng đáp trả chiến lược và đột phá phòng không của các đối thủ chiến lược tiềm tàng như Trung Quốc, Nga. Lần này, Nhật Bản đề xuất mua sắm THAAD đã trúng ý của Mỹ.
Đối đấu chiến lược ở Đông Á
Tuy nhiên, Nhật Bản nếu tiếp tục triển khai THAAD thì sẽ hình thành hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn chỉnh của ba nước Nhật - Mỹ - Hàn, thống nhất về trinh sát tình báo, chia sẻ thông tin và chỉ huy kiểm soát.
Điều này chắc chắn sẽ phá vỡ cục diện chiến lược vốn có của khu vực Đông Á, dẫn tới Trung Quốc và Nga gia tăng nghiên cứu phát triển và hợp tác trên phương diện kỹ thuật quân sự nhất là khả năng đột phá phòng không của tên lửa chiến lược, tiến tới buộc hai bên rơi vào vòng luẩn quẩn của chạy đua vũ trang giữa kiềm chế và chống kiềm chế, có thể lại giẫm phải vết xe đổ của Chiến tranh Lạnh.
Tiếp theo, các đồng thuận và lòng tin giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga đối với giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ không còn, vấn đề Triều Tiên sẽ leo thang thành "đánh cờ" công khai và đối đầu quân sự giữa các nước lớn chiến lược, tiếp tục gây ra mâu thuẫn và va chạm trong khu vực.
Không loại trừ Triều Tiên mượn cơ hội, tận dụng mâu thuẫn giữa Trung - Mỹ - Nga để tiến hành mạo hiểm quân sự, trực tiếp dẫn tới xung đột quân sự thậm chí chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.
Cuối cùng, nếu Nhật Bản được Mỹ ủng hộ trong triển khai THAAD thì thực sự đã bật đèn xanh cho Nhật Bản tiến hành bình thường hóa về quân sự. Sự ủng hộ này có khả năng tăng cường lòng tin cho Nhật Bản tiến hành "mạo hiểm quân sự", gia tăng khả năng sử dụng các biện pháp quân sự đối với bên ngoài của Nhật Bản.
Khó khăn trong triển khai THAAD
Mặc dù Chính phủ Nhật Bản rất mong muốn triển khai THAAD, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng nhiều lần đề cập đến ý định mua sắm, nhưng nhìn vào tình hình chiến lược hiện nay, Nhật Bản triển khai hệ thống THAAD còn đối mặt với rất nhiều trở ngại.
Nhìn vào ảnh hưởng của Mỹ - Hàn đối với việc Nhật Bản triển khai hệ thống THAAD, hai nước tồn tại nhân tố khác trong việc kiềm chế đối với Nhật Bản. Cấp độ chỉ huy, kiểm soát của Mỹ - Nhật đối với THAAD khác nhau. Quân đội Mỹ thuộc tầng quyết sách chiến lược và kiểm soát thông tin, còn Nhật Bản thuộc tầng thực thi và triển khai.
Hiện nay, trong các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot-3 và Aegis của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đều có hệ thống giao chiến liên hợp CEC. Nếu cần, Quân Mỹ có thể vượt Nhật Bản, thực hiện "siêu chỉ huy" bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, các biện pháp trinh sát vệ tinh ngoài khu vực của hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật Bản cũng cần dựa vào Quân đội Mỹ. Vì vậy, hệ thống chỉ huy, kiểm soát và dẫn đường của Quân đội Mỹ đã quyết định khả năng tấn công chính xác của hệ thống THAAD Nhật Bản.
Nhật Bản cho dù có nhận được hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD thì quyền chỉ huy kiểm soát và quyền chia sẻ thông tin vẫn nằm trong tay Mỹ, Nhật Bản hoàn toàn không có quyền tự chủ nhiều hơn.
Hơn nữa, hiện nay, xu hướng chính trị ở Hàn Quốc hoàn toàn không rõ ràng, bà Park Geun-hye dính bê bối "thân tín can thiệp chính trị", đã bị tiến hành luận tội, có khả năng rời khỏi chức vụ Tổng thống trước khi hết nhiệm kỳ.
