Một là, Nga có thể ngăn chặn vụ tấn công bằng máy bay không người lái hôm 5/1, nhưng lại không dự đoán được việc các phần tử cực đoan đang hoạt động ở Idlib dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS). Trong vụ tấn công này, Nga đã mất một phi công chiến đấu xuất sắc.
Hai là, Matxcơva đã cảm thấy có bàn tay của Mỹ trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái ngày 5/1, nhưng lần này hãng thông tấn TASS của Nga lại nhanh chóng đưa tin phía Mỹ đã phủ nhận có liên quan đến vụ việc. Trước tình hình trên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng cảnh cáo những suy đoán được đưa ra "trước khi biết được thông tin chính xác về việc làm cách nào mà những phần tử khủng bố ở Syria có được hệ thống tên lửa phòng không vác vai cùng với những thứ vũ khí khác".
Tuy nhiên, đáng chú ý, ông Dmitry Sablin, một nhà lập pháp có ảnh hưởng và là điều phối viên nhóm nghị sĩ Nga-Syria, trước đó đã phát biểu rằng: "Chúng tôi có thông tin là những tên lửa MANPADS được sử dụng để bắn hạ chiến đấu cơ của chúng tôi đã được mang vào Syria từ một nước láng giềng vài ngày trước. Những nước đã để cho loại vũ khí này đi qua lãnh thổ, để rồi sau đó chúng được sử dụng chống lại quân nhân Nga, cần phải hiểu rằng hành động này sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt”.
Tỉnh Idlib nằm ngay trên biên giới của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây được coi là một "biên giới đóng cửa" dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Cho rằng những điều ông Sablin cáo buộc dựa trên thông tin xác thực, cơ quan tình báo Nga gần đây đã theo dõi việc chuyển giao MANPADS từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các phần tử cực đoan.
Nhưng thật thú vị, chỉ một ngày sau phát biểu của ông Sablin, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra lời cáo buộc ngược lại, được cho là từ "các nguồn tin an ninh", rằng vũ khí được lực lượng người Kurd sử dụng trong vụ tấn công xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/2 ở Afrin "có thể là tổ hợp tên lửa chống tăng Konkurs 9M113 do Nga sản xuất" và "tuyên bố này đang được đánh giá". 5 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Dù sao cũng đủ để thấy không khí tràn ngập những lời bóng gió và ám chỉ rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã khiến bên kia đổ máu vào ngày 3/2, mặc dù vẫn đang là đồng minh trong cuộc chiến tranh ở Syria.
Hồi tháng 1/2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã liên lạc với Tổng thống Vladimir Putin để làm rõ tình hình. Nhưng ở sự kiện mới nhất này, việc trao đổi giống như vậy đến tận giờ vẫn chưa hề diễn ra. Mặc dù ông Erdogan có nghĩa vụ bắt đầu một cuộc đối thoại - theo thỏa thuận đã đạt được trong các cuộc hội đàm tại Astana hồi năm ngoái tiếp sau lệnh ngừng bắn ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ được giao trách nhiệm thiết lập "các trạm quan sát" ở tỉnh Idlib để giám sát hoạt động của các nhóm cực đoan.
Trong khi đó, vào ngày 5/2, ông Putin đã gửi một thông điệp chúc mừng ông Nicos Anastasiades tái đắc cử Tổng thống Cộng hòa Síp. Thông điệp của ông Putin bày tỏ sự tin tưởng rằng "đối thoại mang tính xây dựng" và "công việc chung" của hai nước đều có lợi cho cả hai và "phù hợp với những nỗ lực nhằm cải thiện sự ổn định và an ninh ở châu Âu và phía đông Địa Trung Hải". Quan hệ giữa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và chiếm lấy một phần lãnh thổ phía bắc đảo quốc này vào năm 1974.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, khó khăn gồm ba phần. Thứ nhất, nước này không thể chấp nhận một thực tế mới là Nga (có quan hệ với nền văn minh Hy Lạp và Síp) hiện nay đã trở thành cường quốc thống trị ở phía đông Địa Trung Hải. Thứ hai, nước này phản đối các hoạt động của quân đội Syria, với sự trợ giúp của không quân, để giành lại quyền kiểm soát Idlib từ các nhóm đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Và trên hết, thứ ba, kế hoạch to lớn của ông Erdogan là thiết lập một chỗ đứng vững chắc lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria (đất nước từng bị cai trị bởi đế quốc Ottoman), sẽ mãi là mơ mộng viển vông chừng nào Nga vẫn trợ giúp cho sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã nhìn nhận mối quan hệ của Matxcơva với người Kurd ở Afrin với thái độ nghi ngờ.
Vì vậy, hiện giờ Erdogan sẽ tìm kiếm một thỏa hiệp tạm thời với Mỹ. Tất nhiên, đó sẽ là một giấc mơ thành sự thật đối với Mỹ nếu vết rạn trong trục Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria rộng hơn và trở thành kẽ nứt trong vài tuần tới. Đều phản đối các căn cứ Nga được thiết lập ở Syria, Washington và Ankara rõ ràng đang cùng chung chí hướng.
Mặt khác, Lầu Năm Góc sẽ mong đợi ông Erdogan từ bỏ kế hoạch mở các chiến dịch quân sự để tấn công người Kurd ở Manbij. Mỹ không thể nào chấp nhận yêu cầu phá vỡ liên minh với người Kurd ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 9/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nói ẩn ý rằng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ đang được tiếp tục để can ngăn ông Erdogan không hạ lệnh mở chiến dịch tới Manbij.
Về phần mình, ông Erdogan sẽ tìm kiếm một sự cân bằng với chính quyền Donald Trump để tạo điều kiện cho việc nối lại tình hữu nghị với Mỹ. Ông biết rõ rằng Mỹ sẽ nhìn thấy những lợi ích trong tình huống đang diễn ra để rồi sẽ thúc đẩy cho chiến lược ngăn chặn Iran trở nên hiệu quả hơn ở Syria và cô lập chính quyền Assad. Quả thực, một kẽ nứt trong trục Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria mở ra một tình thế hoàn toàn mới tại nước này, cho phép Mỹ tạo ra các hiện trạng mới trên mặt đất và có thể đàm phán cứng rắn hơn về việc dàn xếp tương lai của Syria. Israel cũng là một bên có liên quan ở đây.
Ông Erdogan từ lâu đã khao khát một vai trò lớn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ, như là nước chỉ huy trong các chiến lược của phương Tây tại Syria, và tự cho rằng mình có vai trò hình mẫu đối với vùng Trung Đông Hồi giáo.
Ông Erdogan đã gặp Đức Giáo Hoàng Pope Francis vào ngày 5/2 vừa qua. Đây là lần đầu tiên sau 59 năm có một vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ viếng thăm Vatican.