Nếu Hàn Quốc thay đổi nhà lãnh đạo thì không loại trừ khả năng gác lại kế hoạch triển khai THAAD ở Hàn Quốc, quan hệ Trung - Hàn ấm lại. Khi đó, Nhật Bản nếu đề cập lại triển khai hệ thống THAAD thì sẽ chịu sức ép chính trị, kinh tế và quân sự nhiều hơn từ hai nước Trung Quốc và Nga.
Nhìn vào thái độ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, trong tương lai Mỹ sẽ điều chỉnh lại sách lược đối với các nước Đông Á, đặc biệt là vấn đề đóng quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc (kinh phí).
Đồng thời, ông Donald Trump cũng đã đề cập đến khả năng từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gây lo ngại cho chính quyền Shinzo Abe.
Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ, việc chi phí cho toàn bộ quá trình nghiên cứu chế tạo, mua sắm, triển khai và sử dụng 2 tiểu đoàn hệ thống THAAD (cho tới khi hết hạn sử dụng) lên tới 18,5 tỷ USD. Đối với Chính phủ Nhật Bản, điều này chắc chắn là một khoản tiền không hề rẻ, có thể bị Quốc hội và người dân phản đối.
Đối với Triều Tiên, các thủ đoạn "ẩn nấp, tấn công" của lực lượng tên lửa Triều Tiên cũng có thể làm cho hệ thống THAAD triển khai tại Nhật Bản trong tương lai khó có thể phòng thủ.
Triều Tiên sở hữu vài trăm quả tên lửa tầm trung và gần Hwasong-6 và Hwasong-7, cho dù Nhật Bản được THAAD bảo vệ thì cũng khó chống đỡ được các cuộc tấn công "tập trung" đến từ Triều Tiên.
Theo tờ Tin tức Thế giới Hàn Quốc, Triều Tiên tích cực phát triển tàu ngầm lớp Sinpo, sử dụng nó để phóng tên lửa "Bắc Cực tinh". Loại tên lửa này là phiên bản phái sinh của tên lửa Hwasong-10 của Triều Tiên, công nghệ phóng dưới nước đang hoàn thiện. Điều này chắc chắn đã gia tăng độ khó định vị cho tác chiến phòng thủ tên lửa của Nhật Bản.
Về lâu dài, lực lượng tên lửa của Triều Tiên hình thành khả năng "ẩn náu, đánh" độc lập khi đối mặt với hệ thống trinh sát và theo dõi hỏa lực của ba nước Mỹ - Nhật - Hàn.
Lực lượng tác chiến tên lửa Triều Tiên phần lớn triển khai ở khu vực khe núi, trong thời bình dự trữ tên lửa ở các đường hầm chiến thuật, trong thời chiến sử dụng mạng lưới đường hầm để tiến hành cơ động phân tán, dưới sự hỗ trợ của xe đo đạc địa hình, tiến hành bắn nhanh ở trận địa dự định.
Cho dù Nhật Bản sử dụng radar sóng ngắn X và hệ thống chia sẻ tình báo thì cũng khó có thể nhanh chóng phát hiện vị trí chính xác phóng tên lửa của Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc và Nga, Nhật Bản triển khai hệ thống THAAD chủ yếu là để trinh sát, thăm dò tình hình triển khai và hoạt động của lực lượng tấn công chiến lược của Trung Quốc và Nga, đồng thời truyền tin tức thu thập được cho mạng lưới cảnh báo sớm tên lửa chiến lược của Quân đội Mỹ, tiến tới dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa ba lớp của Quân đội Mỹ để kiềm chế lược lượng tấn công chiến lược tầm xa của Trung Quốc và Nga.
Mặc dù Trung Quốc và Nga không thể ngăn chặn Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Nhật Bản, nhưng lại có thể làm cho hệ thống THAAD ở Nhật Bản mất hiệu quả, chẳng hạn sử dụng radar công suất lớn để liên tục gây nhiễu radar sóng ngắn X của hệ thống THAAD, hoặc sử dụng các phương thức như bắn từ tàu ngầm, từ đó nâng cao khả năng đột phá phòng không của tên lửa.
Đồng thời, sử dụng sức ép trên các phương diện như chính trị, kinh tế, ngoại giao, cuối cùng buộc Nhật Bản và Mỹ từ bỏ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, khôi phục sự bình ổn chiến lược của khu vực Đông Á.